118 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị xử phạt
'Chúng ta theo con số tôi mới nắm được chính xác nhất là xấp xỉ 5 tỷ. Tỉnh thu nhập nhiều nhất từ nguồn lao động nước ngoài về xấp xỉ 300 triệu đôla một năm', Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi Luật với các lý do như Tờ trình của Chính phủ. Theo đại biểu, người đi lao động nước ngoài có thu nhập khá ổn định, nên đã góp phần cải thiện cuộc sống gia đình và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng họ lại đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị lạm dụng, bị bạo lực, bị xâm hại.
Một khảo sát cho thấy, trong quá trình làm việc có khoảng 76% người lao động Việt Nam di cư đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền lao động và ít được tiếp cận các biện pháp giải quyết pháp lý. Bởi vậy, sửa đổi luật cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ người lao động ở nước ngoài.
Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, giai đoạn 2013-2018, theo số liệu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thì chi cho hoạt động đào tạo rất ít, chỉ khoảng 4/62 tỷ đã chi trong tổng số thu là 152 tỷ đồng, chi cho tuyên truyền là 13,1 tỷ, chi cho công tác quản lý 13 tỷ...
Theo đại biểu, một nội dung quan trọng đảm bảo chất lượng lao động là đào tạo nhưng số lượng chi cho hoạt động này rất ít. Vậy hiệu quả hoạt động của quỹ này ra sao cũng cần phải được đánh giá cụ thể, chi tiết hơn.
“Quốc hội đã giám sát chuyên đề này rồi và cho thấy có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, nhiều quỹ cần phải xem lại cơ sở tồn tại bởi vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm những vấn đề trên để có cơ sở vững chắc cho sự duy trì và hoạt động của quỹ này hay không”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định như dự thảo luật chưa đảm bảo thực thi đầy đủ.
Người lao động phần lớn là những người gặp khó khăn về tài chính đi lao động nước ngoài, buộc phải vay nợ để ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của ngân hàng thương mại. Trong trường hợp tranh chấp, nếu người lao động vi phạm hợp đồng thì đương nhiên ngân hàng sẽ dùng tiền ký quỹ của người lao động thanh toán cho doanh nghiệp.
Trường hợp ngược lại thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ yêu cầu doanh nghiệp trả cho người lao động chỉ khi có khiếu nại của người lao động. Còn việc doanh nghiệp có trả hay không, khi nào trả và nếu không trả thì xử lý như thế nào thì chưa được quy định…
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc cho hay, hàng năm có khoảng hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc cho nước ngoài theo hình thức hợp đồng, hiện nay cả nước có 580.000 đang lao động ở nước ngoài.
“Chúng ta đang tham gia vào thị trường của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Lĩnh vực này thời gian qua cũng được quan tâm chỉ đạo và phát triển tương đối nhanh. Philippines coi đây là một ngành công nghiệp và đào tạo rất cơ bản. Hiện nay Philippines bình quân một năm có khoảng 1 triệu người tham gia.
Thu nhập bình quân của Philippines về ngân sách khoảng 20 tỷ đôla một năm. Chúng ta theo con số tôi mới nắm được chính xác nhất là xấp xỉ 5 tỷ. Tỉnh thu nhập nhiều nhất từ nguồn lao động nước ngoài về xấp xỉ 300 triệu đôla một năm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết, hiện có một số hạn chế như tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp, nhất là khu vực Hàn Quốc. Trước đây là 56%, chúng ta giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, kể cả phía ta và phía bạn. Từ các giải pháp đó cho đến nay, tỷ lệ bỏ trốn của chúng ta chỉ còn 24%, so với mức chúng ta cam kết với Hàn Quốc là 30% và hiện nay chúng ta thấp hơn rất nhiều quốc gia, đây là một điều rất đáng mừng.
Tuy nhiên nhiều hiện tượng khó khăn, thách thức, thậm chí yếu kém ở lĩnh vực này, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, tình trạng trốn ở lại vi phạm hợp đồng.
Trước tình hình đó, vừa qua Bộ cùng với các địa phương cũng chấn chỉnh rất nhiều vấn đề này, xử phạt tới 118 doanh nghiệp khác nhau trong tổng số 459. Có thể thấy rằng thời gian vừa qua có nhiều tiến bộ, tuy nhiên đây cũng là nhức nhối ở địa phương, đặc biệt là tình trạng cò mồi, tranh giành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, về quỹ hỗ trợ làm việc, tuy còn nhiều hạn chế, nhưng thời gian vừa qua cũng đã có đóng góp rất quan trọng trong hình thành và phát triển thị trường cũng như bảo vệ người lao động, nhất là những trường hợp tai nạn rủi ro ở nước ngoài, kể cả lao động đang trong hợp đồng vẫn phải bảo vệ và không được dùng quỹ thuộc ngân sách nhà nước.
“Vừa qua, riêng vụ kiện Lybia là phải đầu tư vào 200 tỷ, vụ kiện vệ sĩ ở A Rập Xê Út cũng phải sử dụng quỹ này, vụ kiện người lao động của chúng ta ở Hoa Kỳ phải dùng quỹ này, không được sử dụng ngân sách vào những vấn đề này.
Đây không phải là quỹ mới mà quỹ đã được quy định trong luật hiện hành. Chúng tôi xin đề nghị là cho phép duy trì quỹ này, đồng thời mở rộng hơn phạm vi, đối tượng được sử dụng và quỹ này chỉ thành lập ở trung ương, không tăng bộ máy biên chế”, Bộ trưởng LĐTB&XH nói./.