11 huyền thoại bóng đá lỡ duyên với 'Quả bóng vàng'
(NLĐO - Thế giới bóng đá sản sinh rất nhiều cầu thủ vĩ đại trong suốt chiều dài lịch sử nhưng không phải ai cũng bước đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp, như cách tạp chí AS cất công đưa ra đội hình 11 siêu sao không có duyên với Quả bóng vàng'
Họ đều là những gương mặt nổi bật trong thế hệ của mình, bằng tài năng và cả phẩm chất của những nhà vô địch để mang lại vô số chiến tích để đời cho CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Chỉ tiếc là các danh hiệu, giải thưởng cá nhân lại chẳng thể tôn vinh tất cả. Đội hình 11 ngôi sao kém duyên với "Quả bóng vàng" được tạp chí AS thống kê theo sơ đồ 4-4-2:
Thủ môn: Gianluigi Buffon
Là nhân tố chủ chốt đưa tuyển Ý đến ngôi vô địch thế giới tại World Cup 2006 với 5 trận giữ sạch lưới ở VCK, thế nhưng dù đã ở rất gần với vinh quang, Gianluigi Buffon vẫn phải ngậm ngùi nhìn một trung vệ, đồng đội Fabio Cannavaro nhận danh hiệu "Quả bóng vàng" cuối năm đó.
Có vẻ như việc luôn bị danh hiệu vô địch Champions League "ngoảnh mặt" đã khiến Buffon không thể hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu cá nhân đồ sộ của chính mình và sự nghiệp lẫy lừng của anh mãi mãi không thể có "Quả bóng vàng".
Trong lịch sử, duy nhất thủ thành huyền thoại Lev Yashin được nhận "Quả bóng vàng" vào năm 1963. Khi tạp chí France Football quyết định trao thêm giải thưởng dành cho thủ môn xuất sắc nhất năm kể từ năm 2019, mang tên chính thủ môn tài hoa của tuyển Liên Xô, Buffon cũng chẳng được vinh danh dù có trong tay danh hiệu Scudetto thứ 9 trong sự nghiệp.
Trung vệ: Paolo Maldini
Gắn bó cả sự nghiệp với AC Milan và được xưng tụng là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới, nhưng "duyên" của Paolo Maldini với giải thưởng "Quả bóng vàng" chỉ là hai lần về thứ 3 ở các cuộc bình chọn năm 1994 và 2003.
Giai đoạn hoàng kim của AC Milan với bóng đá Ý và châu Âu, Maldini luôn phải đứng từ xa nhìn các đồng đội lừng danh như Ruud Gullit, Marco van Basten, Frank Rijkaard và Franco Baresi bước lên bục chiến thắng cao nhất của "Quả bóng vàng", điều đáng tiếc nhất trong sự nghiệp của một trung vệ luôn khiến cho mọi tiền đạo hàng đầu phải e sợ khi đối mặt.
Trung vệ: Bobby Moore
Ngay cả ngôi sao được mệnh danh "Vua bóng đá" như Pele hồi thập niên 60 của thế kỷ trước cũng không thích phải đối mặt với trung vệ, thủ quân tuyển Anh Bobby Moore, người được mệnh danh là "đồ tể của các tiền đạo".
Bobby Moore là nhân tố chính giúp tuyển Anh vô địch kỳ World Cup 1966, danh hiệu thế giới đầu tiên và duy nhất cho đến nay. Tuy nhiên, cuối năm đó, trong khi đồng đội Bobby Charlton giành "Quả bóng vàng" thì Bobby Moore thậm chí không có tên trong Top 3 các ứng viên đoạt giải. Ông suýt chạm tay đến giải thưởng danh giá này sau đó 4 năm khi về nhì sau Gerd Müller, vua phá lưới người Đức của kỳ World Cup 1970 và là chủ nhân danh hiệu "Chiếc giày vàng châu Âu" cùng năm.
Hậu vệ: Philipp Lahm
Cựu thủ quân của Bayern Munich Philipp Lahm trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình đã từng 8 lần vô địch Bundesligas, đoạt 6 Cúp Quốc gia Đức và là thủ quân mẫu mực của tuyển Đức giành ngôi vô địch thế giới tại World Cup 2014. Tuy nhiên, chẳng bao giờ hậu vệ tài năng này giành được "Quả bóng vàng", kể cả có mặt trong danh sách 3 ứng viên đoạt giải.
Hậu vệ: Roberto Carlos:
Được xem là người có khả năng "bẻ cong mọi quỹ đạo bay" của quả bóng, cầu thủ chạy cánh người Brazil được xem là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, cũng như nhiều đồng nghiệp chơi ở hàng thủ, Roberto Carlos phải chấp nhận làm "cái bóng" cho những ngôi sao tấn công, trong đó có rất nhiều đồng hương Brazil.
