Hà Nội: Đề xuất xe điện 4 bánh chở khách metro, xe buýt
Từ thành công sau thời gian thí điểm xe điện 4 bánh chở khách du lịch, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị mở rộng phạm vi hoạt động, cho phép kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Thu hút khách du lịch
Ngày 6/11, có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận các chuyến xe điện 4 bánh hoạt động khá nhộn nhịp, trên xe đa phần đều kín ghế, mỗi xe từ 7 - 10 người.
Tại điểm bán vé trên phố Đinh Tiên Hoàng, dù không phải là ngày cuối tuần song liên tục có hàng chục đoàn khách tới mua vé. Giá vé theo tour 35 phút/7 người là 240.000 đồng. Nếu đi 60 phút/7 người, khách sẽ phải trả 360.000 đồng. Vé lẻ được bán với giá 70.000 đồng/lượt, trẻ em dưới 3 tuổi được miễn phí.
"Thông thường vào dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, khách hàng qua đây phải xếp hàng để mua vé", chị Nguyễn Thu, nhân viên bán vé thuộc Công ty CP Đồng Xuân cho hay.
Từ Bắc Giang đến Hà Nội du lịch, ông Nguyễn Phương sau khi trải nghiệm một vòng xe điện qua những tuyến phố cổ, chia sẻ: "Dọc lộ trình, chúng tôi được thong thả ngắm phố phường mà không phải vội vàng, gấp gáp như đi xe máy hoặc ô tô, mọi người đều cảm thấy thích thú".
Tại khu vực Hồ Tây, những chiếc xe điện 4 bánh cũng rất thu hút khách du lịch khi hàng chục xe luôn tất bật phục vụ hành khách đi lại.
Thường xuyên mua vé xe điện mỗi lần lên Hồ Tây cùng gia đình, anh Nguyễn Xuân Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Xe chạy bằng điện nên không có khói xăng và rất thân thiện với môi trường. Ngồi xe ngắm phố, chúng tôi còn được biết thêm về lịch sử và văn hóa Hà Nội qua thông tin được phát trên xe, rất thú vị".
Kiến nghị mở rộng vùng phục vụ
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố cho phép các đơn vị tiếp tục được thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh phục vụ nhu cầu đi lại và tham quan du lịch của người dân trên địa bàn đến hết ngày 31/12/2024. Kể từ năm 2025, việc này triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT xem xét mở rộng phạm vi hoạt động của loại hình này một cách hợp lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch mà còn phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng, tăng cường kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, giữa các tuyến đường sắt đô thị với xe buýt.
Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện thành phố có gần 180 xe điện của 8 doanh nghiệp đang hoạt động thí điểm tại 6 khu vực hạn chế gồm: Sân bay Nội Bài, khu vực Hồ Tây, khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, tuyến kết nối hồ Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long, khu vực Chùa Hương, khu du lịch Làng cổ Đường Lâm.
Toàn bộ các phương tiện được cấp biển số theo quy định của Bộ Công an; được kiểm định an toàn kỹ thuật theo quy định của Bộ GTVT.
Nhiều ưu điểm
Ông Đào Việt Long cho biết, quá trình thí điểm cho thấy, loại hình này có các ưu điểm như: Hạn chế tối đa lượng khí thải ra môi trường; không gây tiếng ồn, thiết kế nhỏ gọn nên không chiếm nhiều diện tích, hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông.
"Xe điện đã tạo dựng được hình ảnh mới, đẹp, văn minh về giao thông đô thị của Thủ đô", ông Long đánh giá.
Là doanh nghiệp hoạt động xe điện 4 bánh ở Thủ đô, ông Vũ Hà Thanh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết, qua 14 năm hoạt động, đơn vị đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ du khách trong và ngoài nước.
"Khoảng 8 triệu du khách sử dụng xe điện trong 14 năm qua thực sự là con số rất ý nghĩa. Cũng từ hiệu quả hoạt động của Công ty CP Đồng Xuân trong khu vực phố cổ, thành phố đã cho phép các đơn vị, doanh nghiệp triển khai tại nhiều khu vực khác", ông Thanh nói và cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư phương tiện, thiết bị để tham gia vận tải khách metro, xe buýt.
Tuy nhiên, ông Thanh đề xuất chỉ nên áp dụng trên những cung chặng ngắn, bán kính tối đa 10km đến các nhà ga metro, điểm trung chuyển xe buýt lớn. Đồng thời, các điểm này có khả năng kết nối đến các điểm tham quan, du lịch để hút được khách sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để đưa hoạt động vào nền nếp. Hiện, loại hình này cũng đã phát triển mạnh ở khoảng 30 tỉnh, thành phố nên cần được nghiên cứu đưa vào luật. Đi kèm đó là phát triển, mở rộng ở khu vực nào cũng cần tuân thủ về luồng tuyến, số lượng phương tiện nhằm bảo đảm loại hình này không bùng nổ, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông.
Cho rằng đề xuất cho xe điện 4 bánh kết nối với metro, xe buýt là cần thiết, song chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, mức giá cần được nghiên cứu lại để phù hợp với thực tế thu nhập của người dân. Có thể thành phố sẽ dùng ngân sách để trợ giá, làm sao thu hút được nhiều người sử dụng dịch vụ nhất. Ngoài ra, việc kết nối điểm nào cũng cần nghiên cứu kỹ, có chọn lọc sau khi đánh giá, rà soát.