100% người dân đã được cấp CCCD gắn chip

Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân, cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử là một trong những kết quả đáng chú ý sau hai năm thực hiện Đề án 06.

Chiều 21-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình hai năm triển khai thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đề án 06 là một điểm sáng của chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá Đề án 06 một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong hai năm qua, mang lại những hiệu quả thiết thực trong quản lý cũng như nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Thủ tướng đã chỉ ra những điểm sáng đáng chú ý của Đề án 06, trong đó có việc hoàn thành cấp CCCD gắn chip cho 100% người dân. Ảnh: VGP

Thủ tướng đã chỉ ra những điểm sáng đáng chú ý của Đề án 06, trong đó có việc hoàn thành cấp CCCD gắn chip cho 100% người dân. Ảnh: VGP

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai Đề án 06 còn chậm; chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao. Nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ. Hạ tầng số, nền tảng số của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ…

Phân tích thêm về các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh ba nội dung. Đầu tiên, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Tiếp đó là cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của những người đứng đầu và việc làm lợi cho người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Cuối cùng là phải kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Chi trả an sinh không dùng tiền mặt

Theo Thủ tướng, kết quả đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước.

Chỉ ra bốn nhóm nhiệm vụ chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND 12 địa phương (Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc) sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt.

Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý I-2024 để hoàn thiện nhân rộng trên toàn quốc.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an tiếp tục tích cực triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả. Sớm triển khai thí điểm tại Vietcombank đầu năm 2024.

Thủ tướng giao Bộ TT&TT khẩn trương triển khai phủ sóng viễn thông toàn bộ các điểm lõm để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng, không ai bị bỏ lại phía sau, không để phát sinh thêm các điểm lõm sóng mới, hoàn thành trong quý I-2024.

Ngoài ra, các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ. Bộ Tư pháp đề xuất các phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa, hoàn thành trong tháng 1-2024.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nhóm nhiệm vụ thứ ba, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024, trong đó đề ra lộ trình chi tiết để hoàn thành chín nhóm chỉ tiêu cơ bản về giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho Đề án 06.

Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cố gắng hoàn thành trong năm 2024. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu, việc này cố gắng hoàn thành trong quý II-2024.

Đặc biệt các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế…; tăng cường quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng "Tài khoản an sinh xã hội" để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VneID.

Nhóm nhiệm vụ cuối cùng là triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình về Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, tập trung vào phương án xây dựng, triển khai, tổ chức bộ máy của Trung tâm. Đồng thời, sớm xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yếu tố quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và phải làm lợi cho người dân và doanh nghiệp, tất cả vì nhân dân phục vụ.

38/53 dịch vụ công thiết yếu được triển khai

Theo báo cáo, đến nay đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỉ đồng.

Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân, cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử.

Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh điện tử (VneID). Đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế; làm thủ tục hàng không cho chuyến bay nội địa; khai báo lưu trú; giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng chống COVID-19; tích hợp thông tin cư trú của công dân …

N.THẢO (Theo VGP)

Nguồn PLO: https://plo.vn/100-nguoi-dan-da-duoc-cap-cccd-gan-chip-post768004.html