116 con bê chết ở Đức Thọ do chưa được tiêm vắc-xin phòng viêm da nổi cục
116 con bê dưới 3 tháng tuổi bị chết, chiếm 60% tổng lượng gia súc chết do viêm da nổi cục ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) càng khẳng định việc tiêm vắc-xin là hết sức cần thiết để ngăn ngừa loại dịch bệnh này.
Do số lượng bê dưới 3 tháng tuổi chết vì bệnh viêm da nổi cục ngày càng tăng, ngành chức năng ở Đức Thọ đã mổ khám nghiệm để tìm nguyên nhân.
Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ, đến nay, trên địa bàn có 194 con trâu, bò chết do bệnh viêm da nổi cục (VDNC); trong đó có 116 con bê dưới 3 tháng tuổi, chiếm tỷ lệ 60%.
Trước thực trạng đó, sáng nay (ngày 4/5), Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ đã tiến hành mổ khám nghiệm 1 con bê dưới 3 tháng tuổi bị chết do nhiễm bệnh VDNC của gia đình ông Nguyễn Văn Cường (thôn Văn Xá, xã Lâm Trung Thủy) để kiểm tra.
Quan kiểm tra cho thấy, vật nuôi có những biến chứng của bệnh VDNC do không được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Qua mổ khám nghiệm, ngành chức năng phát hiện những bệnh tích như: dạ dày viêm, xung huyết nặng tại dạ tổ ong; xuất huyết đường ruột; viêm phổi, xuất huyết ở phổi; viêm, xuất huyết khí quản nặng, nổi mụn nhỏ ở khí quản; tụ máu tại khoang bụng, gan sưng to.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, đây là những biến chứng của bệnh VDNC do không được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Ông Hà Quang Thăng - Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: Thời gian qua, bê, nghé dưới 3 tháng tuổi là đối tượng chưa được khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng dịch VDNC tại Hà Tĩnh nói chung và Đức Thọ nói riêng. Do vậy, số lượng bê dưới 3 tháng tuổi bị nhiễm bệnh và chết nhiều là điều tất yếu. Điều này cũng chứng minh rằng, việc tiêm vắc-xin là hết sức cần thiết để hạn chế thấp nhất tình trạng trâu, bò chết do bệnh VDNC.
Sau khi mổ để tìm hiểu nguyên nhân, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy bê bằng cách chôn lấp.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng địa phương, người chăn nuôi có bê, nghé đủ 3 tháng tuổi, bò mẹ sau sinh 1 tháng cần được tiêm phòng vắc-xin; theo dõi sát và phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời; không chăn thả rông trâu, bò trong thời điểm dịnh bệnh chưa được khống chế hoàn toàn…
Thực tế đã khẳng định, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC là giải pháp hiệu quả nhất để phòng dịch hiện nay. Do vậy, trước thực trạng bê, nghé dưới 3 tháng tuổi chưa được tiêm phòng dịch bị nhiễm bệnh và chết nhiều, chi cục đã xin ý kiến ngành chuyên môn cấp trên và sẽ có hướng dẫn để tiếp tục mở rộng tiêm phòng cho bê, nghé từ 1 tháng tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo địa phương làm tốt công tác rà soát đàn vật nuôi; tiêm phòng có chất lượng; theo dõi, quản lý, giám sát sau khi tiêm phòng để đạt hiệu quả phòng dịch tốt nhất.