'12 ngày đói khát trên biển, chúng tôi nghĩ mình đã chết'

Năm ngư dân Bình Thuận đã trải qua 12 ngày chống chọi sóng gió, đói khát khi trôi dạt trên biển. Họ động viên nhau cùng sống chết để vượt qua hoạn nạn.

6 giờ 30 ngày 24-7, năm ngư dân Bình Thuận từ tàu 466 của Quân chủng Hải quân đã bước lên đất liền trong vòng tay của gia đình.

Điều kỳ diệu đã xảy ra

12 ngày chống chọi với sóng gió và đói khát, các ngư dân gần như kiệt sức, bước đi liêu xiêu phải có người đỡ. Cơ thể họ bị bong tróc, lở loét do ngâm nước biển lâu ngày.

 Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn gần như kiệt sức sau 12 ngày trôi dạt trên biển. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn gần như kiệt sức sau 12 ngày trôi dạt trên biển. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Vui mừng khi được trở về bên người con gái, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cho biết 12 ngày đêm lênh đênh trên biển là khoảng thời gian kinh khủng trong hơn 20 năm đi biển.

Thuyền trưởng này cho biết kế hoạch chuyến biển này tàu sẽ đi hai tháng nhưng tàu đã đánh bắt được nhiều hải sản. Ông Toàn đã cho tàu quay về bờ để bán lấy tiền chia cho các bạn thuyền. Trên đường trở về thì con tàu gặp nạn.

“Sóng nó vô hầm, chúng tôi bơm không kịp nên tàu đã chìm. Tôi đã kêu anh em thả hai thúng xuống biển, chia nhau thoát nạn” - ông Toàn kể.

Con tàu bị sóng lớn đánh úp, thuyền trưởng Toàn đã sắp xếp thuyền viên bơm nước, bỏ bớt cá để cứu tàu nhưng bất thành. Ông Toàn đã cho thả hai thuyền thúng xuống biển để thoát nạn.

 Ông Bùi Văn Toàn được con gái đón về nhà. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Ông Bùi Văn Toàn được con gái đón về nhà. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Những ngày đầu, hai chiếc thúng cố gắng bơi gần để hỗ trợ lẫn nhau. Ông Toàn cho biết có lúc sóng đánh lật thúng này thì thúng bên kia hỗ trợ để tiếp tục chống chọi.

Tuy nhiên, khoảng một tuần sau các ngư dân đã kiệt sức. Sau một đêm chống chọi với sóng lớn hai thúng đã thất lạc nhau.

12 ngày lênh đênh trên biển, các ngư dân chỉ hứng nước mưa để uống cầm cự. Nhiều lúc, họ phải hớp nước biển để cầm hơi. Sau nhiều ngày chống chọi với sóng lớn, đói khát, ba ngư dân trên thúng của ông Toàn lần lượt qua đời vì kiệt sức.

Ông Toàn nói lần gặp nạn lần này nặng hơn so với lần thứ tàu của ông bị chìm tại biển Kê Gà, Bình Thuận, vào năm 2014.

Ngư dân Nguyễn Văn Mỹ bị lở loét nặng hai bàn tay cho biết hơn 30 năm đi biển, ông chưa bao giờ trải qua thời gian kinh khủng như 12 ngày qua.

Bà Nguyễn Thị Hòa bật khóc khi đón chồng Nguyễn Văn Mỹ từ cõi chết trở về. Ảnh: THANH NHÃ.

Bà Nguyễn Thị Hòa bật khóc khi đón chồng Nguyễn Văn Mỹ từ cõi chết trở về. Ảnh: THANH NHÃ.

Ngư dân này cho biết thời điểm lênh đênh trên biển trong chiếc thuyền thúng chật chội. Họ phải chống chọi với gió, sóng và nắng nóng.

“Chúng tôi chỉ biết ngước mặt lên trời vái có mưa để có nước uống mà sống” - ông Mỹ nhớ lại.

Ông Mỹ cho biết với hơn 32 kinh nghiệm đi biển, phải lênh đênh trên biển dưới cái nắng cháy đầu nhưng ông nói các ngư dân chỉ lúc khát mới được hớp một ít nước biển để cầm cự.

