12 sự thật đáng kinh ngạc về Bắc Cực có thể bạn chưa biết
Ngoài những tảng băng trôi, Bắc Cực còn nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa biết.
1. Không có múi giờ
Bắc Cực không có múi giờ cố định. Không có sự hiện diện thường trực của con người ở Bắc Cực, Mặt trời mọc (vào tháng 3) và chỉ lặn 1 lần mỗi năm (vào tháng 9) nên thời gian chuẩn ở đây không có ý nghĩa gì.
Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu Bắc Cực có xu hướng sống với múi giờ của quốc gia mình nơi có trạm của họ.
2. Không có đất
Bắc Cực không có đất, hoàn toàn được tạo thành từ băng di chuyển liên tục trôi nổi trên đỉnh Bắc Băng Dương. Theo Dịch vụ Thông tin và Dữ liệu Vệ tinh Môi trường Quốc gia (Mỹ), trong 4 thập kỷ qua, các nhà khoa học đã chứng kiến sự suy giảm độ dày của băng ở biển Bắc Cực trong cả những tháng mùa hè và mùa đông.
3. Đây không phải là nơi lạnh nhất trên Trái đất
Nam Cực lạnh hơn rất nhiều so với Bắc Cực. Nhiệt độ trung bình hằng năm ở Bắc Cực là âm 40 độ C vào mùa đông, còn ở Nam Cực là âm 60 độ C.
Sở dĩ Nam Cực lạnh hơn là do nơi đây có gió rất lạnh, đóng vai trò như rào cản với không khí ấm. Trên những ngọn núi lớn ở Nam Cực có nhiều băng tuyết bao phủ, băng rất dày.
Mặt khác, Bắc Cực có những vùng nước giúp làm ấm không khí.
4. Du khách có thể ghé thăm Bắc Cực
Mặc dù không thể tiếp cận được trong hầu hết thời gian trong năm nhưng du khách vẫn có thể đến thăm Bắc Cực. Các công ty du lịch cung cấp các gói du lịch đến Bắc Cực từ tháng 6 và tháng 7 khi thời tiết ấm áp nhất.
Công ty du lịch Swoop Arctic giải thích rằng, du lịch bằng tàu phá băng từ Murmansk - một cảng của Nga, là tuyến đường yêu thích của hầu hết du khách. Mỗi năm chỉ có vài tour du lịch, đặc biệt trong những tháng hè. Tuy nhiên, du khách phải tốn chi phí khá cao, khoảng 34.000 USD trở lên (850 triệu đồng).
5. Khó nghiên cứu
Hiệp hội Địa lý Quốc gia (Mỹ) lưu ý rằng, Bắc Cực được tạo thành từ băng trôi liên tục nên rất khó để các nhà khoa học và nhà thám hiểm nghiên cứu nó. Không có địa điểm cố định để lắp đặt thiết bị.
Các nghiên cứu về Bắc Cực thường do mọi người sống trong các trạm nghiên cứu trôi dạt có người lái thực hiện.
6. Có sự sống ở Bắc Cực
Trong khi băng trôi ở Bắc Cực khiến động vật khó sinh tồn, có những loài cáo Bắc Cực và gấu Bắc Cực sống trên băng.
Trang National Geographic lưu ý rằng, hệ sinh thái dưới đáy biển đa dạng hơn nhiều. Trang này cho biết một số loài cá sống ở Bắc Cực, bao gồm cả cá tuyết Bắc Cực.
Các sinh vật khác đã được phát hiện ở Bắc Cực bao gồm cá voi và hải cẩu, cũng như nhiều loại chim di cư như nhạn biển và chim nhạn Bắc Cực.
7. Hằng năm đều có cuộc chạy marathon ở Bắc Cực
Các vận động viên có thể sẽ run chân khi tham gia cuộc đua này - cuộc đua marathon thú vị nhất thế giới. Họ phải chạy dưới cái lạnh âm độ để hoàn thành quãng đường dài tới 42,195 km tại một trong những vùng xa xôi nhất của hành tinh.
Những người tham gia có thể phải trả khoản phí để chạy tại trên các tảng băng ở Bắc Cực, khoảng 50.248 USD (hơn 1,2 tỉ đồng). Chi phí này bao gồm việc đi lại, huy chương và ăn uống tại một quán bar.
8. Đây không phải là nhà của ông già Noel
Mặc dù xưởng phép thuật của ông già Noel được nhiều người cho là ở Bắc Cực nhưng thực ra nó nằm ở Phần Lan.
Bạn có thể ghé thăm 'quê hương chính thức của ông già Noel' vào bất kỳ ngày nào trong năm tại thị trấn tuyết Rovaniemi.
9. 2 nhà thám hiểm tuyên bố là người đầu tiên đến Bắc Cực
Việc phát hiện ra Bắc Cực đang gây tranh cãi vì có 2 nhà thám hiểm tuyên bố đã tìm thấy nó đầu tiên.
2 nhà thám hiểm Bắc Cực Frederick Cook và Robert Peary trở về sau chuyến thám hiểm Bắc Cực vào năm 1909. Cả hai đều đưa ra tuyên bố rằng, họ là những người đầu tiên đến điểm cực bắc của thế giới.
Cook tuyên bố ông đã phát hiện ra Bắc Cực vào năm 1908, sớm hơn 1 năm so với thời điểm Peary tuyên bố đã đến thăm.
Người nào đến Bắc Cực đầu tiên vẫn còn được tranh luận gay gắt cho đến ngày nay, nhưng theo một bài đăng trên blog của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia (Vương quốc Anh) người đến được Bắc Cực đầu tiên được xác định là nhà thám hiểu người Na Uy Roald Amundsen vào năm 1926. Ông người cũng là người đầu tiên đến được Nam Cực. Ông đã bay qua trên một chiếc khinh khí cầu.
10. Bắc Cực không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào
Theo luật pháp quốc tế, Bắc Cực và Bắc Băng Dương ở vùng lân cận không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào. Điều này là do Bắc Cực không phải là đất liền và do đó không phải là một quốc gia hay lãnh thổ riêng.
11. Thị trấn gần nhất là Longyearbyen
Longyearbyen là thị trấn gần Bắc Cực nhất, cách đó 1.316km, nằm trong quần đảo Svalbard của Na Uy, giữa phần đất liền Na Uy và Bắc Cực.
2.400 cư dân sống trong khu định cư nhỏ bé này đã quen với điều kiện khắc nghiệt của nơi này. Họ sống trong bóng tối hoàn toàn trong hầu hết thời gian trong năm. Ở đây chỉ có một cửa hàng tạp hóa, một trường đại học với 300 sinh viên, tất cả đều trải qua khóa huấn luyện sử dụng súng bắt buộc để bảo vệ bản thân khỏi những con gấu Bắc Cực lang thang trong khu vực.
12. Ở Bắc Cực mọi hướng đều là hướng Nam
Nếu bạn đứng ở Bắc Cực tức là bạn đang ở điểm cực bắc của Trái đất. Việc bạn nhìn theo hướng nào không quan trọng, vì mọi hướng đều hướng về phía nam.