12 dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim
Đau, tức ngực và hồi hộp là những tín hiệu phổ biến trong một tháng trước khi cơn đau tim xuất hiện. Tạp chí y học trực tuyến Mỹ đã cập nhật những dấu hiệu của một cơn đau tim điển hình.

Ảnh minh họa
Các triệu chứng đau tim có thể xuất hiện trước cơn đau tim do cơ thể phản ứng với tình trạng lưu lượng máu đến tim giảm. Các mảng cholesterol béo, canxi cùng các tế bào viêm có thể tích tụ trong thành động mạch vành, động mạch đưa máu đến tim gây tắc mạch, chặn lưu lượng máu và oxy đến tim, dẫn đến cơn đau tim. Các dấu hiệu sau đây được xem là điển hình.
1. Đau ngực: Một nghiên cứu của Mỹ được thực hiện năm 2023 ở 242 người từng bị đau tim cho thấy, có 100 người đã trải qua các triệu chứng báo trước. Trong đó, đau ngực là triệu chứng phổ biến và điển hình nhất, với 68% số người trải qua triệu chứng này trước khi cơn đau tim xuất hiện.
2. Cảm giác nặng ngực: Cũng theo nghiên cứu nói trên, có tới 44% những người có triệu chứng báo trước mô tả có các cơn đau ngực, tức ngực hoặc áp lực lên ngực.
3. Đánh trống ngực: Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2023 cũng phát hiện thấy 42% người có triệu chứng đau tim sớm có dấu hiệu đánh trống ngực.
4. Khó thở: Khó thở thường là dấu hiệu chính của bệnh tim. Người trong cuộc có thể gặp khó khăn khi thở, dù đi bộ hay làm việc gì đó, thậm chí cả khi nghỉ ngơi, đôi khi cảm thấy như thể phổi của mình không nhận đủ không khí. Bên cạnh đó, người bệnh còn đổ mồ hôi quá nhiều hoặc đột nhiên toát mồ hôi lạnh.
5. Nóng rát ở ngực: Đây là một dấu hiệu tiềm ẩn của cơn đau tim sắp xảy ra. Nóng rát ở ngực do bệnh tim có thể giống như ợ nóng (và ngược lại). Lưu ý thời điểm xuất hiện các triệu chứng thường là sau khi dùng bữa ăn cay.
6. Mệt mỏi: Cực kỳ mệt mỏi có thể báo hiệu sự cố nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để can thiệp kịp thời. Cả phụ nữ lẫn nam giới đều có triệu chứng đau ngực nhưng phụ nữ lại có thêm nhiều triệu chứng khác như khó thở, buồn nôn, đau lưng hoặc đau hàm, khó tiêu, mệt mỏi cực độ.
7. Chóng mặt hoặc choáng váng: Cảm giác chóng mặt hoặc choáng váng bỗng xuất hiện, mặc dù trước đó không hề có. Chóng mặt là do lưu lượng máu đến não giảm liên quan đến việc tim không bơm máu hiệu quả.
8. Buồn nôn: Cảm giác khó chịu ở dạ dày, buồn nôn và nôn đều có thể là triệu chứng của bệnh tim và đau tim.
9. Lo lắng: Theo nghiên cứu, trong số những bệnh nhân có triệu chứng tiền đau tim, 23% bị lo lắng. Bên cạnh đó còn đổ mồ hôi quá nhiều hoặc đột nhiên toát mồ hôi lạnh.
10. Rối loạn giấc ngủ: Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta không ngủ ngon vào ban đêm, như căng thẳng quá mức hoặc uống cà phê trước giờ đi ngủ. Tuy nhiên, các vấn đề về giấc ngủ xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng có thể là dấu hiệu cảnh báo đau tim.
11. Sưng tấy: Đôi khi, tình trạng sưng ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân có thể là dấu hiệu của bệnh tim. Khi máu không lưu thông khắp cơ thể như bình thường, máu có thể trào ngược vào tĩnh mạch và gây sưng tấy. Chân và mắt cá chân là nơi dễ bị sưng tấy nhất.
12. Đau ở các bộ phận khác: Cơn đau do đau tim có thể không chỉ giới hạn ở ngực. Nó cũng có thể xảy ra ở cánh tay, lưng, hàm hoặc cổ.
Làm gì khi xuất hiện cơn đau tim?
- Duy trì lối sống lành mạnh: Năng vận động, duy trì chế độ ăn uống cân bằng và kiểm soát cân nặng hợp lý.
- Bỏ hút thuốc: Nếu đang hút thuốc, nên bỏ càng sớm càng tốt. Nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm đáng kể khi đã bỏ thuốc lá.
- Kiểm soát bệnh nền: Dùng thuốc đúng cách theo khuyến cáo của bác sĩ để kiểm soát tốt các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao hay cholesterol (mỡ máu) cao.
- Giảm căng thẳng: Nên thư giãn ngồi thiền, tập yoga, hoặc các bài tập thở sâu để kiểm soát căng thẳng. Stress giảm đồng nghĩa bệnh tật giảm, cuộc sống thêm vui và có ý nghĩa hơn.
- Khám bệnh định kỳ để đánh giá sức khỏe tổng quát và xác định sớm nguy cơ mắc bệnh tim.
Khi xuất hiện bệnh:
- Nên gọi ngay cấp cứu và yêu cầu xe cứu thương.
- Nếu người đó tỉnh táo, minh mẫn và không bị dị ứng với aspirin, hãy giúp họ uống 2 đến 4 viên aspirin liều thấp 81 miligam (mg) hoặc 1 viên aspirin 325 mg.
- Nếu được kê đơn nitroglycerin thì có thể uống. Giúp họ nới lỏng quần áo bó sát hoặc bó chặt cho đến khi lực lượng cấp cứu đến.
- Hãy chuẩn bị hô hấp nhân tạo hoặc sử dụng AED hay máy khử rung tim ngoài tự động (nếu có) nếu người bệnh không có dấu hiệu phản ứng.
- Hãy báo cho nhân viên y tế biết bất kỳ loại thuốc, liều lượng mà người bệnh đã uống trước khi đến bệnh viện.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/12-dau-hieu-canh-bao-con-dau-tim-20250708151106448.htm