13 ngân hàng tăng lãi suất, gửi tiền ở đâu cao nhất?
Mới chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6 (3-8/6), thị trường ghi nhận 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động, duy nhất một nhà băng điều chỉnh giảm các kỳ hạn từ 15-36 tháng.
13 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, và Eximbank.
Ở chiều ngược lại, duy nhất Eximbank dù tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1-9 tháng nhưng ngân hàng này lại giảm 0,1%/năm các kỳ hạn từ 15-36 tháng.
Mức lãi suất từ 5%/năm ngày càng xuất hiện dày đặc trên biểu lãi suất của các nhà băng, đặc biệt tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Các kỳ hạn tiền gửi vốn đã được ngân hàng niêm yết mức lãi suất trên 5%/năm, nay cũng đã gần hơn với mức 6%/năm.
Trong đó, HDBank, OCB và OceanBank dẫn đầu thị trường ở các kỳ hạn dài với lãi suất từ 6-6,1%/năm.
Cụ thể, HDBank trả lãi suất kỳ hạn 15 tháng là 6%/năm và kỳ hạn 18 tháng là 6,1%/năm. OceanBank đang trả 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, và 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Với OCB, nhà băng này niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.
Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao nhất là tại CBBank với 5,15%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng cao nhất hiện vẫn là 5,1%/năm tại Nam A Bank, tiếp đến là NCB với 5,05%/năm, trong khi KienLong Bank và Bac A Bank niêm yết tại 5%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất huy động từ 5%/năm đang ngày càng áp đảo tại các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước gửi công văn đến các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục,… nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường và mặt bằng lãi suất thị trường.