100 ngày Covid-19 khiến thế giới đảo lộn
Khởi đầu là những lời cảnh báo yếu ớt, đến nay đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới đảo lộn theo một cách chưa từng xảy ra trước đây.
Khởi đầu là những lời cảnh báo yếu ớt, đến nay đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới đảo lộn theo một cách chưa từng xảy ra trước đây.
Khoảnh khắc giao thừa năm 2019 là lúc cả thế giới đang chuẩn bị ăn mừng bởi một thập kỷ hỗn loạn sắp chấm dứt.
Những sự kiện như Brexit, cuộc nội chiến Syria, khủng hoảng tị nạn, sự phát triển của mạng xã hội và chủ nghĩa dân tộc bùng nổ trở lại của những năm 2010 được cho là sẽ định hình thập kỷ ở phía trước. Tuy nhiên mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.
Chính vào những giờ phút cuối cùng của thập kỷ vừa qua, khoảnh khắc ngay trước khi mọi người bật champagne và đếm ngược đồng hồ chào đón năm mới, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thập kỷ cũng bắt đầu xuất hiện.
13h30 (giờ địa phương) ngày 31/12, website của chính phủ Trung Quốc phát đi thông báo rằng họ vừa phát hiện ra một "bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân" ở khu vực quanh chợ bán buôn hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, thành phố công nghiệp có 11 triệu dân.
Thời điểm đó, dịch bệnh này là 1 trong 12 dịch khác được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận. Tuy nhiên ở bên ngoài Trung Quốc, phát hiện về "dịch viêm phổi" kể trên chưa được chú ý nhiều.
Trong suốt 100 ngày tiếp theo, virus đã làm đóng băng các hoạt động du lịch, đi lại quốc tế, nhiều sự kiện kinh tế bị hủy bỏ và khiến hơn một nửa dân số toàn thế giới phải ở yên trong nhà. Đến nay, nó đã lây nhiễm cho hơn một triệu người và con số chưa dừng lại ở đó. Đáng chú ý trong số các bệnh nhân còn có cả Thủ tướng Anh, Thái tử Anh, Phó tổng thống Iran cùng hàng loạt người nổi tiếng khác. Hơn 75.000 người đã thiệt mạng.
Nhưng vào thời điểm ngày cuối cùng của tháng 12/2019, không ai có thể tưởng tượng ra những hậu quả khủng khiếp này. Khi thời khắc giao thừa bắt đầu, pháo hoa vẫn nổ, người dân toàn thế giới vẫn hân hoan xuống đường đón chào năm mới 2020.
Bình thường nhộn nhịp là vậy nhưng ngày 1/1, chợ hải sản Vũ Hán xuất hiện một vài cảnh tượng lạ. Một vài cảnh sát đang dán băng dính nối các tấm chắn bằng kim loại lại với nhau, đồng thời thúc giục các chủ quầy hàng trong chợ đóng cửa. Những người trong bộ đồ bảo hộ trắng thì cẩn thận lấy mẫu từ các bề mặt rồi bỏ vào túi nhựa kín.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều thông tin gây hoang mang bắt đầu xuất hiện. Đỉnh điểm là khi những tài liệu y tế cảnh báo rằng nhiều bệnh nhân đang đến các bệnh viện ở Vũ Hán với những triệu chứng đáng quan ngại được tiết lộ.
Một thông điệp trên mạng có nội dung: "Nhiều khả năng là bệnh SARS, đừng để các y tá ra ngoài". Một người khác đưa ra lời khuyên ngắn gọn: "Rửa tay. Đeo khẩu trang. Đeo găng tay".
Các quốc gia khác cũng tỏ ra cảnh giác với căn bệnh lạ kể trên. Trong vòng hai ngày, Singapore bắt đầu kiểm tra những người đến từ Vũ Hán tại biên giới.
Tại Vũ Hán, nhà chức trách đã triệu tập 8 người bị cáo buộc lan truyền tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng về sau bị khiển trách vì đã cho một nhóm cựu sinh viên trường y cùng khóa với anh xem bản phân tích về virus mà anh cho là SARS.
Các cụm từ như "viêm phổi Vũ Hán bí ẩn" hay "chợ hải sản Vũ Hán" nhanh chóng bị kiểm duyệt trên YY - nền tảng phát video trực tiếp nổi tiếng của Trung Quốc.
Căn bệnh bí ẩn được xác định: Các nhà khoa học Trung Quốc nói những bệnh nhân tại Vũ Hán đã nhiễm một lại virus corona chưa được phát hiện trước đó.
