Nhập vai nhân vật để mỗi trang văn gần hơn với đời…
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, dạy học Ngữ văn không thể dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng làm bài thi hay diễn giải nội dung văn bản theo lối khuôn mẫu. Ngữ văn, nếu được dạy đúng cách sẽ giúp cho học sinh được tự mình trải nghiệm nhiều tình huống, sống được nhiều cuộc đời khác nhau, nói đúng hơn, việc học Văn đúng cách sẽ tạo nên diễn đàn cho học sinh luyện tập làm người.
Một trong những phương pháp hiệu quả để biến tiết học Văn trở nên sống động, sâu sắc và có chiều sâu nhân văn là: nhập vai nhân vật. Khi học sinh được đặt mình vào vị trí của nhân vật, các em không chỉ hiểu văn bản mà còn đối thoại với chính bản thân, với xã hội, và với các lựa chọn đạo đức trong đời thực.
1. Nhập vai nhân vật là gì? Nhập vai nhân vật là phương pháp học tập trong đó học sinh tạm thời “hóa thân” thành một nhân vật văn học, đặt mình vào hoàn cảnh, cảm xúc, tâm trạng và lựa chọn của nhân vật đó, để từ đó suy nghĩ - hành động - đối thoại - và đưa ra quyết định như chính họ đang sống trong vai trò đó. Nói đơn giản nhập vai là: không học nhân vật, mà sống trong nhân vật.
Khác với khi phân tích nhân vật, học sinh chỉ cần giải quyết câu hỏi: Nhân vật này như thế nào? Khi nhập vai nhân vật, học sinh có thể đặt ra nhiều câu hỏi như: Nếu mình là nhân vật, mình sẽ như thế nào? Mình sẽ hành động ra sao, lựa chọn điều gì?...Một bên là phân tích hành động, tính cách, một đằng là cảm nhận, sống cùng cảm xúc và ra quyết định. Việc hướng dẫn cho học sinh nhập vai nhân vật trong các tiết học Văn có rất nhiều lợi ích. Trước hết là khơi dậy đồng cảm, giúp học sinh hiểu được chiều sâu cảm xúc con người, tiếp đó là rèn tư duy đạo đức - lựa chọn, các em không chỉ học kiến thức mà luyện cách sống. Giáo viên có thể khuyến khích sáng tạo - phản biện - diễn đạt cá nhân của các em và làm sống động giờ học, giúp học sinh thích thú, chủ động hơn.

Một tiết học văn của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh.
2. Khi nhập vai, học sinh được làm gì? Các hình thức nhập vai rất phong phú và đa dạng để giáo viên và học sinh có thể lựa chọn không chỉ là cách đặt câu hỏi đơn điệu: Nếu em là nhân vật thì em sẽ làm gì? Một trong những hình thức nhập vai phổ biến và giàu cảm xúc nhất là viết nhật ký nhân vật. Khi thực hiện hoạt động này, học sinh được đặt mình vào bối cảnh nội tâm của nhân vật và tái hiện lại một ngày, một sự kiện, hoặc một biến cố quan trọng trong đời nhân vật dưới dạng ghi chép cá nhân. Đây không còn là “bài phân tích” về nhân vật mà là lời kể từ bên trong nhân vật.
Chẳng hạn, khi nhập vai Mị Châu, học sinh có thể viết: “Hôm nay, ta bị chính cha mình kết án tử hình. Ta không khóc. Ta không trách. Chỉ đau… vì niềm tin bị chặt đứt như thanh gươm ngài vừa rút ra”. Hoặc trong vai Tấm, có thể viết: “Mỗi lần chết đi là một lần tôi sống lại mạnh mẽ hơn. Tôi không còn sợ nữa. Tôi là người biết mình là ai”.
Trong văn học hiện đại, khi dạy tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, giáo viên cho các em hóa thân vào người đàn bà làng chài viết nhật kí trải lòng: “Biển hôm nay không có sóng. Nhưng lòng tôi thì đầy giông bão. Tôi đã từng mơ ước bỏ quách con thuyền này, bỏ cả người đàn ông ấy... nhưng đời tôi như cái neo, cắm chặt vào nơi này. Tôi đi đâu được nữa?”. Viết nhật ký của người đàn bà làng chài sau buổi nói chuyện với nghệ sĩ Phùng sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự nhẫn nhịn, bi kịch và chiều sâu nhân cách của nhân vật, qua đó hình thành tư duy nhân đạo từ bên trong. Hoạt động này rèn cho học sinh kỹ năng diễn đạt nội tâm, nuôi dưỡng sự đồng cảm sâu sắc, đồng thời tạo cơ hội để các em diễn đạt bản thân một cách sáng tạo.
Một cách khác nữa là giáo viên có thể yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ qua thư hoặc độc thoại nội tâm. Viết thư hoặc độc thoại nội tâm là cách để học sinh nhập vai nhân vật và thể hiện suy nghĩ một cách trực tiếp và chân thật. Thư có thể gửi cho một nhân vật khác, cho chính mình, cho người đọc ở tương lai, hoặc thậm chí cho một nhân vật tưởng tượng. Đây là cơ hội để học sinh đối thoại với chính mình từ vị trí của nhân vật, hoặc giãi bày cảm xúc trước một quyết định khó khăn. Ví dụ, một học sinh có thể viết thư Trọng Thủy gửi cho Mị Châu: “Nếu ta không là hoàng tử, mà chỉ là một chàng trai bình thường, liệu em có chọn ta không?”.
Khi dạy tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, giáo viên cho học sinh nhập vai Tràng viết thư gửi người vợ nhặt, hoặc tâm sự với một người bạn tri kỉ về lựa chọn của bản thân mình, ví dụ: “Mình nhặt cô ấy về như nhặt một cọng rơm giữa bãi rác... Nhưng sao trong lòng lại thấy ấm? Có phải vì mình không chỉ nhặt một con người, mà nhặt cả niềm hy vọng?”. Nhập vai Tràng, học sinh có thể viết thư gửi bà cụ Tứ, bày tỏ sự lo lắng và khát khao sống giữa cơn đói. Qua hoạt động này, học sinh không chỉ hiểu nạn đói năm Ất Dậu -1945, mà còn cảm nhận được ánh sáng nhân văn le lói trong tăm tối, điều mà đôi khi cách học cũ đã làm phai nhạt. Hoạt động này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng viết sáng tạo, tư duy đạo đức và phân tích tình huống phức tạp.
Giáo viên có thế hướng dẫn học sinh xây dựng đối thoại giả định giữa các nhân vật. Học sinh cũng có thể được giao nhiệm vụ tạo ra những đoạn đối thoại tưởng tượng giữa các nhân vật trong truyện hoặc giữa nhân vật và người hiện đại. Đây là hình thức nhập vai kích thích khả năng tư duy đa chiều, lý giải hành vi nhân vật trong hoàn cảnh cụ thể, và khơi mở sự phản biện.
Trong tác phẩm “Một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải, một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa cô Hiền và một bạn trẻ ngày nay có thể diễn ra như sau: Bạn trẻ hỏi: “Cô có thấy mình quá nguyên tắc và bảo thủ không?”. Cô Hiền đáp: “Nguyên tắc là thứ giúp người ta không đánh mất gốc rễ, con ạ. Thời nào cũng vậy thôi, sống phải biết giữ mình”. Bằng cách nhập vai và tưởng tượng đó, học sinh học cách nhìn người phụ nữ Hà Nội không chỉ qua cái áo dài hay giọng nói chuẩn, mà qua tư cách sống, phẩm chất văn hóa. Thông qua các đoạn đối thoại này, học sinh học cách đặt câu hỏi, lắng nghe và phản hồi với cảm xúc và lý trí hòa quyện.
Một bước sâu hơn trong việc nhập vai là đặt học sinh vào các tình huống đạo đức hoặc lựa chọn khó khăn và yêu cầu các em đưa ra quyết định như thể họ đang sống trong thân phận của nhân vật. Đây là cơ hội để học sinh không chỉ hiểu chuyện gì đã xảy ra, mà còn suy ngẫm về việc “Nếu là em, em sẽ làm gì?”. Chẳng hạn: Nếu em là Kiều, em có bán mình để cứu cha không? Nếu em là Cám, em sẽ làm gì khi thấy Tấm trở lại?.
Trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng), tình huống được đặt ra: Nếu em là bé Thu, em có phản ứng như vậy với ba không? Hoặc nếu là ông Sáu, em có làm chiếc lược trong những ngày khốc liệt ấy? Học sinh nhập vai bé Thu có thể viết : “Con không tin chú là ba. Nhưng tối đó, khi nhìn tấm ảnh, lòng con đau nhói. Con đã sai. Mà cũng đâu biết cách xin lỗi ba, ngoài tiếng 'Ba ơi…' bật ra vội vàng sáng hôm sau”. Hoạt động này giúp học sinh nhìn thấy khoảng cách thế hệ, chiến tranh, tình phụ tử qua lăng kính cảm xúc của người trong cuộc. Những câu hỏi lựa chọn này buộc học sinh phải cân nhắc giữa tình và lý, giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội, từ đó rèn luyện tư duy phản biện và khả năng tự đánh giá lựa chọn sống của bản thân.
3. Diễn kịch, tranh biện hoặc tổ chức phiên tòa nhân vật cũng là một cách để hóa thân vào nhân vật. Đây là hình thức nhập vai tương tác, trong đó học sinh thực sự hành động, nói, phản ứng và lập luận trong vai trò nhân vật. Giáo viên có thể tổ chức các buổi phiên tòa xét xử nhân vật văn học hoặc các phiên tranh luận. Ví dụ trong tác phẩm “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành), phiên tòa văn học giả định sẽ được tổ chức: Xét xử tên lính đã chặt tay Tnú. Học sinh nhập vai bên buộc tội cho rằng: Đây là hành vi dã man, phi nhân tính. Học sinh nhập vai bên bào chữa : “Tôi chỉ là một công cụ trong tay bạo lực lớn hơn”.
Các học sinh khác sẽ nhập vai Tnú, Dít, cụ Mết, hoặc người lính đó để đối thoại, tranh biện về chiến tranh, bạo lực và lòng yêu nước. Hoạt động này giúp học sinh vận dụng kỹ năng làm việc nhóm, xây dựng luận điểm, phân tích dẫn chứng và tranh luận thuyết phục. Quan trọng hơn, đây là cách giúp các em chuyển từ người học sang người tham gia - từ người quan sát sang người hành động, đưa nhân vật văn học ra khỏi trang giấy để sống động hóa trong không gian lớp học.
Ngoài ra, giáo viên còn có thể cho học sinh lựa chọn nhân vật hiện đại hóa: Nếu nhân vật bước ra thời hiện đại, họ sẽ làm gì? Tnú sẽ cầm bút hay tiếp tục cầm súng? Kiều sẽ đòi công lý qua tòa án hay mạng xã hội? Người đàn bà hàng chài có dám ly hôn và làm lại từ đầu?...
Nhập vai nhân vật không chỉ giúp học sinh hiểu sâu văn bản, mà còn giúp các em học cách suy nghĩ, lựa chọn và cảm nhận như một con người thực thụ. Qua từng lá thư, đoạn nhật ký hay tình huống giả định, học sinh không còn chỉ học Văn mà các em đang sống cùng văn học, sống trong những câu hỏi đạo đức và cảm xúc. Dạy Văn như thế, không còn là truyền đạt tri thức, mà là gieo mầm tư duy và nhân cách sống.