5 năm đầu sau 1975, TPHCM có 4 Giám đốc Sở GD-ĐT
Chỉ trong 5 năm đầu sau ngày thống nhất đất nước kể từ 30/4/1975, có 4 người được phân công đứng đầu ngành giáo dục TPHCM. Trong 50 năm qua, 11 người đã và đang đứng đầu ngành giáo dục thành phố lớn thứ 2 cả nước, trong đó chỉ một người là nữ.
TPHCM là địa phương có ngành giáo dục lớn thứ hai cả nước sau Hà Nội, với gần 2 triệu học sinh và hàng trăm nghìn giáo viên. Kể từ ngày 30/4/1975 - khi đất nước thống nhất - đến nay, ngành giáo dục TPHCM đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với nhiều thế hệ lãnh đạo lèo lái, định hướng cho sự nghiệp giáo dục của thành phố.
Rất ít tư liệu về Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đầu tiên sau 1975
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho PV VietNamNet biết, người đứng đầu ngành giáo dục TPHCM ngay sau năm 1975 là ông Lương Lê Đồng. Hiện tư liệu về ông Lương Lê Đồng rất ít ỏi, nhưng trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ông Lương Lê Đồng chỉ giữ chức vụ này trong thời gian ngắn, thuộc thời kỳ Quân quản sau 30/4/1975.
Năm 1976-1978, ông Bùi Thanh Khiết là Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM. Ông Khiết (1924-1984) quê Cao Lãnh, Sa Đéc nay là Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ông tham gia Giải phóng quân từ năm 1945. Năm 1946, bị Pháp bắt và tra tấn dã man, ông nhận mọi tội về mình để hai đồng chí bị bắt chung được thả.

Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, một trong những trường học lâu đời ở TPHCM. Ảnh: Trường Trần Đại Nghĩa
Vốn có uy tín với giới trí thức Sài Gòn, ông được báo chí đấu tranh đòi thả. Pháp thả ông với điều kiện không được tham gia kháng chiến nữa. Ngày 4/1/1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông làm Trưởng phòng Chính trị Quân khu 7, viết báo Tiền Đạo lấy bút danh Thiết Khanh. Cuối năm 1947, ông về làm Trưởng phòng Chính trị Quân khu 9 và Trưởng ban Chính trị tỉnh Long Châu Hà.
Sau đó ông tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Bùi Thanh Khiết sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, lấy bằng phó tiến sĩ Triết học. Năm 1964, ông trở về Nam chiến đấu, là Phó Chính ủy Quân khu 8, Khu ủy viên rồi Phó Chính ủy Quân khu 9, Khu ủy viên khu Tây Nam Bộ.
Năm 1973, ông được phong quân hàm Đại tá, là Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên và hai bên, đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, ông Khiết làm Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau 30/4/1975, ông Khiết là Ủy viên Thường trực Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, rồi Ủy viên Ủy ban Nhân dân kiêm Giám đốc Sở Giáo dục TPHCM. Cuối năm 1976, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục.
Năm 1978-1979, người đứng đầu ngành giáo dục TPHCM là ông Phạm Chánh Trực. Theo báo Nhân Dân, ông Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị) trải qua nhiều chức vụ và gắn cả cuộc đời mình với TPHCM. Ông Phạm Chánh Trực sinh ra trong một gia đình giáo chức ở Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, ông tham gia phong trào học sinh tại thị xã Vĩnh Long, sau đó tiếp tục hoạt động và lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn. Ông từng bị tù đày và đã vượt ngục.
Sau năm 1975, ông Trực được ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM trao lá cờ ra quân thanh niên xung phong xung kích trên mặt trận kinh tế. Ông là Bí thư Thành đoàn đầu tiên của TPHCM. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Bí thư Quận ủy quận 5, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM.
Ông Lê Quang Vịnh làm giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM năm 1978-1979. Ông Lê Quang Vịnh sinh năm 1936, từng là tử tù bị giam trong chuồng cọp, Côn Đảo suốt 15 năm (1961-1975). Sau năm 1975, được giải thoát, ông Lê Quang Vịnh đã giữ các chức vụ Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Bí thư Côn Đảo, Phó Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ…
Từ năm 1980 đến nay có 7 người làm Giám đốc Sở GD-ĐT
Kể từ năm 1980 đến nay, ngành giáo dục TPHCM đã có 7 người đảm nhiệm vị trí đứng đầu, trong đó bà Trương Thị Hồng là nữ Giám đốc duy nhất trong 50 năm qua, giữ chức vụ từ năm 1981 đến 1990.
GS.TS Cao Minh Thì làm Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM giai đoạn 1990-1996. Ông Cao Minh Thì (quê Cần Thơ) tập kết ra Bắc năm 1954 và học ở Trường Miền Nam số 14. Sau khi tốt nghiệp và giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội một thời gian, ông Cao Minh Thì được Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam cử sang Nga nghiên cứu Vật lý và bảo vệ học vị tiến sĩ. Về Việt Nam, ông công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tham gia nhiều hoạt động khoa học tại các trường ĐH như: ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM hiện tại. Ảnh: Lê Huyền
Đúng ngày 30/4/1975, ông Thì đặt chân tới Sài Gòn, từ đó gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp GD-ĐT của TPHCM nói riêng, khu vực miền Nam nói chung. Tháng 6/1975, ông Thì nhận quyết định của TW Cục miền Nam làm Trưởng ban Quân quản Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức. 5 tháng sau, ông được điều về làm Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Năm 1981, ông được UBND TPHCM điều về làm Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TPHCM, sau đó làm Giám đốc Sở GD-ĐT.
TS Hồ Thiệu Hùng làm Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM giai đoạn 1996-1997. Tiếp đó ông Trương Song Đức làm Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM năm 1997-2004. TS Huỳnh Công Minh đứng đầu ngành giáo dục thành phố từ 2004 đến 2011. TS Lê Hồng Sơn có 10 năm làm Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM (2011-2021). Người đứng đầu ngành giáo dục TPHCM hiện nay là TS Nguyễn Văn Hiếu. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở từ năm 2021.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/5-nam-dau-sau-1975-tphcm-co-4-giam-doc-so-gd-dt-2396452.html