11 ngành nghề sụt giảm nhu cầu tuyển dụng nhất đầu năm 2023

Nguyên nhân của phần lớn sự sụt giảm trong 11 ngành nghề, trong đó có cả ngành vốn luôn 'khát nhân sự', được Navigos ghi nhận là do tác động của suy thoái kinh tế kéo dài, giảm đơn hàng và cắt giảm nhân sự.

Báo cáo ghi nhận thị trường lao động Việt Nam 4 tháng đầu 2023 của Navigos Group vừa công bố đầu tháng 6 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm 2019 và giảm trung bình 16% so với thời điểm 2022.

Báo cáo phân tích dựa trên dữ liệu tin tuyển dụng trong 4 tháng đầu năm 2019 (trước Covid-19), 4 tháng đầu năm 2022 (sau Covid-19) và 4 tháng đầu năm 2023 để cung cấp thông tin chi tiết về bối cảnh lao động ở Việt Nam.

Tại báo cáo này, Navigos tập trung làm rõ diễn biến nhu cầu tuyển dụng sụt giảm của 11 lĩnh vực.

Cụ thể, lĩnh vực du lịch/nhà hàng/khách sạn được Navigos đánh giá là chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch Covid-19. Trong 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của lĩnh vực du lịch/nhà hàng/khách sạn giảm sâu đến 55% so với thời điểm bình ổn trước dịch, dù 2022 là năm thị trường phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

Năm 2023, dưới tác động tiếp tục của suy thoái kinh tế, nhưng nhu cầu tuyển dụng ngành này lại có sự tăng nhẹ khi chỉ còn giảm 43%, trong khi năm 2022 giảm 55%.

Trong lĩnh vực dệt may và da giày, số liệu của năm 2022 cho thấy dù đang trên đà phục hồi chung của thị trường, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành vẫn còn kém hơn thời điểm thị trường bình ổn, với chênh lệch là 18%.

Sang năm 2023, đối mặt với những biến động trên thị trường thế giới, dệt may và da giày chịu tác động trực tiếp khi là những ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Nhu cầu về lao động của lĩnh vực sụt giảm đến 39%, chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tại các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế đều tăng cao tác động lên sức mua, đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp đều sụt giảm.

Với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, đầu năm 2022 là thời điểm ngành này phát triển mạnh mẽ khi trở thành một kênh đầu tư sôi động, có khả năng sinh lợi lớn sau thời gian dài cả nước bị phong tỏa bởi dịch Covid-19.

Sự phát triển này được ghi nhận qua nhu cầu tuyển dụng nhân sự vào 4 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 19% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sau đó nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành xây dựng và bất động sản đối mặt với tình trạng sụt giảm đáng kể lên đến 34% vào đầu năm 2023. Nguyên nhân đến từ tác động của các chính sách Nhà nước ban hành khoảng giữa cuối quý 2/2022, thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cùng những biến động kinh tế toàn cầu.

Với lĩnh vực thu mua/vật tư/cung vận, nhu cầu tuyển dụng lao động của 4 tháng đầu năm 2022 thấp hơn 3% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19, cho thấy sự giảm nhẹ của nhóm ngành này sau dịch.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, lĩnh vực này lại ghi nhận giảm sút 25% về nhu cầu lao động so với thời điểm được xem là bình ổn của thị trường vào năm 2019. Tình trạng suy giảm này không đứng ngoài xu hướng suy thoái kinh tế của thị trường, do ảnh hưởng từ biến động trên thế giới và trong nước.

Cùng chung bối cảnh thị trường, lĩnh vực công nghệ thông tin cũng có động thái khác biệt so với xu hướng vốn có của ngành này trước đây. Công nghệ thông tin được xem là dẫn đầu nhu cầu về lao động và luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.

Giai đoạn giãn cách xã hội của đại dịch là thời điểm bùng nổ phát triển của ngành Công nghệ thông tin nói chung, cũng như các nền tảng mua sắm, dịch vụ trực tuyến nói riêng.

