13 tổ chức, cá nhân bị buộc tội trong vụ núi lửa phun ở New Zealand
Những tổ chức liên quan có thể đối mặt với khoản tiền phạt 1,5 triệu NZD (khoảng 1,1 triệu USD), trong khi 3 cá nhân bị buộc tội có thể chịu mức phạt tối đa là 300.000 NZD.
Ngày 30/11, Cơ quan An toàn lao động New Zealand (WorkSafe) thông báo đã chính thức buộc tội 13 tổ chức và cá nhân liên quan đến thảm kịch núi lửa trên Đảo Trắng (White Island) khiến 22 người thiệt mạng hồi năm ngoái.
WorkSafe đã điều tra lý do tại sao 47 người, chủ yếu là khách du lịch Australia, có mặt trên hòn đảo này vào tháng 12/2019, thời điểm ngọn núi lửa "thức giấc."
Giám đốc điều hành WorkSafe Phil Parkes đã công bố cáo buộc nhằm vào 10 tổ chức và 3 cá nhân đã đưa du khách đến ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của New Zealand này, khi chỉ vài tuần trước đó, cơ quan chức năng đã nâng mức cảnh báo núi lửa phun trào.
Theo ông Parkes, những tổ chức liên quan có thể đối mặt với khoản tiền phạt 1,5 triệu NZD (khoảng 1,1 triệu USD), trong khi 3 cá nhân trên có thể chịu mức phạt tối đa là 300.000 NZD.
Ông Parkes chia sẻ đây là cuộc điều tra quy mô và phức tạp nhất mà WorkSafe thực hiện. Song song với đó, một cuộc điều tra riêng rẽ khác của văn phòng bác sỹ xét nghiệm cũng đang được tiến hành và có thể dẫn tới nhiều cáo buộc khác được đưa ra.
Tuy nhiên, văn phòng này sẽ công bố kết luận nào cho tới khi các cáo buộc của WorkSafe được xử lý.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố hai cơ quan chính phủ cũng sẽ bị khởi tố, gồm cơ quan khoa học GNS Science chịu trách nhiệm giám sát hoạt động núi lửa và Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Đảo Trắng nằm trên Vịnh Plenty, cách bờ phía Đông Đảo Bắc của New Zealand khoảng 48km.
Hòn đảo thuộc quyền sở hữu tư nhân này là điểm du lịch mạo hiểm nổi tiếng với hơn 10.000 lượt khách tham quan mỗi năm.
Núi lửa trên Đảo Trắng là cấu trúc núi lửa lớn nhất tại New Zealand, thường xuyên có các vụ phun trào nhỏ và phun ra nhiều khí gas.
Gần một năm trước, ngày 9/12, ngọn núi lửa trên Đảo Trắng đã bất ngờ "thức giấc," phun trào hơi nước từ lòng núi thay vì nham thạch, còn gọi là phun thủy nhiệt và tạo ra một cột khói bụi khổng lồ cao tới 3,6km trên bầu trời.
Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 22 người, trong đó có 13 du khách quốc tịch Australia, đồng thời khiến hàng chục người khác bị thương nặng./.