Luồng xanh quy hoạch, đầu tư và đấu thầu

Điểm nổi bật trong luật sửa đổi các quy định về quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đấu thầu lần này là bổ sung một loạt quy định.

Khu công nghiệp Đồng Văn II. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Khu công nghiệp Đồng Văn II. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rút ngắn thời gian cấp phép dự án đầu tư ưu tiên, tạo thông thoáng trong thực thi các quy định về quy hoạch, đầu tư kinh doanh và đấu thầu. Đó là những điểm nhấn đáng chú ý trong nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu đang được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đại diện cơ quan xây dựng dự thảo luật sửa đổi cho biết: Điểm nổi bật trong luật sửa đổi các quy định về quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đấu thầu lần này là bổ sung một loạt quy định: "luồng xanh" trong cấp phép dự án đầu tư ưu tiên, lập quỹ hỗ trợ đầu tư, chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của những dự án chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai, tài nguyên. Những quy định thông thoáng này được giới chuyên gia dự báo sẽ làm cho môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn.

Theo đó, luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ áp dụng với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các ban quản lý để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 15 ngày.

Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy, dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư dự án khoảng 260 ngày.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư lần này cũng bổ sung quy định về thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ các nguồn hợp pháp để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành nghề ưu đãi đầu tư.

Để hạn chế tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên, việc sửa đổi luật cũng sẽ ban hành quy định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm.

Đối với lĩnh vực hợp tác công tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tinh thần của luật sửa đổi là khuyến khích thực hiện phương thức đầu tư PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện, Luật PPP chỉ khuyến khích tư nhân đầu tư vào 5 lĩnh vực: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Sau 3 năm thực hiện luật, đã có 31 dự án PPP được triển khai và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Những dự án PPP này có quy mô vốn lớn, tổng vốn đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng vốn nhà nước khoảng 190.000 tỷ đồng.

Khi hoàn thành các dự án PPP sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch.

Để khuyến khích tư nhân tham gia các dự án PPP thời gian tới, việc sửa đổi luật sẽ bổ sung quy định áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỉ lệ vốn nhà nước ở mức 50%; giao Thủ tướng hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng vốn dự án PPP.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm (Đoàn Lạng Sơn) cho biết: Sau đại dịch COVID-19 và do nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến nhà đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. “Qua trao đổi với đại diện Bộ Giao thông Vận tải, chúng tôi được biết hiện nay, trên phạm vi cả nước có 11 dự án đang rất khó khăn về tài chính cần phải quan tâm xem xét giải quyết, vào khoảng hơn 15.000 tỷ đồng. Để tháo gỡ việc này, các nhà đầu tư cũng như các địa phương đã phối hợp tìm các giải pháp, tuy nhiên có những việc vượt quá thẩm quyền", đại biểu nói.

Quan tâm tới hạn mức chỉ định thầu được quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) nêu: Các nhóm đối tượng được quy định hạn mức chỉ định thầu chưa bao gồm nhóm đối tượng là các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư. Các dự án này cũng không thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư công. Điều này đang gây nhiều vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Thực tế, địa phương đang áp dụng hạn mức chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như đối với gói thầu thuộc dự án mua sắm. Tức là áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các gói thầu có giá gói thầu trên 100 triệu đồng; áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu có giá gói thầu trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.…

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, cách hiểu và làm như hiện nay chỉ mang tính vận dụng, phát sinh thêm nhiều trình tự, thủ tục so với trước đây. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thực hiện và giải ngân vì cơ bản các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thường có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, trong năm.

Vì vậy, đại biểu này đề nghị nghiên cứu sửa đổi khoản m, điểm 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023 theo hướng, cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như đối với các dự án đầu tư theo đầu tư công để đảm bảo căn cứ pháp lý, làm cơ sở thực hiện thống nhất trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện với tinh thần chung đây là một đợt cải cách hết sức mạnh mẽ, là cuộc cách mạng rất lớn.

“Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu thận trọng, thấu đáo trước khi quyết định những vấn đề đột phá thế này. Kỳ vọng dự án Luật được thông qua tại kỳ họp lần này để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới, kỷ nguyên mới, bối cảnh cạnh tranh mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/luong-xanh-quy-hoach-dau-tu-va-dau-thau/353686.html