Vì thế, nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực số cũng có sự tăng trưởng. Cụ thể, vào thời điểm bình ổn sau dịch, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực công nghệ thông tin tăng trưởng với mức 10% so với giai đoạn trước dịch.

Tuy nhiên, khi thị trường Việt Nam trải qua ảnh hưởng của suy thoái từ biến động kinh tế thế giới vào năm 2022 đến nay, Navigos Group lại ghi nhận sự sụt giảm 20% về nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực này so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19.

 Ngành công nghệ thông tin đi ngược xu hướng, giảm nhu cầu tuyển dụng trong 4 tháng đầu năm 2023.

Ngành công nghệ thông tin đi ngược xu hướng, giảm nhu cầu tuyển dụng trong 4 tháng đầu năm 2023.

Lĩnh vực xuất - nhập khẩu đã ghi nhận sự giảm nhẹ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự là 1% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch. Đến giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực này lại ghi nhận sự giảm sút lên đến 18% theo tình hình suy thoái chung của kinh tế thị trường.

Liên quan đến sự sụt giảm của lĩnh vực xuất – nhập khẩu, vận tải và logistics mặc dù có sự tăng trưởng 5% về nhu cầu tuyển dụng của 4 tháng đầu năm 2022, nhưng tình trạng sụt giảm nhu cầu việc làm lĩnh vực này vẫn tăng lên tới 22% ở giai đoạn đầu năm 2023.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tác động đáng kể lên các đơn hàng xuất nhập khẩu chính ngạch, trực tiếp làm giảm nhu cầu vận tải hàng hải.

Nhóm ngành pháp lý và hành chính cũng trải qua sự giảm sút đáng kể về nhu cầu tuyển dụng từ khi xuất hiện dịch Covid-19. Trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của thị trường sau dịch năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này vẫn thấp hơn 18% so với giai đoạn bình ổn trước dịch. Sang giai đoạn đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn thấp hơn giai đoạn bình ổn trước dịch đến 31%.

Lĩnh vực marketing có nhu cầu tuyển dụng trong 4 tháng đầu năm 2022 chỉ thấp hơn so với giai đoạn bình ổn trước dịch 3%. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2023 lại cho thấy sự sụt giảm lên tới 28% của ngành này so với thời điểm 2019.

Nguyên nhân là do thị trường trải qua biến động về kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hoạt động kinh doanh giảm sút, các công ty điều chỉnh lại bộ máy qua việc cắt giảm các bộ phận không trực tiếp tạo ra lợi nhuận.

Lĩnh vực bán hàng và chăm sóc khách hàng so với giai đoạn thị trường đang bình ổn trước dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng 4 tháng đầu năm 2022 của nhóm ngành này giảm sút đến 21% do ảnh hưởng của dịch. 4 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn duy trì ở mức thấp, giảm 23% so với giai đoạn trước dịch.

Không đứng ngoài xu hướng biến động thị trường và suy giảm kinh tế, nhu cầu tuyển dụng lao động các vị trí dành cho người nước ngoài/ Việt kiều, thời vụ/ hợp đồng ngắn hạn, sinh viên mới tốt nghiệp, và nhân sự cấp trung và cấp cao cũng chứng kiến sự giảm sút đáng chú ý.

Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng của một số vị trí khác như người nước ngoài/ Việt kiều trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm 39% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19 (theo Expatriate Jobs in Vietnam). Nhu cầu tuyển dụng hợp đồng ngắn hạn giảm 63% so với thời kỳ bình ổn trước đại dịch.

Dự đoán cho nhu cầu tuyển dụng giai đoạn tiếp theo năm 2023, Navigos nhận định: “Cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự, hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn”.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/11-nganh-nghe-sut-giam-nhu-cau-tuyen-dung-nhat-dau-nam-2023-post22517.html