15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát

Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo), tính đến ngày 7/5/2025, cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia khởi công xây nhà mới cho hộ nghèo tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia khởi công xây nhà mới cho hộ nghèo tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, có 6 địa phương báo cáo không còn nhà tạm, nhà dột nát ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có 4 địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 3 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng, các hộ thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, và các hộ thuộc Chương trình do Nhà nước phát động. Các địa phương này là: Bắc Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Tây Ninh.

Ngoài ra, 5 địa phương đã công bố hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo và cận nghèo theo Chương trình phát động, gồm: Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long và Trà Vinh. Tại các địa phương này vẫn còn hai nhóm đối tượng chưa được hỗ trợ đầy đủ do chưa được bố trí kinh phí: Người có công với cách mạng và các hộ thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Xóa 87.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trong 2 tháng qua

Tính từ sau Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo (ngày 10/3/2025) đến nay, cả nước đã xóa thêm gần 87.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, đạt bình quân khoảng 26 căn/địa phương/ngày. Tính chung đến thời điểm hiện tại, tổng số nhà tạm, nhà dột nát đã được hỗ trợ xóa bỏ trên cả nước là gần 209.000 căn. Trong đó, khoảng 111.000 căn đã được khởi công và khánh thành, còn 98.000 căn đang trong quá trình xây dựng.

Tỉ lệ khởi công và hoàn thành hiện đạt khoảng 77% tổng số nhà tạm, nhà dột nát cần xử lý cho cả 3 nhóm đối tượng. Riêng nhóm hộ nghèo và hộ cận nghèo thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát có tỉ lệ triển khai cao nhất, với khoảng 80% số nhà đã được khởi công và hoàn thành. Cụ thể:

Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 25.597 căn (từ phiên họp thứ ba đến nay tăng 15.259 căn), (đạt khoảng 50,79%). Trong đó, số nhà đã khánh thành: 11.303 căn; số nhà khởi công, xây dựng dở dang: 14.294 căn.

Hỗ trợ nhà ở thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là 59.293 căn (từ phiên họp thứ ba đến nay tăng 1.629 căn) (đạt khoảng 68,7%). Trong đó, số nhà đã khánh thành: 39.393 căn; số nhà khởi công, xây dựng dở dang: 19.900 căn.

Hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 124.097 căn (từ phiên họp thứ ba đến nay tăng 70.500 căn) (đạt khoảng 80%). Trong đó, số nhà đã khánh thành: 60.372 căn; số nhà khởi công, xây dựng dở dang: 63.725 căn.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ là rất nặng nề, khó khăn nên phải nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; phân công theo tinh thần “5 rõ” - rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ là rất nặng nề, khó khăn nên phải nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; phân công theo tinh thần “5 rõ” - rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm.

Còn hơn 61.800 căn nhà cần được khẩn trương xây dựng

Để cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trước ngày 31/10/2025, hơn 61.800 căn nhà cần được khẩn trương xây dựng. Trong số này, khoảng 24.800 căn dành cho người có công với cách mạng; 27.000 căn thuộc hai Chương trình mục tiêu quốc gia; và hơn 10.000 căn thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Nhằm bảo đảm tiến độ, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai công việc sát với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, 18 tỉnh, thành phố đã cam kết hoàn thành trong tháng 9 và 10/2025 phải đẩy nhanh tiến độ, bởi đây là những địa phương có khối lượng công việc lớn, trong khi vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực cũng như tổ chức thực hiện.

Báo cáo cũng đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy tiến độ, đưa Chương trình về đích đúng hạn:

Thứ nhất, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí hỗ trợ xây nhà cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ để các địa phương sớm triển khai.

Thứ hai, cho phép địa phương tạm ứng trước kinh phí từ nguồn quỹ địa phương để hỗ trợ các đối tượng nêu trên và hoàn trả sau khi Trung ương phân bổ ngân sách, với điều kiện tổng số kinh phí ứng trước không vượt quá mức dự toán địa phương đã báo cáo Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính.

Thứ ba, giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, sửa đổi và bổ sung văn bản hướng dẫn, bảo đảm mức hỗ trợ nhà ở thuộc hai Chương trình mục tiêu quốc gia được thống nhất với các quy định chung của Chương trình.

Thứ tư, thống nhất nguyên tắc điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024, kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương phù hợp với nhu cầu thực tế qua rà soát của địa phương

Đồng thời, Ban Chỉ đạo cùng các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai. Dự kiến, vào cuối tháng 6/2025, Chương trình sẽ được tổ chức sơ kết nhằm đánh giá toàn diện tình hình thực hiện, từ đó điều chỉnh, hoàn thiện các giải pháp một cách phù hợp và hiệu quả hơn.

Tiến độ cam kết xóa nhà tạm, nhà dột nát của các địa phương:

- Trong tháng 5/2025, để thiết thực kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành Chương trình gồm: Sơn La, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An và Hòa Bình.

- Trong tháng 6/2025, dự kiến có 16 địa phương hoàn thành Chương trình gồm: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Lai Châu.

- 26 địa phương còn lại phấn đấu từ tháng 7 đến hết tháng 10/2025 hoàn thành Chương trình (trong đó, tháng 7 có 4 địa phương; tháng 8 có 4 địa phương; tháng 9 có 9 địa phương và tháng 10 có 9 địa phương).

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/15-dia-phuong-khong-con-nha-tam-nha-dot-nat-15682.html