1001 thắc mắc: Hổ 'yêu đương' thế nào, vì sao hổ dữ không ăn thịt con?
Hổ, còn gọi là cọp, hùm, kễnh, khái, ông ba mươi hay chúa sơn lâm là 1 loài động vật có vú thuộc họ Mèo. Hổ săn mồi thế nào vì sao 'Hổ dữ không ăn thịt con'?
Thực ra, "Hổ dữ không ăn thịt con" - đây là câu tục ngữ của người Việt, ý chỉ rằng người mẹ sẽ luôn làm mọi thứ để bảo vệ con mình. Nhưng giống như bao tục ngữ khác, câu trên chỉ mang tính chất ví von là chủ yếu. Còn thực tế, thiên nhiên có thể tàn khốc hơn rất nhiều. Chẳng hạn như câu chuyện thương tâm mới đây với một loài cùng họ với hổ là sư tử chẳng hạn, khi bà mẹ sư tử Kigali tại vườn thú Leipzig của Đức bỗng nhiên ăn thịt cả 2 đứa con mình rứt ruột đẻ ra, mà chẳng có tín hiệu gì báo trước.
Thú không quá dữ cũng ăn thịt con?
Năm 2013, cô gấu lợn Khali đã khiến toàn thể nhân viên tại Sở thú quốc gia Smithsonia shock tột độ khi nó đột nhiên cúi xuống, chộp lấy gấu non vừa hạ sinh rồi ăn ngấu nghiến. Không lâu sau đó, gấu con thứ 2 cũng bị mẹ nó tấn công và tử vong nhanh chóng.
Lo sợ Khali sẽ tiếp tục phát cuồng, nhân viên sở thú bèn tách gấu non cuối cùng ra và chăm sóc tại viện thú y. Tuy nhiên tại đây, họ phát hiện ra gấu non đang bị bệnh trầm trọng, và tỏ ra nghi ngờ 2 người anh chị của nó cũng vậy. Phải chăng, đây là nguyên nhân khiến Khali phát cuồng và ăn thịt con mình?
Một trong các giả thuyết của các nhà khoa học với trường hợp thú ăn thịt con cũng là như vậy, bởi sinh nở và chăm sóc con là quá trình vất vả và đầy đánh đổi. Khi một con non trong đàn có dấu hiệu xấu về sức khỏe, mẹ của chúng có thể ra một quyết định tàn nhẫn là vứt bỏ chúng, để dồn toàn lực chăm sóc con non có sức khỏe tốt hơn.
Thậm chí trong trường hợp môi trường trở nên quá khắc nghiệt, thức ăn không nhiều và phải đưa ra lựa chọn là giữ mạng mình hoặc con, thú mẹ có thể đành phải bỏ con, chọn tồn tại cho đến khi môi trường đủ phù hợp để tiếp tục sinh nở.
Nghe thì có vẻ kinh khủng và thiếu nhân văn, nhưng tự nhiên là vậy, khắc nghiệt và tàn nhẫn vô cùng.
Nhưng chưa hết! Theo Tony Barthel - nhà nghiên cứu hành vi động vật tại Sở thú quốc gia Smithsonia thì việc để mặc thú non chết đi cũng không phải là một ý hay, vì có thể thu hút sự chú ý của kẻ thù. Vậy nên, thú mẹ buộc phải chọn cách ăn luôn con của mình.
Cũng theo Barthel, các con đực trong đàn có làm hành động này, nhưng vì nhiều lý do khác. Chẳng hạn để tăng khả năng duy trì bộ gene của mình, một con đực có thể giết chết con non không phải của mình. Ví dụ nổi bật nhất là cá heo - loài vật nổi tiếng là hiền lành, nhưng khi cần cá đực có thể tìm cách tách con non khỏi mẹ, rồi xử luôn đứa con để tiếp tục giao phối.
Giả thuyết khác được đưa ra về các sư tử đực. Khi phát hiện các gia đình khác, chúng sẽ chiến đấu với con đầu đàn. Nếu thành công, sư tử sẽ ăn luôn con nhỏ, để chứng minh sự uy dũng và thu hút sư tử cái, phục vụ quá trình sinh sản.
Một nghiên cứu khác cho rằng, động vật ăn thịt con mình do áp lực tiến hóa, điều này xuất hiện ở loài mèo. Chúng sẽ giữ lại con non khỏe mạnh, di truyền gene tốt cho thế hệ sau.
Nghiên cứu ở loài ong cho thấy, ong ăn thịt con để hạn chế sự cạnh tranh giữa các cá thể con.
Ngoài ra, động vật ăn thịt con để tránh kẻ thù, xảy ra ở nhiều loài đẻ trứng như: chim, rắn... Do trứng không có khả năng tự vệ, con mẹ sẽ ăn thịt con để không lọt vào tay kẻ thù.
Việc ăn thịt con diễn ra rất phổ biến trong tự nhiên, và dường như không có ngoại lệ. Theo Elise Huchard - chuyên gia đến từ Trung tâm sinh thái học tiến hóa, ước tính 25% các loài thú có hành vi này, chưa kể đến cá, côn trùng, lưỡng cư và thằn lằn. Các loài này thường sống theo bầy, nhưng có một nhóm con đực hùng mạnh trong đàn cạnh tranh vị trí với nhau.
Để ngăn chặn hành vi giết con non của các con đực hung dữ, nhiều loài vật đã nghĩ ra chiến lược của riêng mình. Như khỉ đầu chó, con cái một lần giao phối với nhiều con đực, để chúng không thể biết đứa trẻ sinh ra có phải là con mình không mà làm bừa.
Hổ yêu đương thế nào?
Hổ là loài độc cư, chỉ đến thời kỳ giao phối chúng mới đến sống cùng nhau. Độ tuổi phát dục của loài hổ tương đối giống nhau. Hổ cái khoảng 3 tuổi rưỡi, còn hổ đực thì muộn hơn một chút. Thời kỳ động dục của hổ diễn ra từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Trong thời gian này, tiếng gầm của hổ rất vang, có thể đạt đến 2km, xa hơn bình thường gấp nhiều lần để có thể quyến rũ bạn tình.
Tuy nhiên, cuộc chinh chiến với yêu đương của “ông ba mươi” không hoàn toàn đơn giản. Trong suốt mấy tháng ròng ấy, những chú hổ đực phải lang thang khắp nơi để tìm cho được người bạn tình như ý của mình. Cho đến khi gặp được “ý trung nhân” mọi việc cũng chưa hẳn đã kết thúc. Một cô hổ cái xinh đẹp có thể có đến 4-5 chàng theo đuổi.
Vì vậy, chỉ có chàng hổ nào thực sự đủ mạnh để chiến thắng các đối thủ cạnh tranh mới giành được trái tim của người đẹp. Đó hoàn toàn không phải là một cuộc chiến dễ dàng, ngược lại, nhiều khi những chàng hổ đáng thương phải trả bằng cái giá rất đắt.
Nhưng “thắng thì làm vua”, chàng hổ dũng mãnh nhất sẽ giành được trọn vẹn trái tim của người đẹp. Thông thường thì các cặp tình nhân hổ thường làm tình với nhau vào buổi sáng sớm trong lành và yên tĩnh. Mỗi ngày, chúng "gặp nhau" khoảng 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 15 phút. Các nàng khi động dục thường phát ra tiếng kêu hưng phấn, chủ động tiếp cận hổ đực.
Các cặp tình nhân hổ cũng không bao giờ vội vàng. Trước khi làm tình, hổ đực và hổ cái bao giờ cũng có thói quen ngửi mùi của nhau. Sau đó, hổ đực mới từ từ đi ra phía sau hổ cái và cuộc làm tình bắt đầu. Cuộc ái ân giữa một cặp hổ kéo dài không quá một phút. Hổ cái thường có thói quen phát ra tiếng kêu hưng phấn và kích động trong khi đang ân ái với bất cứ chú hổ đực nào. Còn hổ đực lại có thói quen cắn nhẹ vào phần đầu và gáy của hổ cái.
