120 năm Hà Đông (Hà Nội): Nơi hội tụ, hòa quyện văn hóa xứ Đoài và Tràng An

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, quận Hà Đông không chỉ là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà còn là biểu tượng cho sự chuyển mình mạnh mẽ qua từng giai đoạn lịch sử.

Hà Đông là quận có diện tích lớn nhất trong số 10 quận của Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hà Đông là quận có diện tích lớn nhất trong số 10 quận của Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hà Đông luôn là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp hài hòa giữa giá trị di sản và nhịp sống thời đại. Nhân dịp 120 năm ngày thành lập Hà Đông (6/12/1904 - 6/12/2024), phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết nhằm khắc họa những đóng góp nổi bật của vùng đất này đối với sự phát triển của Thủ đô.

Bài 1: Nơi hội tụ, hòa quyện văn hóa xứ Đoài và Tràng An

Những năm qua, Hà Đông luôn phát triển hài hòa, song hành kinh tế với giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lâu đời. Đây cũng là nơi hội tụ, giao thoa và hòa quyện rõ nét nhất giữa văn hóa xứ Đoài và Tràng An.

Nơi Bác Hồ kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”

Hà Đông hiện là một quận của Thủ đô Hà Nội, đã trải qua quá trình hình thành và phát triển dài lâu với những dấu ấn văn hóa và lịch sử đặc sắc. Ngày 6/12/1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ghi: “Tỉnh Cầu Đơ mà trụ sở hành chính do Nghị định ngày 26/12/1896 được xác định tại làng Cầu Đơ, từ nay được gọi là tỉnh Hà Đông”… “Thị trấn của Tỉnh cũng được mang tên Hà Đông”. Đây là dấu mốc, bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển đô thị của khu vực này.

Trong suốt hơn một thế kỷ qua, người dân Hà Đông đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử. Thời kỳ đầu, thị xã Hà Đông chủ yếu phát triển dựa vào nông nghiệp và các nghề thủ công truyền thống. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần trung tâm Hà Nội, nơi đây đã nhanh chóng trở thành một trung tâm giao thương sầm uất. Đây cũng là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa; nhân dân lao động luôn cần cù, sáng tạo, đoàn kết vượt qua gian nan thử thách...

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, từ các tổ chức quần chúng cách mạng ra đời năm 1930, những Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào năm 1938, 1939 ở La Cả, Vạn Phúc, Yên Lộ, La Khê, những “làng đỏ”, “an toàn khu” đã nuôi giấu, bảo vệ nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ cùng các cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt… đến những ngày sục sôi nổi dậy giành chính quyền tháng 8/1945. Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã cùng với cả nước đập tan ách thống trị của chế độ thực dân - phong kiến, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, viết tiếp những trang sử vẻ vang của toàn dân tộc.

Cách mạng tháng Tám vừa thành công, thực dân Pháp đã xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại quê hương cách mạng Vạn Phúc, Hà Đông đã được phát thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thúc giục quân dân cả nước đứng lên chiến đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, Đảng bộ và quân dân Hà Đông đã nhất tề cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ với quyết tâm và niềm tin vững chắc vào thắng lợi. Thực hiện lời thề “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các lực lượng tự vệ Hà Đông đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực cản phá nhiều đợt tấn công của kẻ thù, phá hủy nhiều phương tiện và tiêu hao sinh lực địch...

Hội nhập và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của quận Hà Đông ổn định và liên tục phát triển. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của quận Hà Đông ổn định và liên tục phát triển. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Năm 2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, thị xã Hà Đông từ đó trở thành quận Hà Đông. Nơi đây luôn phát triển đan xen giữa hai nền văn hóa, hội nhập với cái mới nhưng vẫn giữ được nét bản sắc, thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế và xã hội.

Các làng nghề truyền thống của xứ Đoài không ngừng phát triển, trong khi đó, các sản phẩm văn hóa, du lịch, làng nghề, hàng hóa chất lượng cao OCOP của Tràng An cũng được quảng bá rộng rãi. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra những sản phẩm độc đáo mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Ngày nay, Hà Đông đang trên đà phát triển mạnh mẽ và quận vẫn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử. Sự gắn kết, hòa quyện và phát triển đan xen giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Tràng An ở Hà Đông không chỉ là một hiện tượng văn hóa mà còn là một minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết và phát triển bền vững; đồng thời, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và tạo ra một môi trường sống phong phú, đa dạng cho người dân nơi đây.

Xứ Đoài có những đặc trưng văn hóa riêng biệt, nổi bật với các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và nghệ thuật dân gian. Nơi đây nổi tiếng với những làng nghề truyền thống như gốm, mây tre đan, những món ăn đặc sản. Văn hóa xứ Đoài còn được thể hiện qua các lễ hội Chùa Thầy, Đền Lừ... thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

Trong khi đó, văn hóa Tràng An, với bề dày lịch sử và truyền thống, mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô, thể hiện lòng tự hào về lịch sử mà còn là nơi gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà chia sẻ: Bên cạnh phát triển kinh tế, ở Hà Đông, sự gắn kết giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Tràng An diễn ra một cách tự nhiên và hài hòa. Người dân nơi đây không chỉ giữ gìn các phong tục tập quán của quê hương mình mà còn tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa tinh hoa của các vùng lân cận. Các lễ hội truyền thống thường được tổ chức với sự tham gia của cả hai nền văn hóa, tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết và gắn bó.

Chẳng hạn, trong các dịp lễ hội, người dân Hà Đông thường tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn dân ca, dân vũ, nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, hay các trò chơi dân gian, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách. Điều này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn tạo cơ hội cho thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng di sản văn hóa của cha ông.

Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, công tác quản lý được nâng cao, hoạt động hiệu quả. Giai đoạn 2021 - 2025, quận đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà thi đấu Hà Đông với tổng mức đầu tư gần 37 tỷ đồng, đầu tư 15 dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, các công trình văn hóa với tổng kinh phí 1.317 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân. Chất lượng tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa được nâng lên, đến nay có 93% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và 88,7% tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”.

Quận cũng đầu tư 42 dự án tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích; có 93/142 di tích đã được xếp hạng (51 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 42 di tích xếp hạng cấp thành phố). Nghề dệt lụa Vạn Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia... góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch làng nghề, du lịch tâm linh.

Từ năm 2021 - 2024, quận Hà Đông không phát sinh hộ nghèo, hộ tái nghèo, hộ tái cận nghèo, đến hết năm 2024 không còn hộ cận nghèo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội là đến năm 2025 còn 0,3%.

Bài cuối: Xây dựng trung tâm lớn về kinh tế và giao thông kết nối

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ha-noi/120-nam-ha-dong-ha-noi-noi-hoi-tu-hoa-quyen-van-hoa-xu-doai-va-trang-an-20241202172012445.htm