100% nhà ở cần có lối thoát nạn thứ 2 (Bài cuối)
Không có lối thoát hiểm thứ 2 đã để lại những hậu quả đau lòng khi chẳng may xảy ra hỏa hoạn là vấn đề đã được nhắc đến. Không chỉ ở các chung cư cũ, nhà tập thể có nhiều người sinh sống mà ở cả nhà ở riêng lẻ của các các hộ gia đình.
Vụ cháy nhà trên phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây, nhiều nhân chứng vẫn chưa hết ám ảnh khi bất lực chứng kiến những bàn tay vẫy đèn pin cầu cứu từ tầng 6. Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn được thiết kế theo kiểu nhà ống, phía trên được quây kín bởi bởi lồng sắt và kính. Cửa sổ hai bên tòa nhà cũng được gia cố lồng sắt bên trong, cửa kính bên ngoài.
Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ cháy để lại hậu quả thương tâm và nguyên nhân đều liên quan đến chuồng cọp, các nạn nhân không thể thoát hiểm bởi lối thoát đã bị bịt kín. Trước thực trạng này, các kiến trúc sư cho rằng, đã đến lúc phải ban hành quy định bắt buộc mở lối thoát nạn ở chuồng cọp.
Nhà ở riêng lẻ cũng cần được điều chỉnh
Nói về tình trạng chuồng cọp kiên cố gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và thoát nạn khi xảy ra cháy nhà cả với nhà ở riêng lẻ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, hiện không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào về việc xây dựng chuồng cọp. Thời điểm nghiệm thu, các công trình chưa hình thành “chuồng cọp”. "Chuồng cọp” hình thành sau khi công trình nghiệm thu và đưa vào sử dụng, ông Công nói.
Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Đối với việc mở lối ra thoát hiểm, theo Nghị quyết 05 của HĐND TP Hà Nội năm 2022 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc xử lý công trình để đảm bảo công tác PCCC. Trong đó có quy định phải mở các lối ra thoát hiểm.
Sau các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, cử tri kiến nghị thành phố có hướng để làm cầu thang thoát hiểm thứ hai. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, loại hình chung cư mini có nhiều bất cập và tồn tại về xây dựng, PCCC. Vì thế, việc khắc phục theo quy định gặp nhiều khó khăn, nhất là lối thoát nạn, giải pháp chống cháy lan. Trong khi đó, nhà ở riêng lẻ chưa có đầy đủ các quy định về PCCC. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trên, UBND TP Hà Nội cho biết, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng để nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến PCCC, trọng tâm là Luật Phòng cháy và chữa cháy và Tiêu chuẩn Quốc gia về nhà ở riêng lẻ.
Ngoài ra, căn cứ các tồn tại về PCCC tại từng công trình, Công an TP Hà Nội đã và đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư, người dân thực hiện các giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn PCCC đối với công trình như: Đóng kín buồng thang bộ, ngăn cháy các khu vực có công năng khác nhau (khu vực sinh hoạt, khu vực để xe, khu vực kinh doanh...) để ngăn cháy lan. Đồng thời, tạo lối thoát nạn thứ hai qua ban công, logia, lối thoát nạn khẩn cấp lên mái, thang ngoài nhà phục vụ thoát nạn. Đồng thời, trang bị hệ thống, thiết bị PCCC, thiết bị cứu nạn cứu hộ, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh... phù hợp với quy mô của từng công trình.
Cần đưa tiêu chuẩn vào áp dụng rộng rãi
Với đa số đại biểu tán thành, tại phiên họp ngày 2/7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030. Đáng chú ý, Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2.
Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Dung, Quyền Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc chia sẻ, việc HĐND TP thông qua nghị quyết và đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát hiểm nạn thứ 2 là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân.
“Chính quyền ở cấp phường chúng tôi đang chờ các hướng dẫn để triển khai. Tuy nhiên trước mắt, chúng tôi sẽ triển khai tuyên truyền đến từng hộ thông qua các kênh thông tin của phường, qua cán bộ tổ dân phố, qua nhóm zalo của các tổ dân phố để các hộ dân hiểu và nắm được tinh thần triển khai”, bà Dung cho biết.
Trong khi đó, đề cập đến việc PCCC ở các loại hình nhà ở, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần phải đưa các tiêu chuẩn vào để áp dụng rộng rãi. Trước khi ban hành tiêu chuẩn quốc gia mới với nhà ở riêng lẻ, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình. Nhưng quy chuẩn này dường như chưa được người dân quan tâm khi xây dựng nhà ở riêng lẻ. Quy chuẩn này đang áp dụng với các tòa nhà lớn, nhà xưởng, chung cư cao tầng.
Theo đó, cầu thang bộ phải bảo đảm ngăn khói, độ chịu lửa cao, khi có hỏa hoạn người dân có thể thoát xuống tầng một để ra ngoài; các tòa chung cư cao tầng phải thiết kế tầng lánh nạn, phòng lánh nạn bảo đảm yêu cầu ngăn khói, ngăn cháy để bảo vệ tính mạng người dân. Với những công trình chung cư cao tầng, nhà xưởng công nghiệp tuân thủ quy chuẩn 06:2022/BXD nếu xảy ra cháy thì chỉ xảy ra cháy cục bộ, nhưng chi phí lắp đặt thiết bị PCCC cũng tốn kém hơn.
Còn đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, để bảo vệ an toàn cho người dân đang sinh sống trong căn nhà riêng lẻ, đặc biệt là mô hình nhà ống phổ biến tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn quốc gia nhà ở riêng lẻ theo hướng bổ sung các điều kiện trong thiết kế, thi công xây dựng.
“Các yêu cầu PCCC đối với nhà ở riêng lẻ hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành những quy định mang tính nguyên tắc. Ví dụ như: Phải tránh lửa cháy lan giữa hai nhà qua các ô cửa, có hệ thống cấp nước chữa cháy cho khu nhà ở liên kế, có giải pháp không cho khói từ buồng thang lan vào các tầng và ngược lại để đảm bảo yêu cầu thoát người khi có sự cố… Các hộp vòi chữa cháy được đặt ở mỗi tầng tại các sảnh cầu thang và phải đảm bảo cung cấp nước chữa cháy khi xảy ra cháy. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này ít được người dân, chủ đầu tư, các cơ quan cấp phép về xây dựng, cấp phép PCCC quan tâm. Khảo sát của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, hầu hết công trình nhà ở riêng lẻ hiện nay khu vực ban công, lô gia hay lối lên mái đều bị bịt kín bằng kết cấu kiên cố không có lối thoát nạn hoặc rất khó thoát nạn. Theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì bộ tiêu chuẩn quốc gia nhà ở riêng lẻ chỉ khuyến khích áp dụng, nếu nâng lên quy chuẩn mới bắt buộc tuân thủ. Vì thế, muốn bảo đảm an toàn phòng cháy cho nhà ở riêng lẻ cần đưa tiêu chuẩn vào quy chuẩn để bắt buộc áp dụng rộng rãi”, ông Vũ Ngọc Anh nói.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/100-nha-o-can-co-loi-thoat-nan-thu-2-bai-cuoi--i736706/