1001 kiểu 'đốt' công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp - Bài 2: 'Hăm hở' tham gia chương trình kích cầu đầu tư rồi điêu đứng

Tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư của TP.HCM, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn bán, cầm cố tài sản vay ngân hàng để đầu tư, nhưng sau hơn 3 năm, vẫn chưa nhận được hỗ trợ bù lãi suất.

Lãng phí thời gian, công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp chính là một trong những dạng thức lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết “Chống lãng phí” hồi tháng 10/2024. Vấn nạn đó gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khi làm suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển. Vấn nạn đó tai hại hơn tham ô, vì lãng phí rất phổ biến.

Bài 2: “Hăm hở” tham gia chương trình kích cầu đầu tư rồi điêu đứng

Tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư của TP.HCM, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn bán, cầm cố tài sản vay ngân hàng để đầu tư, nhưng sau hơn 3 năm, vẫn chưa nhận được hỗ trợ bù lãi suất. Sự chậm trễ này khiến nhiều doanh nghiệp nguy cấp về tài chính, đứng trước nguy cơ phá sản, hoặc bị thâu tóm, đánh mất nhiều cơ hội kinh doanh.

Bán, thế chấp tài sản để tham gia kích cầu đầu tư

Mới đây, Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE) cùng 8 doanh nghiệp (Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh; Công ty TNHH Lập Phúc; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hiệp Phú Thành; Công ty cổ phần Echigo Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất cơ khí chính xác Việt Nhật; Công ty TNHH Phan Vinh Seimitsu; Công ty TNHH Sản xuất thương mại in Minh Mẫn; Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành) đại diện các doanh nghiệp tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư từ năm 2020 đến năm 2021 ký “tâm thư” gửi tới lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM.

Nhiều doanh nghiệp thuộc HAMEE đã đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại với chi phí lớn, nhưng chưa được hỗ trợ lãi vay.

Nhiều doanh nghiệp thuộc HAMEE đã đầu tư máy móc, nhà xưởng hiện đại với chi phí lớn, nhưng chưa được hỗ trợ lãi vay.

Đây là lần thứ 6, kể từ năm 2023 tới nay, HAMEE và các doanh nghiệp thành viên gửi đơn kêu cứu.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HAMEE, căn cứ Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/ 2015 của UBND TP.HCM (quy định về thực hiện Chương trình Kích cầu đầu tư) và Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND ngày 8/10/2018 của HĐND TP.HCM (quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020), 31 doanh nghiệp thuộc HAMEE đã đăng ký tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư.

Do tình trạng các doanh nghiệp nguy cấp như thế, một lần nữa, kính đề nghị các đồng chí lãnh đạo Thành phố cứu giúp các doanh nghiệp, để nghị quyết đặc thù về việc giải ngân cho các dự án kích cầu đầu tư được trình HĐND thông qua trong kỳ họp vào ngày 9/12/2024 tới.

Đây là kỳ họp cuối cùng của năm, nếu nghị quyết không được thông qua, mà vẫn phải tiếp tục chờ đợi tới năm sau hoặc lâu hơn nữa, chắc chắn sẽ có doanh nghiệp lâm vào tình trạng nợ xấu ngân hàng, nguy cơ bị phá sản là hiện hữu.

Khi đó, các doanh nghiệp xin phép được gửi đơn kêu cứu tới Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, để Trung ương giúp Thành phố tháo gỡ “điểm nghẽn”, giúp các doanh nghiệp chúng tôi tránh bị phá sản hoặc bị thâu tóm.

- Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE)

Chương trình Kích cầu đầu tư là một trong những chính sách đặc thù của TP.HCM nhằm khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên, chủ yếu là 4 ngành công nghiệp trọng yếu, sản xuất ứng dụng công nghệ cao…

Thành phố sẽ dùng ngân sách hỗ trợ lãi suất theo thực tế, nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn, cộng thêm phí quản lý 2%/năm. Phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay thực tế và mức hỗ trợ do chủ đầu tư tự cân đối. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm kể từ ngày giải ngân lần đầu. Số vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ, thiết bị, với mức tối đa 100 tỷ đồng/dự án.

Để được xét duyệt, theo quy định, doanh nghiệp phải đảm bảo được hàng loạt điều kiện như: có văn bản chấp thuận cho vay của tổ chức tín dụng sau khi đã thẩm định tính khả thi của dự án; dự án chưa được triển khai đầu tư bằng nguồn vốn vay đăng ký tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư; sản phẩm hình thành từ dự án thuộc danh mục theo quy định.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Công thương TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan phải tổ chức kiểm tra địa điểm đầu tư của dự án. Nếu đạt, sẽ tổ chức họp đánh giá, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành có liên quan và chủ đầu tư về yêu cầu quản lý ngành; tính khả thi; yêu cầu công nghệ, xây lắp, thiết bị và số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay cho dự án.

Sau nhiều phiên giải trình và bảo vệ dự án đầu tư trước hội đồng liên Sở (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Tài chính...), từ năm 2020 tới năm 2021, các doanh nghiệp thuộc HAMEE đã được Hội đồng duyệt và được UBND TP.HCM ký quyết định tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư.

Thế nên, các chủ doanh nghiệp mới mạnh dạn bán tài sản, cầm cố tài sản vay ngân hàng để đầu tư, xây dựng nhà máy khang trang, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại. Tất cả doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ đi vào sản xuất bền vững sau 5 - 7 năm đầu tư, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu theo lời kêu gọi của lãnh đạo Thành phố.

Cổ đông bán nhà, doanh nghiệp vay lãi ngoài để trả ngân hàng

Trong các dự án đầu tư đã được hàng loạt sở, ban, ngành của TP.HCM thẩm định phê duyệt, các doanh nghiệp đều tính đến nguồn hỗ trợ lãi suất theo quyết định đã nhận.

Tuy nhiên, sau khi bán, cầm cố tài sản vay tiền xây dựng nhà máy, đầu tư trang bị thiết bị hiện đại, đến nay đã hơn 3 năm, các doanh nghiệp thuộc HAMEE vẫn chưa nhận được hỗ trợ bù lãi suất từ TP.HCM theo quy định của Chương trình Kích cầu đầu tư. Trong khi đó, lãi suất mà doanh nghiệp đi vay có lúc lên đến 12%. Điều này đã khiến doanh nghiệp lâm cảnh thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng.

“Doanh nghiệp vô cùng khó khăn, tình hình tài chính rất nguy cấp. Có doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên phải bán nhà để lo trả lãi ngân hàng hằng tháng. Có doanh nghiệp phải vay lãi suất cao bên ngoài để duy trì trả lãi cho ngân hàng, để món nợ ngân hàng không thành nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, có nguy cơ phá sản, hoặc bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, kéo theo cả ngàn người lao động gặp khó khăn”, HAMEE và các doanh nghiệp bảy tỏ trong bức tâm thư gửi lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM.

Việc chậm giải ngân hỗ trợ bù lãi suất của Chương trình Kích cầu đầu tư đã làm các doanh nghiệp mất rất nhiều cơ hội kinh doanh, cạnh tranh vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa hết, việc chậm trễ cũng khiến doanh nghiệp cơ khí vô cùng bất an, trong khi Thành phố đang kêu gọi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư theo chiến lược phát triển ngành cơ khí tự động hóa.

Với những khó khăn như trên, từ giữa năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp cùng HAMEE đã gửi tâm thư cầu cứu lãnh đạo TP.HCM để “mong được lãnh đạo quan tâm cứu giúp”.

Cú “phanh” đột ngột khiến doanh nghiệp điêu đứng

Chương trình Kích cầu đầu tư được TP.HCM đề xuất và tiên phong thực hiện từ năm 1999. Ngày 30/10/2015, Thành phố ban hành Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND để khẳng định tiếp tục thực hiện chương trình này (bao gồm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ).

Sau đó, căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tách việc hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND để triển khai thực hiện.

Nhưng, Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND đã bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đề nghị bãi bỏ (tại Kết luận kiểm tra số 25/KL-KTrVB, ngày 14/7/2017) vì chưa phù hợp với Nghị định số 111/2015/NĐ-CP.

Sau đó, để tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TP.HCM đã tham mưu và HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND vào ngày 8/10/2018, có hiệu lực từ năm 2018 đến năm 2020 và sau đó được gia hạn đến hết năm 2021.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2021, UBND TP.HCM đã phê duyệt 281 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 28.884 tỷ đồng, trong đó, số vốn đầu tư được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 13.949 tỷ đồng.

Nhưng giai đoạn 2021 - 2022, Chương trình Kích cầu đầu tư của TP.HCM đột ngột bị gián đoạn, chưa rõ nguyên nhân. 31 doanh nghiệp của HAMEE rơi vào giai đoạn này, nên chưa được giải ngân hỗ trợ lãi vay.

Chủ tịch HAMEE cho hay, thời gian đầu, lãnh đạo TP.HCM thông tin rằng, chờ nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực, sẽ đưa nội dung này vào nghị quyết của HĐND Thành phố để triển khai.

Sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Quốc hội ban hành ngày 24/6/2023, đến tháng 7/2024, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND, tái khởi động Chương trình Kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, đối tượng của Chương trình được mở rộng cho nhiều lĩnh vực hơn, tổng vốn cho doanh nghiệp vay cũng được nâng lên tối đa 200 tỷ đồng/dự án. Mức hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 50% đến 100%, tùy loại hình dự án.

Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này.

Ông Đỗ Phước Tống cho hay, về vấn đề trên, lãnh đạo TP.HCM thông tin tiếp là, các dự án kích cầu của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2021 chưa thể đưa vào Nghị quyết của HĐND TP.HCM theo chương trình hỗ trợ lãi suất căn cứ Nghị quyết số 98/2023/QH15, mà phải có nghị quyết riêng lẻ theo cơ chế đặc thù.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, nghị quyết liên quan nói trên dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm) từ ngày 9/12 đến ngày 11/12/2024 của HĐND TP.HCM. Hàng chục doanh nghiệp thuộc HAMEE đang phấp phỏng chờ kết quả từng ngày, để thoát cảnh tán gia bại sản, dù rằng hàng loạt cơ hội đầu tư phát triển đã bị vuột mất.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/1001-kieu-dot-cong-suc-tai-san-co-hoi-dau-tu-cua-doanh-nghiep---bai-2-ham-ho-tham-gia-chuong-trinh-kich-cau-dau-tu-roi-dieu-dung-d231889.html