Ngư dân 58 tuổi này cho biết nằm trên chiếc thuyền thúng giữa biển khơi không biết phương hướng, các ông nghĩ mình đã chết.

“Linh hồn mình lúc đó muốn chết, mặc cho thúng trôi đi đâu thì trôi. Chúng tôi động viên nhau sống chết cùng có nhau” - ông Mỹ ngậm ngùi nói.

Các ngư dân kể trong hành trình 12 trôi dạt trên biển, họ gặp rất nhiều tàu đi ngang nhưng họ không nghe tiếng kêu cứu của các ngư dân.

Đến ngày thứ 12, tàu hàng Buffalo trên hành trình từ Ai Cập đi Trung Quốc đi ngang qua cũng không nghe được tiếng kêu của các ngư dân.

 Các ngư dân đã trở về với gia đình. Ảnh: THANH NHÃ.

Các ngư dân đã trở về với gia đình. Ảnh: THANH NHÃ.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã đến với các ngư dân. Đến trưa, các thuyền viên Buffalo phát hiện thúng chai của các ngư dân sống sót. Tàu Buffalo nhanh chóng cứu vớt, đưa các ngư dân lên tàu.

Gia đình luôn tin người thân sẽ trở về

Luôn đi sát bên cha, chị Bùi Thị Mỹ Ngọc, con gái thuyền trưởng Toàn, cho biết gia đình không ai theo nghề biển. Cha em đi biển như có nghiệp với biển cả.

Ngày 10-7, gia đình nghe tin tàu cá của cha bị mất liên lạc, gia đình vẫn tin ông còn sống. Tuy nhiên, ngày 19-7, bốn ngư dân đi cùng cha được cứu sống và trở về. Gia đình đã đi coi ngày để lập bàn thờ cho ông Toàn.

 Gia đình vui mừng đón các ngư dân trở về. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Gia đình vui mừng đón các ngư dân trở về. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Chị Mỹ nói mẹ vừa phải đi phẩu thuật về nghe tin cha mất liên lạc đã đờ đẫn mấy ngày. Năm 2014, cha bị nạn trên biển chị còn nhỏ nên chưa cảm nhận hết nỗi lo lắng.

“Lần thứ hai ba trở về, gia đình em ai cũng mừng” - chị Ngọc rơm rớm nước mắt nói.

Bà Nguyễn Thị Hòa, vợ ngư dân Nguyễn Văn Mỹ, chưa hết xúc động khi được gặp lại chồng. Bà cùng con ở nhà đã lập bàn thờ, dường như hết hy vọng. Khi nghe tin ông Mỹ được cứu vớt, cả nhà dẹp hết bàn thờ.

“Ở nhà, tôi đã lập bàn thờ chồng, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, chồng vẫn còn sống, tôi chỉ biết mừng rỡ”, bà Hòa nói.

 Vùng 4, Quân chủng Hải quân tặng quà và bàn giao các ngư dân. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Vùng 4, Quân chủng Hải quân tặng quà và bàn giao các ngư dân. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ ngư dân Nguyễn Thành La, xúc động nghẹn lời khi gặp lại chồng trên bến cảng. Chị cảm ơn ngư dân và lực lượng chức năng đã đưa được người chồng tưởng đã chết về lại với gia đình.

Tiếp tục bám biển

Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn đã trải qua hai biến cố tưởng như không thể trở về với gia đình. Tuy nhiên, biển đã ngấm vào trong máu của ngư dân được xem là “sói biển”.

Ông Toàn nói sau khi về nhà nghỉ ngơi ổn định tinh thần, thuyền trưởng này sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển.

Cùng quan điểm với thuyền trưởng Toàn, ngư dân Nguyễn Văn Mỹ cho biết đi biển là nghề cha sinh của mình nên không thể bỏ được.

“Nghề biển là nghề cha sinh của mình, nghề nghiệp của mình nên không thể bỏ được. Chúng tôi sẽ tiếp tục bám biển”, ông Mỹ quả quyết.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/12-ngay-doi-khat-tren-bien-chung-toi-nghi-minh-da-chet-post690598.html