1001 thắc mắc: Loài côn trùng nào hiếm nhất thế giới?
Côn trùng là nhóm động vật đa dạng nhất trên Trái đất với khoảng 1 triệu loài đã được mô tả, chiếm hơn một nửa tổng số loài được biết đến. Có loài, số lượng của nó cực kỳ ít, chỉ khoảng 24 con, tính đến thời điểm được phát hiện.
Số lượng các loài hiện còn tồn tại ước tính vào khoảng 6 - 10 triệu loài.Chúng ta có thể tìm thấy côn trùng ở khắp các môi trường sống và hầu khắp mọi nơi trên Trái đất, do đó mà trong thế giới của chúng không hề thiếu những điều kỳ lạ và thú vị.
Côn trùng hiếm nhất - côn trùng que đảo Lord Howe
Loài này sống ở hòn đảo Lord Howe, giữa Australia và New Zealand. Loài côn trùng này từng một lần bị nhầm là tuyệt chủng, nhưng sau đó lại xuất hiện. Tuy vậy, số lượng của nó cực kỳ ít, chỉ khoảng 24 con, tính đến thời điểm được phát hiện.
Bọ que đảo Lord Howe được cho là đã biến mất vào năm 1918, khi những con chuột sổng ra từ một con tàu mắc cạn tràn lên quấy phá hòn đảo này. Chúng thuộc về một nhóm động vật không xương sống cổ, với biệt danh "côn trùng kỷ Jura". Con trưởng thành tuy có thể dài tới 15 cm, nhưng vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của chuột ăn thịt.
Vào năm 2001, các nhà khoa học đã tái khám phá ra một quần thể nhỏ của loài côn trùng này trên đảo Ball’s Pyramid, khoảng 23 km ngoài khơi bờ biển đảo Lord Howe.
Cặp côn trùng sinh sản tại vườn thú Melbourne là những con trưởng thành duy nhất của loài này hiện sống trong điều kiện nuôi nhốt. Khoảng hơn 100 trứng vẫn đang được ấp tại vườn thú.
Và những kỷ lục gia trong thế giới côn trùng
Côn trùng lớn nhất thế giới - dế Weta
Loài dế này có sải cánh dài tới gần 18cm, và nặng hơn chim sẻ 71g, và nặng gấp ba lần một con chuột. Dế weta đã được công nhận là loài côn trùng nặng nhất từng được tìm thấy.
Côn trùng nhỏ nhất thế giới - Dicopomorpha echmepterygis
Đây là một thành viên tí hon trong gia đình ong, và là loại côn trùng nhỏ nhất mà chúng ta biết được cho đến nay. Chúng sống chủ yếu ở Costa Rica. Con đực trưởng thành chỉ dài khoảng 0,14mm. Nó ăn trứng của các loài côn trùng khác.
Nguy hiểm nhất - Kiến Bulldog đen Australia
Giống kiến Bulldog (Mymecia Spp.) có khoảng 90 loài kiến đặc hữu sống ở lục địa Australia, bao gồm những loài kiến lớn nhất, độc nhất và hung hăng nhất thế giới. Những con kiến Bulldog đen có chiều dài thân lên tới 25 - 50mm. Chúng cực kỳ hung hăng, không e sợ bất kỳ loài nào khác, kể cả con người, đôi lúc chúng còn chủ động tấn công kẻ thù khi bị làm phiền hay đe dọa. Kiến Bulldog đen ở Australia có những cú đốt rất độc. Nọc độc của chúng có thể gây sốc phản vệ tức thời cho nạn nhân, tương tự như khi bị dị ứng nặng, nếu bị đốt nhiều mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bay nhanh nhất - Ruồi trâu
Họ Ruồi trâu (Tabanidae) gồm khoảng 45.000 loài có mặt ở khắp các châu lục. Được mệnh danh là những loài ruồi lớn nhất nhưng đồng thời, chúng cũng là loài bay nhanh nhất trong số các loài côn trùng. Tốc độ bay của những con ruồi trâu (Tabanus sp) có thể lên đến 145km/giờ, đặc biệt chúng còn có khả năng đổi hướng đột ngột mà không hề giảm tốc. Ngoài ra, ruồi trâu còn dễ gây ấn tượng bởi chúng sở hữu một đôi mắt rất lớn với góc nhìn gần như đạt tới 360 độ.
Dài nhất - Bọ que “khổng lồ”
Loài bọ que “khổng lồ” (Megaphasma dentricus) tìm thấy ở Bắc Mỹ được ghi nhận là loài côn trùng dài nhất thế giới. Những con bọ que trưởng thành có chiều dài thân đạt trên mức 160mm, nếu đo cả chân có thể đạt gần 300mm, trường hợp kỷ lục còn lên tới 500mm. Bên cạnh kỷ lục về chiều dài, loài này còn nổi tiếng với khả năng ngụy trang tốt. Cơ thể khẳng khiu với màu sắc chủ đạo là xám hay nâu nhạt khiến chúng trông chẳng khác gì một cành cây khô khi đứng yên.
Hình dạng kỳ quái nhất - Rệp gai
Rệp gai (Umbonia crassicornis) là một thành viên thuộc họ Ve sầu nhảy (Membracidae). Họ này gồm khoảng 3.200 loài xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên, những loài kỳ lạ nhất hay được tìm thấy tại khu vực Trung và Nam Mỹ. Kích cỡ và màu sắc của rệp gai rất khác nhau, nhưng thông thường, cỡ của một con rệp trưởng thành rơi vào quãng 12mm, sắc màu chủ đạo trên cơ thể chúng là xanh lá cây. Phần giáp cổ và ngực phát triển thành những chiếc gai với nhiều hình thù đặc biệt khiến chúng trở nên kỳ quái, song xét cho cùng, đây lại là một phương pháp ngụy trang hữu hiệu.
Sống thọ nhất - Mối chúa
Nằm trong họ Mối (Termitidae), những con mối chúa xuất hiện từ cách đây hơn 200 triệu năm được biết có thể sống tới 50 năm tuổi. Mối chúa là con cái duy nhất trong đàn mối có khả năng sinh sản, mỗi ngày, nó có thể sinh ra chừng 5.000 - 7.000 quả trứng. Trọng lượng của mối chúa dễ thường lớn gấp 300 lần so với mối thợ hay mối lính. Ngày nay, loài côn trùng ăn gỗ này vẫn đang sinh sôi mạnh mẽ ở hầu khắp các nơi trên Trái đất với mức độ gây hại cho nhà cửa và các công trình xây dựng thậm chí còn lớn hơn hỏa hoạn hay mưa bão.
Côn trùng căng tròn nhất - Kiến mật
Đó là các loài kiến mật thuộc nhóm kiến Myrmecocystus thường làm tổ trong các hốc đất khô hạn ở phía tây Bắc Mỹ. Cơ thể chúng phình to lên thành một "thùng chứa chất lỏng" đầy đường glucose và fructose - đây là sản phẩm tích trữ sau khi chúng ăn dịch ngọt tiết ra từ những bông hoa sa mạc. Những dịch ngọt này đồng thời sẽ phục vụ - làm thức ăn - cho các thành viên khác trong tổ.