12/2/2020- Ngày đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – EU
Hôm nay - 12/2/2020 được trông đợi là một ngày đặc biệt trong mối quan hệ 30 năm giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) khi theo chương trình họp của Nghị viện châu Âu (EP) lúc 12h (giờ Strassburg- Pháp, tức 18h cùng ngày, giờ Hà Nội), các nghị sĩ thành viên của EP tại trụ sở Strassburg dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự do thương mại giữa EU và Việt Nam – EVFTA. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố ngay sau đó.
Được biết phiên thảo luận tại trụ sở Strassburg về Hiệp định EVFTA chính thức bắt đầu từ sáng 11/2/2020 trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg. Trong phiên họp này, các nghị sĩ châu Âu thảo luận dựa trên bản báo cáo dài 36 trang do nghị sĩ Geert Bourgeois- báo cáo viên Hiệp định EVFTA chuẩn bị và trình bày.
Bản báo cáo được chia ra làm 6 đề mục, trong đó bên cạnh 3 đề mục mang tính trình tự pháp lý là 3 đề mục quan trọng nêu rõ ý kiến đánh giá của các Ủy ban của Nghị viện châu Âu về Hiệp định EVFTA, gồm Ủy ban quan hệ quốc tế, Ủy ban Phát triển và Ủy ban về Nghề cá.
Đặc biệt, báo cáo của nghị sĩ Geert Bourgeois có 48 điểm đề cập đến các lợi ích của việc thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại mạnh mẽ hơn với Việt Nam, cũng như tác động tích cực của Hiệp định này trong việc hỗ trợ những thay đổi tích cực tại Việt Nam, báo cáo đề xuất ở điểm 48, rằng “Nghị viện châu Âu nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam”.
Trước đó EU đã tiến gần đến việc phê chuẩn EVFTA khi ngày 21/1/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) đã bỏ phiếu với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo ủng hộ EVFTA, cho thấy châu Âu đang rất mong muốn mở rộng thương mại với Việt Nam.
Như thường thấy mỗi khi có các sự kiện quan trọng của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhóm phản động chống phá đội lốt các nhóm “nhân quyền”, “xã hội dân sự” và các nhóm cơ hội chính trị lại ra sức chống phá, xuyên tạc. Và thời điểm ngay trước khi Nghị viên châu Âu thông qua EVFTA cũng không phải là ngoại lệ khi các nhóm này kêu gọi EU “ngừng thông qua”, và rêu rao “hiệp định này chỉ phục vụ các doanh nghiệp lớn, bỏ qua các doanh nghiệp nhỏ”.
Nhưng những tiếng nói lạc lõng đó đã vấp phải những dư luận, tiếng nói tiến bộ ngay cả trong nội bộ EU. Trong phiên thảo luận đầu tiên tại Strasbourg ngày 11/2/2020, Nghị sĩ Karin Kalrsbro của nhóm các đảng “Đổi mới châu Âu” nhận định, Liên minh châu Âu luôn ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại và ngày mai chúng ta có thể làm nên lịch sử. Nghị sĩ Karin Kalrsbro nhận định, đây là hiệp định thương mại tham vọng nhất mà EU từng đàm phán với một quốc gia phát triển. Đây sẽ là một mối quan hệ kinh tế cùng thắng cho cả hai phía. “Hãy để chúng tôi bỏ phiếu cho Hiệp định này”- bà Karin Kalrsbro nói.
Theo một số nghiên cứu, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đe dọa sự phát triển ổn định của kinh tế thế giới và các khu vực, Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) là thông điệp cụ thể của Việt Nam và EU ủng hộ và thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ, bình đẳng, cùng có lợi.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia khác đang gồng mình chống dịch nCoV (được Tổ chức Y tế thế giới gọi bằng tên mới là dịch Covid-19) với việc giảm thiểu các tác động bất lợi tới kinh tế thì việc EVFTA một khi được Nghị viên châu Âu bỏ phiếu thông qua sẽ là một động lực mới cho Viêt Nam do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Điều này sẽ giúp Việt Nam tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Các DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU, điêu này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/1222020-ngay-dac-biet-trong-quan-he-viet-nam-eu-132498.html