Sẽ xây dựng chiến lược quản lý các loại khoáng sản như vonfram, đất hiếm

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản quan trọng như đất hiếm hay vonfram…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chiều ngày 5/11/2024, góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với khoáng sản, công dụng là rất quan trọng. Hiện nay, Việt Nam chia khoáng sản theo các nhóm 1, 2, 3, 4. Theo đó, nhóm I là kim loại và năng lượng nhưng trong nhóm này có những loại kim loại và năng lượng cực kỳ quan trọng như đất hiếm, Vonfram, Uranium, Boxit, băng cháy…

QUY ĐỊNH RIÊNG CHO NHỮNG LOẠI KHOÁNG SẢN CHIẾN LƯỢC QUAN TRỌNG

Dẫn các thông tin, đại biểu cho biết đất hiếm và titan ở Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng; Vonfram chiếm khoảng 1/3 trữ lượng thế giới… Đây là những loại tài nguyên có vai trò rất quan trọng khi Việt Nam tiến vào kỷ nguyên công nghệ số và phát triển các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, xe điện, hàng không…

Dự thảo có liệt kê cụ thể, đầy đủ các loại khoáng sản nhóm 1 nhưng đánh đồng các loại tài nguyên, trong khi đó có những loại tài nguyên đóng vai trò ở tầm chiến lược quan trọng, đại biểu nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu, mặc dù dự thảo luật có nêu định nghĩa khoáng sản chiến lược quan trọng nhưng không có quy định riêng cho những loại khoáng sản này.

Về thẩm quyền cấp phép, dự thảo quy định cơ bản giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh. Đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần có danh mục các loại khoáng sản chiến lược quan trọng và đặc biệt quan trọng; đồng thời các quyết định thăm dò, khai thác, thu hồi… thì Thủ tướng quyết định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc “sử dụng tiết kiệm tài nguyên và không để lại gánh nặng cho thế hệ sau”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc “sử dụng tiết kiệm tài nguyên và không để lại gánh nặng cho thế hệ sau”.

Ở một số quốc gia, trong một số trường hợp chuyển nhượng các dự án, Chính phủ sẽ can thiệp và không cho phép chuyển nhượng vì liên quan tới phát triển lâu dài và đặc biệt là chủ quyền, an ninh quốc gia.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề cập đến vấn đề tài nguyên vị thế là các loại tài nguyên có vị trí và tính chất nhưng dự thảo luật sửa đổi định nghĩa tài nguyên vị thế chỉ còn yếu tố vị trí địa lý. Ví dụ như băng cháy, không chỉ là lợi thế về địa lý mà là một tài nguyên tương lai rất quan trọng.

Do đó, đại biểu đề nghị khôi phục lại và nói rõ là tài nguyên vị thế, theo định nghĩa cũ, đồng thời quy định về khoáng sản chiến lược quan trọng, khoáng sản có tài nguyên, vị thế đặc biệt quan trọng làm thành một danh mục riêng và giao cho Chính phủ quyết định những điều này. Thiết kế như thế để chúng ta sẽ không vướng mắc những chuyện chuyển nhượng hoặc tranh chấp sau này.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc trong phát triển bền vững của Liên hợp quốc về tiết kiệm tài nguyên và không để lại gánh nặng cho thế hệ sau.

Góp ý nội dung này, Thượng tọa Lý Minh Đức, đoàn Sóc Trăng, dẫn thông tin, theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nhân tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của ngành kỹ thuật mũi nhọn công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Đất hiếm gồm 17 loài vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt, tuy nhiên tại Điều 6 phân nhóm khoáng sản thì không phân đất hiếm thuộc nhóm nào. Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét bổ sung một điểm trong khoản 1 Điều 6 phân nhóm đất hiếm thuộc nhóm nào và khoáng sản đặc biệt, bởi tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.

Chính phủ cũng đã xác định ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó có lĩnh vực khoáng sản đất hiếm là ưu tiên phát triển và đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PHÂN NHÓM KHOÁNG SẢN DỰA TRÊN CÔNG DỤNG VÀ MỤC ĐÍCH QUẢN LÝ

Giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết nội dung về phân nhóm khoáng sản từ kỳ họp trước đã có nhiều đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến. Hiện nay trong dự thảo luật đưa ra quy định phân nhóm khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý. Theo Bộ trưởng, đây là một cách phân loại phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng tình với nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng nêu rõ, dù cùng một nhóm như khoáng sản nhóm 1 là khoáng sản kim loại nhưng có nhiều loại khoáng sản có tính chất, vai trò hay vị thế khác nhau, như khoáng sản chiến lược, đất hiếm, vonfram hay có một số khoáng sản có tính chất đặc thù như bôxít hay, titan khi phân bố trên một bề mặt rộng, ở một chiều sâu không lớn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu ý kiến trong phiên thảo luận chiều ngày 5/11/2024.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu ý kiến trong phiên thảo luận chiều ngày 5/11/2024.

Ông Duy cũng cho rằng các ý kiến đại biểu đề cập khoáng sản nhóm 4 làm vật liệu xây dựng, san lấp cần có phương thức quản lý chặt chẽ nhưng đơn giản về quy trình, thủ tục hành chính, là rất thỏa đáng.

Tuy nhiên, nếu quy định chi tiết trong luật đến cả danh mục, như nhóm 1A, nhóm 1B thì sẽ khó khăn. Không những thế, trong trường hợp khi phát hiện thêm các loại khoáng sản mới theo xu thế của thế giới hoặc theo yêu cầu quản lý, sử dụng trong từng giai đoạn, nay có thể là khoáng sản thông thường nhưng tương lai lại trở thành khoáng sản chiến lược.

Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc điều chỉnh về phân nhóm, phân loại này. Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất trong luật quy định giao cho Chính phủ quy định phân loại chi tiết.

Đại diện cơ quan soạn thảo mong các đại biểu Quốc hội đồng thuận với quan điểm này, để vừa đảm bảo linh hoạt, vừa đảm bảo có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin thêm, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram không chỉ có các quy định trong dự thảo luật này mà hiện nay chủ trương của cấp có thẩm quyền cũng yêu cầu cần phải xây dựng chiến lược để quản lý các loại khoáng sản chiến lược.

“Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ cũng đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản này”, ông Duy cho biết.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/se-xay-dung-chien-luoc-quan-ly-cac-loai-khoang-san-nhu-vonfram-dat-hiem.htm