11 năm chưa làm xong 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm
Khởi công từ tháng 2-2014 và dự kiến hoàn thành trong 3 năm, nhưng đến nay 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn vướng mặt bằng, khiến hạ tầng đứt đoạn, cản trở sự phát triển của khu vực.
Mới đây, Ban điều hành dự án đường bộ 6, thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã có báo cáo gửi Sở Xây dựng TP, Sở Tài chính TP về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT.
Bốn tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm đường Trần Bạch Đằng (ký hiệu R1), đường Tố Hữu (ký hiệu R2), đường Nguyễn Thiện Thành (ký hiệu R3), đường Bùi Thiện Ngộ (kí hiệu R4).
Theo đó, đường Trần Bạch Đằng là tuyến đường có quy mô lớn nhất với chiều dài 3,4km, mặt cắt ngang 55m, tổ chức giao thông 6 làn xe.
Đường Tố Hữu dài 3km, rộng 29m, 4 làn xe, phần lớn tuyến đường này đã hoàn thiện từ năm 2018, các phương tiện được phép lưu thông. Đường Tố Hữu sẽ kết nối từ đường Trần Não (TP Thủ Đức) đến khu phức hợp thể thao - giải trí thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đường Nguyễn Thiện Thành dài 3km, rộng 28m chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn. Tuyến đường này cơ bản đã hoàn thiện. Đường Bùi Thiện Ngộ dài 2,5km, 2 làn xe, rộng 11m, được xây thiết kế theo kiểu đường trên cao. Đa phần tuyến đường này vòng qua khu đô thị Sala, hiện đã hoàn thiện cơ bản.
4 tuyến đường này do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2014 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tổng chiều dài 4 tuyến đường khoảng 12km với tổng mức đầu tư 8.256 tỉ đồng.

Hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm đứt đoạn. Ảnh: Nguyễn Tiến
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đã đạt khoảng 88% khối lượng thi công. Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành vẫn đang bị chậm do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và các thủ tục điều chỉnh dự án chưa được phê duyệt.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Điều hành dự án đường bộ 6, dự án 4 tuyến đường chính tại Thủ Thiêm được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), với quyết định phê duyệt số 5872/QĐ-UBND ngày 28-10-2013 và hợp đồng ký kết vào ngày 1-12-2014.
Dự án được khởi công từ ngày 15-2-2014, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong khoảng 3 năm, tức vào tháng 2-2017. Tuy nhiên, từ trước tháng 2-2018, dự án phải tạm ngừng thi công do chưa được bàn giao mặt bằng đầy đủ.
Đến tháng 11-2023, tuyến đường R3 (đoạn từ Nhà thờ Thủ Thiêm đến hầm vượt sông Sài Gòn) mới được bàn giao mặt bằng và nhà đầu tư đã nối lại thi công tại phân đoạn này.
Tuy nhiên, các hạng mục còn lại của dự án vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc ở nhiều cấp độ.

Đường R1 được rào chắn nhiều năm qua.
Hiện nay, UBND TP Thủ Đức vẫn chưa hoàn tất công tác GPMB để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư. Điều này khiến việc triển khai các hạng mục còn lại bị đình trệ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh dự án đầu tư (bao gồm thời gian thực hiện, thiết kế cơ sở, đề cương và dự toán giám sát nhà nước) vẫn chưa được các cơ quan chức năng thẩm định và trình phê duyệt - một bước quan trọng để đảm bảo quản lý và thi công đúng quy định.
Để tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, Ban Điều hành dự án đề xuất UBND TP Thủ Đức cần khẩn trương hoàn thành công tác GPMB để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai.
Sở Xây dựng TP cần đẩy nhanh quá trình thẩm định điều chỉnh dự án, bao gồm: thời gian thực hiện, thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư điều chỉnh và đề cương giám sát nhà nước. Việc này nhằm tạo cơ sở pháp lý để ký kết phụ lục hợp đồng và tiếp tục thi công.
Dự án 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm không chỉ đóng vai trò là trục giao thông huyết mạch trong khu đô thị mới mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu Đông TP.HCM. Việc tháo gỡ các nút thắt hiện nay đòi hỏi sự phối hợp nhanh chóng và chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương để dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Trước đó, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cho biết đơn vị có nhiều nỗ lực trong quá trình vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đơn vị đã xin ý kiến cấp trên triển khai phương án cưỡng chế để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đưa dự án hoàn thành phục vụ người dân.