Cứ như vậy, cuộc tình giữa một cặp hổ kéo dài trong khoảng 4-5 ngày liên tiếp. Nhưng một điều mà bất cứ chàng hổ nào dù dũng mãnh nhất cũng không quên rằng, ngay sau khi cuộc “mây mưa” đã kết thúc thì ngay lập tức phải rút lui nếu như không muốn xảy ra một cuộc chiến nảy lửa.
Hổ cái 1-2 năm mới sinh nở một lần, mỗi lần mang thai kéo dài 105 ngày, mỗi lần mang thai từ 1-5 hổ con, thông thường thì chỉ có 2 con. Hổ mẹ chịu trách nhiệm nuôi nấng hổ con cho đến khi hổ con trưởng thành, thông thường khoảng thời gian này là 3 năm. Hổ đực sau cuộc tình chớp nhoáng thường trở về với lãnh địa của mình và tìm kiếm một nàng hổ mới. Cũng có trường hợp người ta thấy hổ đực cùng vợ và các con sống cùng nhau. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm.
Hổ săn mồi thế nào?
Hổ được xem là kẻ rình rập khét tiếng, một kỹ năng thiên bẩm giúp chúng sinh tồn trong thiên nhiên khắt nghiệt. Thông thường, việc săn mồi như thế này sẽ diễn ra mỗi tuần một lần, và trung bình chúng có thể tiêu thụ hết 40kg thức ăn chỉ trong một bữa ăn.
Ước tính cho thấy phạm vi thích hợp nhất để hổ vồ lấy con mồi là khoảng 6 - 9 mét. Khi con mồi đã nằm trong vùng này, hổ sẽ nhắm vào cổ của chúng, sau đó bay đến ngoạm lấy nhằm cắt đứt tủy sống con vật xấu số. Với khả năng bơi lội sẵn có, hổ hoàn toàn có thể tận dụng vùng nước gần đó để nhấn chìm con mồi.
Thường săn mồi vào ban đêm, hổ có thị lực vô cùng tuyệt vời - gấp 6 lần so với khả năng nhìn trong đêm của con người. Không giống sư tử, hổ không săn mồi theo bầy mà thích làm chuyện đó một mình hơn.
Tại sao hổ không ăn cỏ, bò không ăn thịt?
Động vật ăn cỏ hay ăn thịt là do một loại men trong dạ dày quy định, có khoảng 20 loại men khác nhau. Trong hệ tiêu hóa của hổ, báo hay những loài chuyên ăn thịt có loại men proteinara và lipidara giúp thúc đẩy mạnh sự tiêu hóa của protein và mỡ trong thức ăn.
Thế nhưng, hệ tiêu hóa của chúng lại không có men xenluloara để tiêu hóa xenlulo thực vật. Bởi thế mà chúng chỉ ăn thịt chứ không ăn cỏ. Còn với động vật chỉ ăn cỏ thì ngược lại, hệ tiêu hóa của chúng chỉ có men xenluloara mà không có hai loại men kia dẫn đến việc chúng chỉ ăn cỏ mà không ăn thịt.
Hổ Tasmania
Loài thú này có tên chó sói túi, hay còn gọi là hổ Tasmania. Chúng là loài thú ăn thịt có túi, với bộ dạng cơ thể của một con sói, nhưng lại có những sọc vằn trên lưng của một con hổ.
Tên khoa học của chúng là Thylacinus cynocephalus. Sinh vật này xuất hiện đầu tiên ở Úc và Papua New Guinea. Chúng biến mất trên đại lục Australia, và chỉ còn tìm thấy ở đảo Tasmania, miền nam Úc.
Con sói túi cuối cùng được biết đến đã chết vào năm 1936 ở một vườn thú ở Tasmania. Tuy nhiên, nhiều ghi nhận cho rằng chúng vẫn còn trong tự nhiên. Chúng sống ẩn dật trong những vùng rừng núi rất sâu và tránh xa con người.