Màn thị uy của Nga qua dàn khách mời 'khủng' dự Lễ diễu binh 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít
Với sự tham dự của 29 nhà lãnh đạo thế giới, Lễ diễu binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít được Điện Kremlin quảng bá như một minh chứng cho sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga, bất chấp sự cô lập từ phần lớn các quốc gia phương Tây.
Ngày 9/5 năm 2025, Quảng trường Đỏ tại Thủ đô Moscow (Nga) sẽ trở thành tâm điểm của lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít của Liên Xô trong Thế chiến II. Đây không chỉ là dịp để Nga tôn vinh lịch sử mà còn là cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin phô diễn ảnh hưởng toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Sự kiện diễn ra trong một tuần đầy biến động, khi Ukraine được cho là đã thực hiện các cuộc tấn công bằng phương tiện bay không người lái vào Moscow, gây gián đoạn tại các sân bay lớn và làm dấy lên lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, danh sách khách mời gồm các nguyên thủ quốc gia từ châu Á, châu Phi và cả châu Âu, cho thấy nỗ lực của Nga trong việc củng cố các liên minh chiến lược và thách thức trật tự quốc tế do phương Tây dẫn dắt.
Những gương mặt nổi bật tại Quảng trường Đỏ
Trọng tâm của lễ diễu binh năm nay là sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được Tổng thống Putin mô tả là “khách mời chính”. Chuyến thăm Moscow từ ngày 7 đến 10/5 của ông Tập không chỉ mang tính biểu tượng mà còn nhằm củng cố quan hệ song phương Nga-Trung, vốn ngày càng thắt chặt trong bối cảnh cả hai quốc gia đối mặt với sức ép từ phương Tây.
Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết các thỏa thuận liên chính phủ, tập trung vào thương mại, năng lượng và hợp tác trong khối BRICS. Trung Quốc, dù tự nhận là trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Nga, cung cấp các mặt hàng sử dụng thiết yếu và nhập khẩu lượng lớn dầu khí từ Moscow.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga dự Lễ diễu binh kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng phát xít. Ảnh: Feng Yongbin/China Daily
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng là một vị khách đáng chú ý. Chuyến thăm Moscow đánh dấu lần đầu tiên ông đến Nga kể từ sau khi nước này mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. Với tham vọng định vị mình là trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Lula da Silva dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Putin để thảo luận về các sáng kiến hòa bình.
Trong khi đó, châu Âu có sự đại diện là Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Cả hai nhà lãnh đạo đều theo đuổi chính sách thân Nga, bất chấp áp lực từ Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Fico, với lập trường dân túy và thái độ thách thức EU, đã công khai bác bỏ các cảnh báo từ Brussels về việc đến Moscow.
Tổng thống Vucic, dù đối mặt với sức ép từ EU về tham vọng gia nhập khối, vẫn chọn có mặt để duy trì mối quan hệ chiến lược với Nga. Sự hiện diện của hai nhà lãnh đạo này, dù chưa chắc chắn do các vấn đề sức khỏe, là minh chứng cho thấy Nga vẫn giữ được một số đồng minh ở châu Âu.
ĐỌC NGAY: EU đứng giữa lựa chọn khó: khí đốt Nga hay LNG Mỹ?
Tám nhà lãnh đạo từ các nước như Ai Cập, Zimbabwe, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Ethiopia, Cộng hòa Congo và Guinea Xích Đạo sẽ có mặt tại Quảng trường Đỏ. Sự hiện diện của họ phản ánh các mối quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế ngày càng sâu sắc với Nga.
Chẳng hạn, Burkina Faso, dưới sự lãnh đạo của Đại úy Ibrahim Traore, đã nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Moscow, với hàng trăm “cố vấn” Nga được triển khai tại đây. Tương tự, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cũng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Nga để củng cố quyền lực trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.
Các quốc gia châu Phi tham dự cũng là thành viên hoặc đối tác tiềm năng của khối BRICS, một liên minh mà Nga và Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng để đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây. Sự hiện diện của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và các nhà lãnh đạo khác cho thấy Nga đang định vị mình như một đối tác đáng tin cậy ở châu Phi, tận dụng các mối quan hệ kinh tế và quân sự để bù đắp cho sự cô lập ở các khu vực khác.
Vấn đề an ninh và thông điệp chính trị
Lễ diễu binh kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít năm nay ở Nga diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tối đa, sau khi Moscow hứng chịu các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái bị cho là đến từ Ukraine trong 3 ngày liên tiếp trước sự kiện.
Các cuộc tấn công này đã gây gián đoạn nghiêm trọng tại các sân bay lớn, làm chậm hành trình của nhiều nhà lãnh đạo, như trường hợp Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phải mất 10 giờ mới đến được Moscow. Để đảm bảo an toàn, Nga đã triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến và áp đặt hạn chế Internet di động tại Moscow.
Điện Kremlin cũng tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương từ ngày 8 đến 11/5, được mô tả là mang tính “nhân đạo”, bất chấp những cảnh báo từ phía Ukraine rằng Kiev không thể đảm bảo an toàn cho các quan chức nước ngoài tại Moscow.
Ngoài các nhà lãnh đạo, lễ diễu binh còn có sự tham gia của quân nhân từ 13 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam và các nước thuộc Liên Xô cũ. Sự góp mặt của các binh sĩ nước ngoài, cùng những khí tài quân sự hiện đại như tên lửa đạn đạo và xe tăng, là cách Nga phô diễn sức mạnh quân sự và sự đoàn kết với các đồng minh.
Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc, Brazil, châu Phi và các nước đồng minh truyền thống, Điện Kremlin đã gửi đi thông điệp rằng sự kiện này không chỉ là lễ kỷ niệm lịch sử mà còn là cơ hội để củng cố câu chuyện về một nước Nga bất khuất, không bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt hay sức ép quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ dự Lễ diễu binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít ở NgaTheo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Thủ đô Moscow ngày 9/5/2025.Trong bài viết “Nga và Việt Nam: 75 năm hữu nghị, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau” đăng trên tạp chí Đời sống quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga sẽ rất vui mừng được chào đón Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tham dự Lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2025) trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow.