1001 thắc mắc: Vì sao 'chúa tể đầm lầy' lại nuốt đá vào bụng?
Sở hữu thân mình giống những loài bò sát từng sống ở thời tiền sử, cá sấu mang trong mình sức mạnh tiềm ẩn, giúp chúng trở thành 'chúa tể' trên các đầm lầy, sông nước. Hàm của cá sấu khỏe ra sao, vì sao chúng lại 'thích' nuốt đá vào bụng?
Cá sấu là các loài bò sát lớn ưa thích môi trường nước, chúng sống trên một diện tích rộng của khu vực nhiệt đới của châu Phi, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương. Cá sấu có xu hướng sinh sống ở những vùng sông và hồ có nước chảy chậm, thức ăn của chúng khá đa dạng, chủ yếu là động vật có vú sống hay đã chết cũng như cá. Một số loài, chủ yếu là cá sấu cửa sông ở Úc và các đảo trên Thái Bình Dương, được biết là có khả năng bơi ra xa ngoài biển.
Những loài cá sấu lớn có thể rất nguy hiểm đối với con người. Cá sấu cửa sông và cá sấu sông Nin là những loài nguy hiểm nhất, chúng đã giết chết hàng trăm người mỗi năm ở các khu vực Đông Nam Á và châu Phi. Cá sấu mõm ngắn và có thể cả cá sấu caiman đen (là loài đang nguy cấp trong sách đỏ của IUCN) cũng là những loài gây nguy hiểm cho con người.
Hàm cá sấu khỏe ra sao?
Nhà khoa học Don Ashley cùng các đồng sự thuộc Trường ĐH Tallahassee, Florida (Mỹ) đã tiến hành tính toán khá cụ thể về lực cắn của những con cá sấu. Để có được kết quả họ thực hiện một thí nghiệm khá nguy hiểm là thiết kế một chiếc máy đo lực đặc biệt có hình dáng và màu sắc như một miếng thịt tươi rồi đưa vào miệng của 60 con cá sấu có độ to nhỏ khác nhau.
Cuộc thí nghiệm kéo dài trong suốt một tuần lễ, khi người ta phải ngăn từng con cá sấu vào một chỗ riêng, rồi tìm cách chọc giận để chúng cắn với tất cả sức mạnh. Kết quả được xác định là những con cá sấu khi cắn vật gì đó thường với một lực gần bằng cả trọng lượng của cơ thể chúng. Ví dụ, với một con cá sấu dài khoảng 3,5m, nặng 1.050kg có thể cắn với một lực tương đương... 1 tấn!
Vì sao cá sấu nuốt đá vào bụng?
Cá sấu có một hàm răng sắc nhọn để nhai mồi. Thế nhưng chúng cũng bắt chước loài chim, gà nuốt đá vào bụng để tiêu hóa thức ăn. Tại sao vậy?
Cá sấu nuốt đá vào bụng là để làm giảm nhẹ công việc cho dạ dày. Chẳng những thế, nó còn giúp chúng giữ thăng bằng cho cơ thể. Cách đây 4 thập niên, các nhà động vật học Anh đã xác thực điều đó. Nếu không có đá trong dạ dày, khi bơi cá sấu rất khó giữ thăng bằng. Do đó, nó phải dùng những cái chân bơi của mình đập nước thật khỏe mới mong khỏi bị lật ngửa bụng lên.
Vì sao cá sấu hay ‘khóc, chảy nước mắt’
Giai thoại về "nước mắt cá sấu" ám chỉ một người bày tỏ sự buồn bã một cách giả tạo. Nhưng không hẳn cá sấu và họ hàng của nó thể hiện sự thương tiếc một cách bịp bợm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida, Mỹ, nhận định nước mắt có thể có chức năng tương tự như nước bọt ở con người, giúp động vật tiêu hóa thức ăn. Tuyến nước mắt của cá sấu nối liền với khoang mũi và có ý kiến cho rằng nước mắt được tạo ra từ mắt, chảy vào khoang mũi và trôi xuống cổ họng.
"Quan niệm từ xưa là nước mắt làm trơn ướt thức ăn khi nó được nuốt và những giọt lệ chúng ta nhìn thấy là một sự sản xuất hơi quá đà", nhà nghiên cứu Kent Vliet nói.
Trong một nghiên cứu năm 2006, các nhà khoa học tại Đại học Florida và Đại học California, Mỹ, huấn luyện 7 con cá sấu di chuyển đến địa điểm ăn khô ráo, sau đó họ quay phim lại phản ứng của chúng. Kết quả cho thấy, 5 trong số 7 con cá sấu rơi nước mắt trong khi ăn.
Nhóm nghiên cứu không thể giải thích chắc chắn lý do khiến cá sấu khóc. Nhưng họ cho rằng nguyên nhân có thể liên quan đến việc con vật thở hổn hển, xuýt xoa trong lúc ăn. Hành động này đẩy không khí qua các xoang, kích thích các tuyến tiết ra nhiều nước mắt.
Hiện có 14 loài cá sấu khác nhau với đủ mọi kích cỡ và đặc tính tồn tại trên trái đất, từ cá sấu lùn nhỏ tới loài cá sấu nước mặn to lớn. Khá nổi tiếng nhờ kích cỡ, cá sấu châu Mỹ có thể dài tới 4,6m, nặng 900kg. Loài cá sấu này được tìm thấy ở miền nam Mexico, Trung Mỹ, vùng cận Caribbean và miền bắc Nam Mỹ. Một số lượng không lớn loài động vật này được phát hiện ở các đầm lầy Florida, Mỹ.
Đa phần cú tấn công của cá sấu nhằm vào các tử huyệt của con mồi. Do cấu tạo của hàm không cho phép cá sấu thực hiện việc nhai nên chúng thường xé thịt con mồi thành từng mảng và nuốt chửng. Với chiếc dạ dày "bằng sắt", cá sấu nuốt thêm cả đá để giúp nghiền nát thức ăn bị nuốt chửng.
Cá sấu không thể xé con mồi theo cách bình thường, vì thế chúng sử dụng một cách thức tuyệt vời để xé nhỏ thịt trước khi nuốt. Hàm khỏe ngoạm chặt vào con mồi trước khi các chi và đuôi hỗ trợ cá sấu xoay tròn xé nát miếng thịt. Sức mạnh đằng sau những cú xoay khiến tất cả con mồi đều bị xé xác.
Do sống dưới nước nên các chi và đuôi của cá sấu hỗ trợ hoàn hảo cho khả năng bơi lội. Đuôi cực khỏe giúp cá sấu có thể bơi với vận tốc 32km/h trong khi sức mạnh của các chi còn được thể hiện ngay cả khi cá sấu ở trên mặt đất. Rời môi trường nước, cá sấu có thể di chuyển với vận tốc tối đa 18km/h trong khoảng cách ngắn.
Là loài bò sát nên cá sấu sinh sản bằng cách đẻ trứng. Do đó, trứng cá sấu cần được chôn ở nơi đất khô để đảm bảo nhiệt độ cho việc sinh trưởng. Vì vậy, cá sấu buộc phải rời mặt nước lên bờ đào hang đẻ trứng. Đặc biệt, các hang này không nằm gần mép nước nhằm đảm bảo an toàn cho những cá sấu con.
Ngoài ra, cá sấu còn sở hữu thính giác và khứu giác vô cùng nhạy bén. Mũi nằm phía trước hàm và nhô cao khỏi mặt nước cho phép cá sấu đánh hơi tìm kiếm con mồi, trong khi khứu giác hoàn hảo giúp loài vật này nghe rõ cả ở dưới nước. Thậm chí, tiếng cựa mình đòi ra của cá sấu non cũng được nghe rõ để cá sấu mẹ có thể lên bờ giúp con chúng bước vào cuộc sống.
Trên thực tế, quá trình trao đổi chất của cá sấu diễn ra rất chậm, khiến chúng tồn tại trong nhiều tháng mà không cần thức ăn. Điều này giúp cá sấu tồn tại khi thời tiết ở vùng nhiệt đới trở nên khô hạn trong tháng mùa hè. Tuy sở hữu khả năng tồn tại vượt trội nhưng chính sự bành chướng của con người vào môi trường tự nhiên của cá sấu khiến loài động vật này đang dần bị cô lập.