Lo Việt Nam thiếu điện năm 2025, kịch bản ứng phó khi nhu cầu tăng đột biến thế nào?

NSMO xây dựng 3 kịch bản với mức tăng trưởng điện SX&NK cho năm 2025. Dự phòng cho trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan, kịch bản ba đề ra mức tăng trưởng 14,3% so với năm 2024, đạt 354 tỷ kWh.

Theo báo cáo từ Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), dự kiến tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu (SX&NK) toàn hệ thống năm 2024 đạt gần 309,7 tỷ kWh, tăng trưởng khoảng 10,09% so với năm 2023, thấp hơn 0,878 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Công suất đỉnh hệ thống điện quốc gia đạt 48.955 MW, trong đó, miền Bắc là 25.456, miền Nam là 21.425 MW.

NSMO đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng điện cho năm 2025. Ảnh: EVN.

NSMO đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng điện cho năm 2025. Ảnh: EVN.

3 kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở dự báo trên, NSMO đã xây dựng 3 kịch bản với mức tăng trưởng điện SX&NK cho năm 2025.

Cụ thể, kịch bản một: tăng trưởng 10,5% so với năm 2024, đạt 342,3 tỷ kWh.

Kịch bản hai: tăng trưởng 13,3%, đạt 351 tỷ kWh. Kịch bản này xây dựng trên cơ sở thực tế 6 tháng đầu năm 2024, điện SX&NK toàn hệ thống đã đạt mức tăng trưởng 12.0%.

Kịch bản ba: tăng trưởng 14,3% so với năm 2024, đạt 354 tỷ kWh. Kịch bản này nhằm dự phòng cho trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan.

NSMO cho hay, về tiến độ nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) dự kiến bổ sung thêm 4.081 MW từ nay đến hết năm 2025, còn nguồn nhập khẩu (chủ yếu từ Lào) có thể thêm 1.160 MW. Công suất năng lượng tái tạo (NLTT) dự kiến cũng tăng thêm 1.177 MW (từ tháng 10/2024 đến hết ngày 31/12/2025).

Sẽ rà soát điều chỉnh hàng tháng

Với nguồn điện mới dự kiến tăng như trên, NSMO cho rằng, ở kịch bản một, hệ thống điện quốc gia sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trong cả năm 2025.

Với kịch bản hai, tăng trưởng 13,3%, theo NSMO, hệ thống điện quốc gia đáp ứng cung ứng điện trong phần lớn thời gian trong năm. Song, sẽ cần huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, nguồn khí nội địa và các nguồn LNG, dầu được huy động rất cao.

Còn với phương án phụ tải tăng trưởng đột biến cực đoan 14,3%, trong trường hợp xảy ra các yếu tố xếp chồng như thủy văn kém, phụ tải tăng cao cực đoan, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc sự cố trong giai đoạn cao điểm mùa khô… hệ thống điện Quốc gia ngoài huy động tối đa các nguồn điện như kịch bản hai, còn có khả năng phải thực hiện điều chỉnh phụ tải, cũng như huy động nguồn diesel khách hàng trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Moit.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Moit.

Với kịch bản trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, việc xây dựng kế hoạch cần nhìn nhận cái gì tác động đến sản xuất cung ứng điện.

Cụ thể, cần xét đến yếu tố như tăng trưởng kinh tế dự kiến hơn 7% thì tăng trưởng điện phải đạt từ 11% trở lên (kịch bản cơ sở), các tháng cao điểm mùa khô còn phải tăng cao hơn.

Ngoài ra, còn cần xem xét đến tăng trưởng nhu cầu điện năm 2025 và các yếu tố tác động như: Năm 2024, giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 40 tỷ USD điều này sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng nhanh, tăng cao năm 2025.

Ông Diên cũng lưu ý, các yếu tố tác động từ chuyển dịch đầu tư mạnh trên thế giới. Hay năm 2025 sẽ có nhiều dự án trọng điểm quốc gia được hoàn thành, nhiều dự án được triển khai; những tác động từ Luật Điện lực sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này; tác động từ nhiều chính sách đã ban hành (cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điện mặt trời áp mái...).

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu, kế hoạch vận hành hệ thống và cung cấp điện năm 2025 cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh hàng quý dựa trên sự điều hành hàng tháng theo hướng linh hoạt. Đi kèm kế hoạch cung cấp điện, sẽ có biểu đồ kế hoạch cung cấp than, khí.

Năm 2025 vẫn lo thiếu điện

Báo cáo về tình hình cung ứng điện năm 2025, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, còn tiềm ẩn một số rủi ro cho khu vực miền Bắc trong các thời điểm cao điểm cuối mùa khô (giai đoạn từ tháng 5-7, nếu nhu cầu tăng đột biến).

Theo EVN, những khó khăn có thể ảnh hưởng đến cung ứng điện là khả năng cấp khí thiên nhiên trong năm 2025 sẽ bị suy giảm mạnh so với các năm trước đây.

Tiến độ của nhiều dự án nguồn điện mới chậm tiến độ. Theo đó, các nguồn thủy điện lớn cơ bản đã được xây dựng và đưa vào vận hành, chỉ còn một số dự án thủy điện với quy mô công suất nhỏ.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Trong khi nhiệt điện than sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng và việc triển khai các dự án cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sau khi Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26).

Nhiệt điện khí, ngoại trừ dự án Nhà máy điện (NMĐ) Nhơn Trạch 3&4 và Hiệp Phước 1 với tổng công suất khoảng 2.824 MW có thể hoàn thành trước năm 2030, các dự án LNG còn lại khó đáp ứng tiến độ hoàn thành trước năm 2030.

Còn các nguồn điện gió ngoài khơi (ĐGNK), mục tiêu đặt ra 6.000 MW vào năm 2030, thời gian thực hiện một dự án cần tới 6-8 năm, song hiện cơ chế phát triển ĐGNK đang được Bộ Công thương xây dựng Đề án thí điểm phát triển kèm theo các cơ chế, chính sách đồng bộ để trình Chính phủ.

Các nguồn NLTT mới được bổ sung trong Quy hoạch điện VIII hiện nay vẫn đang cần các cơ chế chính sách từ các cấp có thẩm quyền để triển khai theo quy hoạch.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lo-viet-nam-thieu-dien-nam-2025-kich-ban-ung-pho-khi-nhu-cau-tang-dot-bien-the-nao-192241114111758538.htm