'12 tuổi, tôi biết mình nằm trong 2% người thông minh nhất thế giới'

Đạt 162 điểm bài kiểm tra IQ ở tuổi 12, Jessica Casey (đến từ xứ Wales) trở thành thành viên của Mensa - cộng đồng quy tụ những người thông minh nhất thế giới, theo Newsweek.

Theo lời mẹ kể, tôi biết đọc từ năm một tuổi và bắt đầu viết chữ khi mới lên 3. Mẹ vẫn còn giữ cuốn sách tôi viết và vẽ minh họa năm 3 tuổi. Bà ấy vẫn thích khoe nó với mọi người, khiến tôi đôi khi có chút xấu hổ.

Tôi vừa tròn 13 tuổi, hiện theo học trường Cộng đồng Aberdare ở xứ Wales. Tôi là học sinh ưu tú, luôn đứng đầu lớp trong hầu hết môn học.

Tôi thích được thảo luận với giáo viên vì điều đó giúp tôi tham gia nhiều hơn vào việc học của mình. Tôi thích tất cả môn học, nhưng nếu phải lựa chọn thì nghệ thuật, âm nhạc và tiếng Anh là 3 lĩnh vực hàng đầu.

Động lực để tôi đăng ký làm bài kiểm tra IQ của tổ chức Mensa năm nay là xem mình được bao nhiêu điểm, rồi so sánh với anh trai Harrison.

Năm 2018, khi 12 tuổi, anh ấy hoàn thành bài kiểm tra với 162 điểm. Vì vậy, tôi rất tò mò muốn biết mình sẽ làm tốt đến đâu. Nhằm đảm bảo mọi sự so sánh giữa hai anh em là công bằng, tôi cũng làm bài thi khi 12 tuổi.

 Jessica Casey làm bài kiểm tra IQ của Mensa vào tháng 4/2021 và được 162 điểm - cao hơn 2 điểm so với thành tích ước tính của thiên tài Stephen Hawking. Ảnh: Amy Casey.

Jessica Casey làm bài kiểm tra IQ của Mensa vào tháng 4/2021 và được 162 điểm - cao hơn 2 điểm so với thành tích ước tính của thiên tài Stephen Hawking. Ảnh: Amy Casey.

Bài kiểm tra IQ vốn dành cho người lớn nên hôm 17/4, tôi là đứa trẻ duy nhất trong phòng thi. Tôi không giao tiếp nhiều với các ứng viên khác, nhưng nhận về không ít ánh nhìn. Có lẽ do tôi còn quá trẻ.

Tuy vậy, tôi không hề áp lực. Nói chung, tôi cảm thấy ổn.

Bài thi được chia thành 2 phần: số liệu và kiểm tra khả năng đọc, hiểu, tư duy. Tôi không biết cách ôn luyện và chuẩn bị nên vài tuần trước khi thi, tôi chỉ học tập bình thường.

Trong 10 ngày chờ đợi kết quả, tôi thật sự rất lo lắng. Gia đình không tiết lộ với anh trai việc tôi đã làm bài kiểm tra vì muốn xem kết quả trước.

Khi biết chỉ số IQ của mình là 162, tôi rất ngạc nhiên. Đầu tiên, tôi biết rằng anh trai, cũng đạt 162 điểm, không thể trêu chọc tôi vì bị điểm thấp hơn. Sau đó, tôi nghĩ mình có thể cảm thấy hơi lạc lõng ở trường. Tôi nhận ra rằng giờ đây, tôi là thành viên của cộng đồng quy tụ 2% người có IQ cao nhất thế giới.

Tôi từng đọc thông tin rằng thiên tài Albert Einstein có chỉ số IQ ước tính là 160+, dù ông ấy chưa bao giờ làm bài kiểm tra. Thật khó để nghĩ rằng mình có khả năng đạt được điểm IQ cao hơn Einstein, hoặc ít nhất là tương đương, nhưng tôi ổn với điều đó.

Sự thực là việc phát hiện có chỉ số IQ cao không làm thay đổi con người tôi. Trong khi đó, gia đình và bạn bè nghĩ rằng thành tích của tôi rất ấn tượng.

Bạn thân nhất của tôi, Jess, lập tức chúc mừng khi biết tin, dù cô ấy không biết điểm Mensa là gì. Sau khi nghe tôi giải thích, Jess khen ngợi tôi một lần nữa. Tôi rất vui vì có sự ủng hộ như vậy.

Một số người ở trường cũng biết chuyện nhờ theo dõi trên các kênh tin tức địa phương. Hầu hết giáo viên đều chúc mừng tôi.

Mẹ và thầy Heath, giáo viên tiếng Anh, nói rằng tôi có thể trở thành nhà báo hoặc tác giả trong tương lai. Tôi sẽ sớm bắt đầu chuẩn bị tham dự GCSE, kỳ thi ở Vương quốc Anh mà chúng tôi thực hiện năm 16 tuổi. Thầy Heath rất muốn giúp tôi vượt qua các kỳ thi tiếng Anh sớm.

Thành thật mà nói, tôi thực sự không chắc mình muốn làm gì trong tương lai. Tôi biết có rất nhiều lựa chọn mở ra cho mình, nhưng tự nhủ bản thân cần khiêm tốn. Hiện tại, tôi yêu thích giáo dục và chưa từng bỏ một buổi học nào.

Nếu ai quan tâm đến bài kiểm tra của Mensa, tôi nghĩ họ nên thử sức. Không quan trọng việc đạt điểm cao hay không, xem kết quả đã là điều khá thú vị. Lời khuyên của tôi rất đơn giản: hãy làm những gì mọi người yêu thích. Nếu hài lòng với mọi thứ đang theo đuổi, tất cả sẽ ổn thôi.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/12-tuoi-toi-biet-minh-nam-trong-2-nguoi-thong-minh-nhat-the-gioi-post1218401.html