Hai loại virus corona, SARS và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) trước đây đều là những đại dịch đáng sợ và các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định rằng loại virus corona chủng mới lần này cũng sẽ gây nguy hiểm chết người. Chỉ 1 đêm trước, một bệnh nhân 61 tuổi đã qua đời - trở thành nạn nhân đầu tiên của virus corona chủng mới.
Thời gian này, số ca nhiễm mới liên tục giảm. Sau khi phân tích virus, các bác sỹ đã loại bỏ những bệnh nhân nhiễm bệnh ra khỏi danh sách và cho rằng họ chỉ mắc bệnh viêm phổi thông thường. Suốt 4 ngày sau đó, không có bất kỳ ca mắc virus corona chủng mới nào được công bố.
Ngoài ra, việc xác định virus mới bị làm lu mờ bởi những đồn đoán xung quanh một vụ rơi máy bay bên ngoài thủ đô Tehran, Iran, ngày 8/1. Iran nói rằng nguyên nhân máy bay rơi là do lỗi kỹ thuật nhưng các hình ảnh và video trên mạng làm dấy lên nghi ngờ phi cơ bị bắn rơi.
Sau này, một nghiên cứu kết luận tại thời điểm đó, dịch bệnh đã tăng gấp đôi về quy mô sau mỗi tuần. Ngày 10/1, bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh.
Hơn một tuần đã trôi qua sau khi giới chức y tế Vũ Hán xác nhận về trường hợp nhiễm virus corona mới nhất. Không có gì xảy ra kể từ khi thành phố bắt đầu tổ chức một cuộc họp thường niên giữa các quan chức ở trung ương và địa phương.
Nhưng virus corona chủng mới đã "thoát khỏi" Trung Quốc. Thái Lan ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus, một người 61 tuổi đến từ Vũ Hán có biểu hiện sốt cao được phát hiện sau khi đo thân nhiệt ở sân bay Bangkok.
Tại Anh, một Hội đồng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã nhóm họp ở London để thảo luận về virus mới. Kết thúc buổi họp, họ đưa ra kết luận rằng nguy cơ đối với nước Anh là rất thấp, nhưng vẫn cần đảm bảo điều tra và thử nghiệm.
Chính phủ Trung Quốc thì khẳng định vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc virus có thể lây từ người sang người cũng như chưa có chuyên gia y tế nào xuất hiện triệu chứng bệnh. WHO ra một thông báo khẳng định họ đảm bảo cách phản ứng của Trung Quốc với loại virus mới.
Các nhà dịch tễ học thì nói rằng những tin tức mới rất đáng mừng. "Nếu không có ca nhiễm nào mới trong vài ngày tới, dịch bệnh sẽ kết thúc", Quản Dật, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, nói với New York Times.
Nhưng, các bác sĩ ở Vũ Hán lại chứng kiến một bức tranh hoàn toàn khác. Các nghiên cứu về sau này đã tiết lộ rằng trong vòng hơn hai tuần, bệnh viện ở Vũ Hán đã phải đối phó với "một sự gia tăng theo cấp số nhân" những trường hợp nhiễm virus corona chủng mới không liên quan tới chợ hải sản Hoa Nam.
Trung Nam Sơn, một chuyên gia hô hấp giàu kinh nghiệm trong nhóm phản ứng với dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc, xuất hiện trên truyền hình. Ông đưa ra hai thông tin xấu: Hai ca nhiễm virus corona mới được phát hiện ở tỉnh Quảng Đông trong số những bệnh nhân không có mối liên hệ trực tiếp tới Vũ Hán. Kết luận đã rõ ràng. "Có thể chắc chắn rằng đây là hiện tượng lây nhiễm từ người sang người", ông nói.
Dường như đã biến mất trong hơn hai tuần, virus corona giờ đây xuất hiện trở lại và nó đang có mặt trên khắp đất nước Trung Quốc. Tối 24/1, Trung Quốc ghi nhận thêm 4 ca nhiễm. Đến 26/1, số ca nhiễm tăng lên 139. Ngày hôm sau, những ca nhiễm đầu tiên ở Bắc Kinh và Thượng Hải được công bố.
Chưa dừng lại ở đó, virus còn tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Ngày 19/1, một người đàn ông 35 tuổi vừa trở về từ Vũ Hán đến một phòng khám ở bang Washington với triệu chứng ho và sốt cao - đây chính là ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở Mỹ.
Tổng thống Donald Trump ngày 18/1 nhận được báo cáo ngắn đầu tiên về virus corona. Tại cuộc họp đó, theo ghi nhận của tờ Washington Post, ông Trump còn cắt ngang báo cáo về virus để hỏi khi nào các sản phẩm vape (thuốc lá điện tử) có mùi hương quay trở lại thị trường.
Trong khi đó, mọi người ở Vũ Hán rơi vào tình trạng hoảng loạn. 6h sáng 20/1, khoảng hơn 100 bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona được nhìn thấy xếp hàng bên ngoài bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán.
Trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, khi mà hàng trăm triệu người Trung Quốc bắt đầu đi mọi nơi để thăm bạn bè, gia đình, Vũ Hán bị phong tỏa. Mọi tuyến giao thông đến và đi khỏi thành phố bị dừng hoạt động. Thành phố ghi nhận hơn 800 người nhiễm virus corona, 25 người chết.
Đây chính là nơi đầu tiên trên thế giới trải qua toàn bộ những thảm họa của một đại dịch: Các ca bệnh tăng lên chóng mặt, bệnh viện quá tải, toàn thành phố bị phong tỏa.
Virus xâm nhập châu Âu, được phát hiện ở hai hành khách đến từ Trung Quốc và một người họ hàng của họ. Cả ba người có lịch sử tiếp xúc phức tạp và chính quyền Pháp thông báo đang nỗ lực lần dấu những ca nhiễm tiềm tàng. "Cần phải đối phó với một dịch bệnh như chữa cháy vậy", Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn nói.
Phía Tổng thống Trump, ông nhận được câu hỏi đầu tiên từ truyền thông về virus khi ở Davos hai ngày trước. Khi phóng viên hỏi ông có lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh không, Tổng thống Mỹ đáp: "Không hề. Mọi thứ đang được kiểm soát một cách hoàn hảo".
Sáng hôm sau, Trung Quốc quyết định mở rộng lệnh phong tỏa ra 56 triệu người. Chủ tịch Tập Cận Bình sau này cảnh báo đất nước đang đối diện với "một tình cảnh chết chóc". Lương Vũ Đông, bác sĩ tại bệnh viện Tân Hoa ở Hồ Bắc, trở thành nhân viên y tế đầu tiên tử vong vì virus corona.
Ngày mà nước Anh hoàn tất thỏa thuận Brexit, virus corona đạt tới cột mốc mới. Tính đến cuối ngày hôm đó, quy mô dịch Covid-19 đã lớn hơn dịch SARS. Virus cũng đã đến Anh. Tây Ban Nha và Italy không lâu sau cũng ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
"Tình hình khá nghiêm trọng nhưng không cần thiết phải báo động, mọi thứ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát", Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza khẳng định.
Chưa có ai chết vì virus corona bên ngoài Trung Quốc nhưng số ca tử vong của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, lên 258 ca trong hơn 11.000 người nhiễm. Mỹ thông báo cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài gần đây đến Trung Quốc.
Số ca nhiễm ở Trung Quốc đã vượt 20.000 với 425 ca tử vong. Một người dân Vũ Hán bị viêm phổi nặng từ tuần trước qua đời tại một bệnh viện ở Manila, Philippines, trở thành người đầu tiên tử vong vì nCoV bên ngoài Trung Quốc. Philippines cấm nhập cảnh người đến từ Trung Quốc.
Tổng giám đốc WHO cho biết sự lây lan của virus trên toàn cầu có vẻ "chậm và không đáng kể", dù nó có thể tồi tệ hơn và không cần thiết phải ngừng giao thương, đi lại.
Tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán, tình trạng của bác sĩ Lý Văn Lượng xấu đi. Ba ngày sau, anh qua đời. Cái chết của bác sĩ Lý thổi bùng thịnh nộ và đau buồn tại Vũ Hán cũng như trên khắp Trung Quốc.
Ngày 5/2, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) bắt đầu phân phối các kit xét nghiệm nCoV đi khắp đất nước. Nhưng thiết bị còn sai sót và trong tháng sau đó, Mỹ chỉ thực hiện được hơn 1.200 xét nghiệm, so với ít nhất 12.000 xét nghiệm mỗi ngày ở Hàn Quốc và Đức.
Hàn Quốc đã được đền đáp nhờ áp dụng chiến lược thử nghiệm diện rộng và theo dõi sát sao. Một ngày trước, nước này chỉ ghi nhận 30 ca nhiễm nhưng ca nhiễm thứ 31 lại gây lo ngại cho nhà chức trách.
Người phụ nữ, 61 tuổi, thành viên một giáo phái đã tham dự nhiều buổi lễ cầu nguyện dù đã nhiễm virus. Bà phớt lờ yêu cầu xét nghiệm nCoV từ bác sĩ. Giới chức ước tính bà có ít nhất 1.160 tiếp xúc nguy cơ. "Sau đó, virus bùng nổ", Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, nói.
