12 luật có hiệu lực từ hôm nay (1/7)

Tại các kỳ họp thứ 6, 7, 8, Quốc hội khóa XIV thông qua nghị quyết phê chuẩn 12 luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/7). Đó là: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, Luật Quản lý thuế 2019, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019, Luật Dân quân tự vệ 2019, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, Luật Giáo dục 2019, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019, Luật Lực lượng dự bị động viên 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, Luật Thư viện 2019 và Luật Kiến trúc 2019.

Trong 12 luật mới này, cán bộ, công chức, viên chức quan tâm nhất đến Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 và Luật Giáo dục. Trong đó, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, quy định hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với 3 đối tượng: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức 2010; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (hiện nay tối đa chỉ đến 36 tháng). Đồng thời bổ sung thêm 2 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển, gồm: Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Luật này cũng quy định, hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Còn Luật Giáo dục quy định mới về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên, nếu môn học chưa đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu này thì giáo viên phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Luật này cũng quy định: học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, tuy nhiên sẽ phải hoàn trả lại nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp không công tác trong ngành Giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định.

VĂN LANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/241665/12-luat-co-hieu-luc-tu-hom-nay-1-7.html