15 năm đề xuất nhà thương mại giá thấp ở TP.HCM

Giá nhà ở vẫn phải theo cơ chế thị trường nhưng doanh nghiệp tham gia phân khúc nhà giá thấp sẽ được khuyến khích hơn.

Trong 15 năm qua, nhiều ý kiến đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp ở TP.HCM liên tục được gửi tới cơ quan chức năng. Trong động thái mới nhất, Bộ Xây dựng cho biết đang soạn thảo dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị quyết với các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) làm nhà ở thương mại giá thấp.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc này là bước điều chỉnh thị trường cần thiết để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển cân đối.

Nhà dưới 70 m2 có giá 20 triệu đồng/m2

“Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Lý do là hiện nay thị trường BĐS phát triển chưa cân đối, tập trung quá nhiều vào phân khúc cao cấp, đắt tiền mà thiếu sản phẩm vừa túi tiền” - ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết trong hội thảo về BĐS ở TP.HCM gần đây.

Theo ông Ninh, đây được xem là bước điều chỉnh thị trường của Nhà nước, cơ bản là tất cả vẫn là theo cơ chế thị trường nhưng DN tham gia đầu tư vào nhà ở thương mại giá thấp thì có cơ chế khuyến khích, ưu đãi hơn.

Ví dụ, DN làm dự án cao cấp thì cứ làm bình thường, còn chủ đầu tư nào tham gia làm nhà ở thương mại giá thấp dưới 70 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 thì sẽ có chính sách khuyến khích. “Chúng tôi đang bàn các phương án cụ thể và sẽ sớm có hội thảo lấy ý kiến các DN, hiệp hội. Dự kiến trong quý III năm nay sẽ có dự thảo trình Chính phủ. Dự kiến thị trường sẽ phát triển nếu có dự thảo rõ ràng. Hiện nay các quốc gia khác đều quan tâm phát triển phân khúc này” - ông Ninh phân tích thêm.

Liên quan đến chương trình này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết trong 15 năm qua, HoREA đã kiên trì đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Việc đề xuất này nhằm để hình thành một số khu vực đô thị, khu dân cư bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp đô thị. Đây là nhóm người chiếm số đông trong xã hội.

Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị quyết với các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp làm nhà ở thương mại giá thấp. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị quyết với các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp làm nhà ở thương mại giá thấp. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Cần tháo gỡ pháp lý

Dù đánh giá đây là động thái cần được ủng hộ từ cơ quan chức năng nhưng theo nhiều chuyên gia BĐS, nút thắt lớn nhất vẫn là bài toán pháp lý. “Cơ cấu giá thành BĐS còn có một gạch đầu dòng quan trọng là chi phí pháp lý. Thời gian để hoàn thiện thủ tục này quyết định giá thành của sản phẩm. Khi mất một năm để hoàn thiện thủ tục sẽ hoàn toàn khác với việc mất 5-10 năm” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS nói.

Chính vì vậy, ông Việt cho rằng để tạo ra sản phẩm nhà ở có giá 20 triệu đồng/m2 rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để DN tối giản chi phí, tối ưu giá thành và quan trọng nhất vẫn là thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý.

Còn theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Savills Việt Nam, DN không thể xây dựng nhà giá thấp hay căn hộ thương mại bình dân nếu phải mua đất. Chỉ khi Nhà nước giao đất thì mới có thể làm dự án có giá khoảng 20 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, ông Khương cũng nêu quan điểm đối với các chủ đầu tư, thời gian phê duyệt dự án kéo dài sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Giá ban đầu của dự án ở mức khoảng 25-30 triệu đồng/m2 nhưng sau đó vì thời gian làm thủ tục pháp lý khiến chi phí tài chính, chi phí đầu tư phát sinh. Từ đó, giá nhà sẽ bị đẩy lên mức 30-35 triệu đồng/m2.

Ở góc độ khác, ông Lê Hoàng Châu cho rằng không nên đánh đồng mức giá trên cho tất cả tỉnh, thành phố mà nên có cơ chế, chính sách đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thực tiễn của các nhóm đô thị. Ví dụ, đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có thể mức giá trần trên 20 triệu đồng/m2 nhưng không vượt quá 25 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi gì?

Theo HoREA, Bộ Xây dựng đã gợi ý một số giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp để lấy ý kiến đóng góp, xây dựng dự thảo.

Cụ thể, nhà ở thương mại giá thấp là dự án nhà chung cư cao tầng; căn hộ có diện tích không quá 70 m2, giá bán căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư dự án có thể được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án. Trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất thì được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất.

Chủ đầu tư được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao thuê đất, được vay lãi suất ưu đãi với mức lãi suất có thể là 7%-8%/năm. Làm nhà ở dạng này, chủ đầu tư không bị khống chế lợi nhuận nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình nhà ở.

Chủ đầu tư được miễn thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Trường hợp đã thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng. Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực đô thị phải bố trí tỉ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến khoảng 30% tổng diện tích đất dự án. Cơ quan quản lý sẽ có cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rút ngắn thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để sớm triển khai các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/15-nam-de-xuat-nha-thuong-mai-gia-thap-o-tphcm-920016.html