Iran công bố hai ca nhiễm đầu tiên, đều ở thành phố Qom.
Số ca nhiễm nCoV toàn cầu vượt 80.000. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, số trường hợp nhiễm mới ở nước ngoài cao hơn Trung Quốc. Bắc Kinh đã đạt đỉnh dịch vào ngày 23/2 khi 150 người chết vì dịch bệnh.
Trong khi đó, các quốc gia khác chỉ mới bắt đầu quá trình gia tăng. Italy ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 21/2 (4 ngày trước) và lúc này số người chết đã lên đến 11. Khoảng 50.000 người ở khu vực phía bắc Italy bị áp lệnh phong tỏa, đầu tiên ở châu Âu.
Tại Iran, Covid-19 đã tấn công quyết liệt vào giới tinh hoa. Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi tối hôm trước xuất hiện trên truyền hình, mồ hôi đầm đìa, tuyên bố virus vẫn được kiểm soát tốt. Chiều 25/2, ông nhận kết quả dương tính với nCoV.
Khi Mỹ công bố ca nhiễm thứ 14, Trump tweet trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ: "nCoV đang được kiểm soát rất tốt tại Mỹ. Thị trường chứng khoán trông khá ổn đối với tôi!".
Số ca tử vong vì nCoV tại Italy tăng 6 lần trong 6 ngày. Hơn 230 người đã chết và số trường hợp nhiễm mới tăng hơn 1.200 mỗi ngày. Rome đã ra lệnh đóng cửa trường học, cấm khán giả đến xem các trận đấu bóng đá trong giải Serie A và chuẩn bị phong tỏa Lombardy.
"Hệ thống y tế có nguy cơ quá tải và chúng ta sẽ gặp vấn đề với hệ thống điều trị tích cực nếu cuộc khủng hoảng theo cấp số nhân này còn tiếp diễn", Thủ tướng Giuseppe Conte cảnh báo.
Một phụ nữ ngoài 70 tuổi trở thành bệnh nhân đầu tiên chết vì nCoV tại Anh. Phố Downing đánh giá virus giờ đây dường như đang lan truyền "theo cách rất đáng lưu ý".
Ba ngày trước, tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố ông vẫn sẽ giữ thói quen bắt tay chào hỏi. "Tôi đã ở bệnh viện vào đêm nọ, nơi tôi nghĩ là có một số bệnh nhân nCoV và tôi đã bắt tay từng người", ông nói.
Tại một cuộc họp báo hiếm hoi ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Trump thông báo chính quyền của ông đang bắt tay vào "nỗ lực tích cực và toàn diện nhất để đối đầu với một virus từ nước ngoài".
Số ca nhiễm ở Mỹ đã vượt 1.000 và hơn 116.000 người bị nhiễm trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ và Anh sụp đổ nhanh chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008 do lo lắng về virus và cuộc chiến giá dầu Nga - Arab Saudi.
Italy ghi nhận thêm 168 ca tử vong chỉ trong một ngày, con số cao nhất được ghi nhận trên thế giới. Hình ảnh một y tá Italy kiệt sức bên bàn làm việc lan truyền nhanh chóng trên mạng. Đất nước đang đối diện "giờ phút đen tối nhất", Thủ tướng Conte nhấn mạnh.
WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch.
Anh ghi nhận 456 ca nhiễm nhưng từ chối phong tỏa diện rộng, biện pháp đã được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu. Những người ốm và người dễ bị tổn thương được khuyến cáo ở nhà, nhưng chính phủ nghiêng về quan điểm rằng cái giá phải trả để dập tắt virus là quá cao nếu phải đánh đổi sự tự do.
Cho phép virus lây lan có thể "tạo ra một loại miễn dịch cộng đồng", Patrick Vallance, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Anh, phát biểu trên BBC.
Các quốc gia châu Âu tự cách ly với nhau và cách ly với thế giới bên ngoài. "Chúng ta đang trong một cuộc chiến", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.
Số ca tử vong ở Italy đã vượt 450 mỗi ngày và sẽ sớm vượt qua Trung Quốc. Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha sẽ tăng gấp đôi lên 17.000 vào cuối tuần. 3/4 số ca tử vong vì nCoV trên toàn cầu là ở châu Âu.
Mỗi giờ trôi qua lại xuất hiện thêm những diễn biến mới: Nhiều trường hợp nhiễm mới hơn, nhiều ca tử vong hơn và nhiều nước áp đặt lệnh hạn chế hơn. Người Australia ở nước ngoài được yêu cầu về nước càng sớm càng tốt. Người Pháp bị cấm đi xe đạp. 40 triệu dân California, Mỹ, được khuyên không rời khỏi nhà.
Phố Downing khẩn cấp thay đổi chiến lược hướng tới "miễn dịch cộng đồng" khi một biểu đồ được trình lên Thủ tướng Boris Johnson cho thấy để đạt mục tiêu trên, nửa triệu người Anh sẽ phải chết và Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) sẽ sụp đổ.
Tại châu Phi, số ca nhiễm sắp đạt 1.000. Toàn cầu ghi nhận hơn 160.000 ca nhiễm.
Số ca nhiễm toàn cầu đã vượt 370.000. Thủ tướng Anh ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, kêu gọi cả nước "ở yên trong nhà".
Gần 400 người chết ở Tây Ban Nha.
Hơn 5.000 ca nhiễm mới được báo cáo ở New York, nâng tổng số ca nhiễm ở bang này lên 20.000. Đến cuối tuần, Mỹ sẽ trở thành nước ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất thế giới.
Dịch bệnh đang có chiều hướng đi xuống ở Trung Quốc khi Bắc Kinh báo cáo ngày đầu tiên không ghi nhận ca nhiễm mới nội địa nào.
Ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi người dân "quên chuyện ra ngoài đi" trong vòng ba tuần tới. Hơn 3,5 tỷ người trên toàn cầu đang phải sống trong điều kiện cách biệt cộng đồng.
Đại học Johns Hopkins xác nhận số ca nhiễm nCoV toàn cầu vượt một triệu với hơn 50.000 ca tử vong. Người nhiễm virus bao gồm cả Thủ tướng Anh Johnson. Ông nói mình chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ và vẫn sẽ điều hành chính phủ trong thời gian cách ly.
Tại Ấn Độ, ca nhiễm thứ hai được phát hiện ở Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất Mumbai, một trong những nơi có mật độ dân số dày nhất Trái Đất, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh tại nước này có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với con số hơn 2.000 ca nhiễm mà chính phủ công bố.
Số ca tử vong ở Tây Ban Nha vượt 950 trong một ngày, mức cao kỷ lục. Số liệu cho thấy 9,6 triệu người Mỹ đã nộp đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Mỹ ghi nhận gần 250.000 người nhiễm và 6.000 người chết vì nCoV. Các bệnh viện dã chiến được dựng lên ở Công viên Trung tâm New York, các xe tải đông lạnh được dùng để giữ xác người chết. Trump cảnh báo "hai tuần rất, rất đau thương" đang ở phía trước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phải nhập viện điều trị tích cực từ đầu tuần vì các triệu chứng ngày càng xấu đi.
Tại một vài quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, số ca nhiễm và tử vong mới đang giảm. Trung Quốc báo cáo ngày đầu tiên không ghi nhận ca tử vong nào và thận trọng mở cửa trở lại một số thành phố.
Thứ bảy trước đó (ngày 4/4) có lẽ là ngày tang thương nhất kể từ thời điểm dịch bùng phát đến nay khi toàn cầu ghi nhận hơn 6.600 ca tử vong mới. Nhưng vẫn còn quá sớm để hy vọng khi mà virus corona vẫn chưa chạm tới một số nước nghèo nhất, mật độ dân số đông nhất.
Singapore, quốc gia trước đó được ca ngợi vì phản ứng nhanh giờ cũng phải đưa ra những biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn khi xuất hiện dấu hiệu về đợt sóng lây nhiễm mới.
Vaccine chống virus corona chủng mới đang được tức tốc nghiên cứu nhưng phải mất ít nhất 18 tháng nữa mới có thể cung cấp hàng loạt.
Pakistan cho phép mở lại các công trường xây dựng. Thủ tướng Imram Khan nói rằng: "Với 1/4 đất nước trong tình trạng nghèo đói, chúng tôi vừa phải tiến hành những biện pháp làm chậm sự lây lan của virus vừa phải đảm bảo để người dân không chết vì đói và nền kinh tế của cả nước không sụp đổ".
Tính đến nay, cả thế giới đã chứng kiến hơn 1,4 triệu người nhiễm và gần 84.000 người thiệt mạng vì virus corona chủng mới. Nhưng, vẫn còn tồn tại câu hỏi làm sao để cuộc sống của người dân có thể trở lại như bình thường!
Bài:
Vân Đàm
Theo:
The Guardian
Thiết kế:
Hương Xuân
Theo Tổ Quốc
Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/100-ngay-covid-19-khien-the-gioi-dao-lon-5202094161058433.htm