13 biệt thự cổ độc bản tại TP HCM đang được bảo tồn thế nào?

Các biệt thự cổ độc bản có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa đang được chính quyền TP HCM lên các phương án bảo tồn nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của các biệt thự này.

Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM) vừa có báo cáo sơ kết công tác kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP.

 TP.HCM hiện có 13 biệt thự cổ độc bản. Ảnh: PLO

TP.HCM hiện có 13 biệt thự cổ độc bản. Ảnh: PLO

Theo đó, trong gần 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975, Hội đồng phân loại biệt thự đã tham mưu cho UBND TP quyết định công nhận 13 biệt thự cổ thuộc nhóm 1.

Đây là các căn biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ, nhiều biệt thự còn là chứng nhân lịch sử, góp phần làm giàu bản sắc đô thị.

Đó là các căn biệt thự được nhiều người biết đến như 60 Võ Văn Tần (tòa nhà trụ sở du lịch Hòa Bình), số 110-112 Võ Văn Tần, 124 Cách Mạng Tháng Tám, 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Theo quy định, các căn biệt thự này được giữ gìn nguyên trạng hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong cũng như mật độ xây dựng tầng cao.

Ngoài ra, Hội đồng phân loại biệt thự TP HCM còn tham mưu xếp loại 226 căn biệt thự nhóm 2, chủ sở hữu các biệt thự này phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, công tác bảo tồn biệt thự cũ tại TP HCM trong những năm qua đối mặt với nhiều khó khăn.

Sự phát triển mạnh mẽ của các dự án nhà ở, thương mại đã tạo áp lực lớn lên việc giữ gìn các công trình cũ. Nhiều biệt thự bị tháo dỡ, chuyển đổi công năng mà không có sự giám sát chặt chẽ.

Một số biệt thự nằm trong danh mục kiểm kê không thể tiếp cận được (54 căn), do chủ nhà không hợp tác hoặc vị trí thực tế không khớp với hồ sơ quản lý. Điều này dẫn đến việc thiếu dữ liệu để lập phiếu đánh giá, khiến công tác kiểm kê bị gián đoạn.

Mặt khác việc phân loại biệt thự cũng như bảo tồn các giá trị về kiến trúc chịu áp lực lớn trước yêu cầu phát triển của đô thị TP HCM.

Đa số các biệt thự có giá trị đều ở vị trí đắc địa của trung tâm TP nên giá đất cao, nhu cầu xây dựng mới lớn gây sức ép nhất định trong việc phân loại và giữ lại các công trình có giá trị kiến trúc, văn hóa lịch sử.

Để bảo tồn các biệt thự cổ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng từng kiến nghị HĐND, UBND TP HCM xem xét thu hồi hoặc trưng mua (nếu của tư nhân) để có điều kiện gìn giữ và phát huy giá trị của các biệt thự này.

Bên cạnh đó, UBND TP HCM yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ tuân thủ các nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo. Trong đó, đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 1, phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.

Biệt thự nhóm 2 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Biệt thự nhóm 3 thực hiện theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng.

Chủ sở hữu không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng.

Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại, phải làm theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, bảo đảm mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao như biệt thự cũ.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/13-biet-thu-co-doc-ban-tai-tp-hcm-dang-duoc-bao-ton-the-nao-post322985.html