15% người bệnh đái tháo đường bị trầm cảm
Một nghiên cứu của các bác sĩ tại TP.HCM cho thấy có gần 15% bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú bị trầm cảm. Tình trạng này xảy ra nhiều ở nữ giới, dễ gây biến chứng thậm chí tử vong.
Thông tin trên được Thạc sĩ, bác sĩ Châu Hoàng Sinh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM) chia sẻ tại Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ nhất năm 2023 vào sáng 27/10.
Theo bác sĩ Sinh, nghiên cứu được tiến hành trên 330 bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú trong thời gian 3 tháng. Kết quả cho thấy có 14,8% người bệnh trong đó bị trầm cảm (mức độ từ trung bình đến nặng).
Phân tích cụ thể hơn, có 28,4% bệnh nhân đái tháo đường trong nghiên cứu bị trầm cảm nhẹ; 10,6% bị trầm cảm trung bình; 3,6% bị trầm cảm mức độ trung bình nặng; 0,6% trầm cảm nặng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân nữ bị đái tháo đường cao hơn 3 lần so với người bệnh là nam giới. Tỷ lệ trầm cảm tăng cao ở nhóm bệnh nhân ít thử đường huyết, không tập thể dục, không ăn kiêng và thường xuyên quên uống thuốc.
Bác sĩ Sinh cho biết những yếu tố liên quan đến trầm cảm trên bệnh nhân đái tháo đường gồm giới tính, tình trạng hôn nhân, học vấn và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Trầm cảm và đái tháo đường xảy ra đồng thời sẽ làm xấu hơn tình trạng bệnh nền, dẫn đến tăng gánh nặng kinh tế xã hội, giảm tuân thủ điều trị, giảm chức năng và chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong ở người bệnh.
Do đó, cần chú ý phát hiện sớm trầm cảm để chăm sóc và điều trị bệnh nhân đái tháo đường một cách toàn diện. Bác sĩ nhấn mạnh đái tháo đường là một trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu, còn trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ tư gây ra gánh nặng bệnh tật của toàn thế giới.
Theo nhiều nghiên cứu khác trên thế giới, tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường dao động từ 6,1% đến 23%, tỷ lệ thay đổi theo từng quốc gia với điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau.
Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan tâm hàng đầu trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việt Nam tuy không thuộc nhóm 10 nước có tỷ lệ mắc đái tháo đường cao nhưng lại là quốc gia có tốc độ phát triển bệnh nhanh.
Theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành tại nước ta là khoảng 7,3%, tương đương gần 5 triệu người. Tuy nhiên, chỉ một nửa người mắc bệnh được chẩn đoán; một nửa người được chẩn đoán đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/15-nguoi-benh-dai-thao-duong-bi-tram-cam-2207474.html