14 ngày không có ca bệnh Covid-19 ở cộng đồng, Việt Nam đã an toàn?
Chiều 16-9, Việt Nam đã tròn 14 ngày không ghi nhận ca Covid-19 lây nhiễm mới trong cộng đồng. Đã có 936 ca bệnh được chữa khỏi.
Bộ Y tế cho biết tính đến 18 giờ ngày 16-9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 32.417 người, trong đó có 471 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 15.591 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 16.355 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trong ngày, cả nước có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 2 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam (BN839 và BN779) và 3 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (BN814, BN1009, BN1029). Đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 936 bệnh nhân Covid-19 trong tổng số 1.063 ca mắc.
Trong số 92 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 18 ca.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có ba trường hợp có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch phải thở ôxy hỗ trợ, trong đó một trường hợp nặng thở máy xâm nhập. Việt Nam vẫn đang ghi nhận 35 ca mắc Covid-19 tử vong.
Đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện dịch trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đã bùng phát dịch trở lại, dự báo trong thời gian tới số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng.
Ở Việt Nam, các ổ dịch đã cơ bản được khống chế và trong hai tuần qua, tuy nhiên các chuyên gia tiếp tục cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Do đó, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng
Bộ Y tế cũng cho biết tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 1,2 triệu lượt người được xét nghiệm RT-PCR. Từ 23-7 đến 15-9, Việt Nam thực hiện 645.787 xét nghiệm trong tổng số 1.083.798 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch, chiếm 59,6%.
Trong đó, TP. Đà Nẵng đã thực hiện 152.202 xét nghiệm (15/9 xét nghiệm 348 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 124.439 xét nghiệm (đã bao gồm 71.300 mẫu được 4 đơn vị hỗ trợ từ đầu tháng 8) (15/9 xét nghiệm 145 mẫu); TP HCM đã thực hiện 122.452 xét nghiệm (15/9 xét nghiệm 866 mẫu). Hiện nay, tổng số người đã được xét nghiệm là 1.260.628 lượt người.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo "Hướng dẫn giám sát, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh vào Việt Nam" trong tình hình mới với việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương. Bộ Y tế đang xin ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế cũng tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh. Khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 tại các cửa khẩu, sân bay phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái "bình thường mới"; Xây dựng phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực "an toàn" sau nhiều ngày không ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng.