15 ngày đẩy lùi dịch Covid-19 của TP.HCM

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, xem đây là cuộc chiến thật sự, mong người dân ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng các biện pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã công bố quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng toàn thành phố trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/7 tại cuộc họp báo chiều 7/7.

Theo đó, để nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19, TP.HCM xác định cần làm quyết liệt hơn và xem đây là cuộc chiến thật sự. Thành phố sẽ hy sinh lợi ích ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn, nâng cao thêm một mức trong công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong công bố biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn TP

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong công bố biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn TP

"Lúc này mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người là một chiến sĩ trong cuộc chiến 'chống dịch như chống giặc' này” - ông Phong nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng chia sẻ, với những biện pháp được đưa ra trong Chỉ thị 10, tiếp đây áp dụng biện pháp theo Chỉ thị 16, nếu được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, ông tin rằng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.

Người dân cảm thông, đồng hành cùng thành phố

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ: “Những ngày này, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác”.

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi người dân đồng hành cùng thành phố để đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi người dân đồng hành cùng thành phố để đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Ông Phong cũng cho biết, hiện nay, thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn được duy trì ổn định.

“Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn đảm bảo hàng hóa phong phú dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống”, ông Phong nói rõ.

Sau đây, Sở Công Thương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động như tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng.

Đối với 3 chợ đầu mối trên, tiểu thương và thương nhân vẫn tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các chằn vựa, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.

Kích hoạt Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và đúng giá cho người dân.

Ngoài ra, phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi,...

Trên cơ sở đó, người đứng đầu chính quyền thành phố nói rõ: “Đề nghị người dân không cần mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và thành phố.

Phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”. Đồng thời người dân hãy ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh”.

Theo Chủ tịch TP.HCM, đây là khoảng thời gian cần tận dụng triệt để, quyết liệt, nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch. Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện tích cực chuẩn bị các nội dung cụ thể.

Ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng

UBND TP chỉ đạo Sở GTVT tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô, trừ trường hợp vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… và một số phương tiện taxi chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết.

Tạm ngừng hoạt động xe máy vận chuyển hành khách có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ và xe ôm.

Đối với các tỉnh trong khu vực, có sự hối hợp trong việc tổ chức giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt.

Đặc biệt, chủ động làm việc để kiến nghị Bộ GTVT xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi - đến TP.HCM.

Mỗi công sở chỉ đến làm việc 1/3 nhân viên

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch TP.HCM lưu ý, Sở Nội vụ tổ chức cho cán bộ, công chức sử dụng công nghệ thông tin và làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác mới đến làm việc tại công sở.

Chính quyền thành phố yêu cầu mọi người dân ở nhà. Trong hình là người dân xếp hàng tại chốt kiểm soát quận Gò Vấp những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Chính quyền thành phố yêu cầu mọi người dân ở nhà. Trong hình là người dân xếp hàng tại chốt kiểm soát quận Gò Vấp những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Số lượng làm việc tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan quyết định nhưng không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị. Riêng lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo 100% quân số.

Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trường hợp đặc biệt do từng cơ quan, đơn vị quyết định).

Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19

UBND TP lưu ý các nội dung trọng tâm đối với Sở Y tế trong thời gian 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16.

Cụ thể, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước. Đồng thời, thành lập 22 đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương.

Tăng cường năng lực xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao và các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung.

Thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong các nơi này với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất.

Triển khai Kế hoạch điều trị 10.000 -20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế.

Tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác phòng chống dịch. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác phòng chống dịch. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch. Kết nối camera giám sát lắp đặt tại tất cả các khu cách ly tập trung. Hệ thống này được kết nối với hệ thống giám sát tập trung của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR nhằm quản lý thông tin của tất cả người từng đi đến các địa điểm, từ đó hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nhiễm...

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian qua thành phố đã kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính với nhiều giải pháp.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta.

Chiều tối 7/7, thành phố ghi nhận thêm 766 ca Covid-19 sau 24h, trong đó 580 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 186 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Trong đợt dịch thứ 4, thành phố có tổng cộng 8.151 bệnh nhân Covid-19 được Bộ Y tế công bố.

Xem toàn văn chỉ đạo của UBND TP.HCM về thực hiện Chỉ thị 16.

Đức Bảo - Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/15-ngay-day-lui-dich-covid-19-cua-tp-hcm-753886.html