Năm 2002, Carlos thi đấu rất hay nhưng chỉ về nhì ở cuộc bình chọn "Quả bóng vàng", xếp sau đồng hương Ronaldo Nazario.
Tiền vệ: Paul Gascoigne
Được đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của mình, thậm chí mọi thế hệ của bóng đá Anh, Paul Gascoigne thời hoàng kim trong sự nghiệp của mình là khi đưa tuyển Anh vào đến bán kết World Cup 1990. Chỉ tiếc là năm ấy, Gascoigne chỉ xếp thứ tư ở giải thưởng "Quả bóng vàng".
Một năm sau, Gascoigne dính chấn thương nặng ở đầu gối nhưng kịp trở lại sân cỏ vào năm 1996. Tuyển Anh có Gascoigne vào đến bán kết Euro 1996 trên sân nhà còn tiền vệ này để lại dấu ấn bằng một trong những siêu phẩm của thế kỷ bằng bàn thắng vào lưới Scotland.
Tiền vệ: Eric Cantona
Vừa cùng Lille vô địch nước Pháp, Eric Cantona đồng ý chuyển đến Man United và là bản hợp đồng đắc ý nhất trong sự nghiệp cầm quân của Sir Alex Ferguson tại sân Old Trafford. Bản thân Cantona cũng xứng đáng được xem là một trong những tiền vệ hay nhất thế giới mọi thời đại.
Giành 4 chức vô địch Anh, 2 Cúp FA, Cantona chỉ về thứ 3 ở cuộc bình chọn "Quả bóng vàng" 1993. Những rắc rối, tranh cãi ở tuyển Pháp khiến Cantona nói lời chia tay "Les Blues" vào năm 1995.
Tiền vệ: Marco Tardelli
Tác giả một trong những bàn thắng của trận chung kết World Cup 1982 và màn ăn mừng đầy ấn tượng trong trận, cùng với danh hiệu vô địch Serie A với Juventus, lại không được để mắt tới ở cuộc bình chọn "Quả bóng vàng" cùng năm.
Đồng đội của anh ở tuyển Ý, tiền đạo Paolo Rossi, "vơ" hết vinh quang, từ các danh hiệu "Quả bóng vàng", "Chiếc giày vàng" World Cup cho đến "Quả bóng vàng" của France Football. Tardelli chỉ xếp hạng 15 ở giải thưởng danh giá này!
Tiền vệ: Andres Iniesta
Tạp chí France Football đã ngỏ lời xin lỗi Iniesta khi anh rời CLB Barcelona mùa hè 2018 khi không trao cho anh cơ hội trở thành "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới". Tuyển Tây Ban Nha không thể giành thứ hạng tốt nhất ở World Cup 2018, khiến ngày chia tay của Iniesta thêm buồn. Cuối năm, anh còn không có tên trong danh sách đề cử "Quả bóng vàng"...
France Football lẽ ra phải trao cho Iniesta "Quả bóng vàng 2010" khi anh thi đấu cực kỳ xuất sắc, cùng Barcelona vô địch La Liga và cùng tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup mà anh là tác giả bàn thắng duy nhất trong trận chung kết với tuyển Hà Lan. Thay vào đó, người ta trao danh hiệu này cho Lionel Messi, bất chấp tuyển Argentina bị loại từ tứ kết World Cup!
Tiền đạo: Dennis Bergkamp
Hạng ba năm 1992, hạng nhì năm 1993 nhưng Bergkamp đã không bao giờ thực hiện được bước cuối cùng lên bục chiến thắng cao nhất của giải thưởng "Quả bóng vàng" bởi năm 1994, danh hiệu này được trao cho ngôi sao người Bulgaria Hristo Stoichkov!
Nhiều người cho rằng, nếu khoác áo "dream team" Barcelona dưới thời của HLV đồng hương Johan Cruyff, cơ hội trở thành cầu thủ số 1 thế giới không phải là không thể với ngôi sao của bóng đá Hà Lan. Tuy nhiên, sự nghiệp của Bergkamp chỉ gắn với Inter Milan rồi Arsenal và đó là định mệnh của cầu thủ mà tài năng được khẳng định với sự toàn diện đến khó tin, rất lâu trước khi Ronaldo và Messi được người đời biết đến.
Tiền đạo: Raul Gonzalez
'Sinh bất phùng thời", khi Real Madrid giành "cú đúp" vô địch La Liga và Champions League mùa bóng 2000-2001 với sự tỏa sáng rực rỡ nhất của Raul Gonzalez thì chân sút tài hoa này vẫn chỉ xếp sau Michael Owen ở cuộc bình chọn "Quả bóng vàng" 2001!
Hoặc giả, Raul Gonzalez nếu còn chơi trong đội hình "thế hệ vàng" của Tây Ban Nha giai đoạn 2008-2010, cơ may đăng quang danh hiệu Ballon d'Or cũng rất sáng sủa với anh. Chỉ là một chữ "Tiếc"...