154 dự án điện mặt trời vẫn phải chờ rà soát

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho rằng, cần có thời gian để rà soát toàn bộ 154 dự án điện mặt trời do Thanh tra Chính phủ chuyển.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mới đây, Bộ Công thương đã cho hay, Bộ đã có buổi làm việc với Cơ quan An ninh điều tra (A09), Bộ Công an về rà soát 154 dự án được Thanh tra Chính phủ chuyển tại Kết luận số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023.

Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra cho rằng, cần có thời gian để rà soát toàn bộ 154 dự án điện mặt trời do Thanh tra Chính phủ chuyển.

Vì thế, hiện tại, Bộ Công thương chưa có cơ sở để tham mưu Chính phủ về hướng xử lý đối với các dự án điện mặt trời này.

Cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-2-3. Ảnh PECC2

Cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-2-3. Ảnh PECC2

Bộ Công thương cũng cho biết, sẽ căn cứ trên báo cáo của Bộ Công an để tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tìm giải pháp đối với các dự án điện mặt trời đã được các địa phương giao nhà đầu tư thực hiện trong thời gian tới và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Bộ Công an để rà soát kỹ 154 dự án điện mặt trời, trong đó có phân loại những dự án vướng mắc về mặt pháp lý, dự án có vướng mắc về pháp lý nhưng có thể khắc phục được những vi phạm, sai phạm theo kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra, phù hợp với 9 tiêu chí thì xem xét, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Cũng trong Thông báo số 396/TB-VPCP, Phó thủ tướng đã đề nghị Bộ Công an rà soát kỹ danh sách 154 dự án điện mặt trời do Thanh tra Chính phủ chuyển, có phân tích, đánh gia, tiêu chi phân loại dự án theo tiêu chí vi phạm: đối với các dự án không có vi phạm pháp luật về hình sự hoặc các dự án có sai phạm nhưng có thể khắc phục được để tiếp tục triển khai, xem xét, nghiên cứu đề xúat xử lý, tránh lãng phí tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2024.

Đáng chú ý là trong số 154 dự án điện mặt trời được nhắc tới này thì có rất nhiều dự án đã đi vào hoạt động và đang phát điện.

Tại Kết luận 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 có nhắc tới việc phê duyệt bổ sung 168 dự án nguồn điện mặt trời, với tổng công suất 14.707 MW vào quy hoạch điện lực các cấp trong giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020.
Trong số này, ngoài 14 dự án (870 MW) phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực của 4 tỉnh trước năm 2016, cập nhật sang giai đoạn 2016-2020 và 08 dự án (122 MW) đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát điện điện lực của 5 tỉnh, số còn lại là 92 dự án (3.194 MW) phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư.
Trong đó 15/23 tỉnh không có quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2030 của 63 tỉnh thành phố được lập, phê duyệt theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kết luận, Bộ Công thương phê duyệt 92 dự án này là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch (không có quy hoạch), vi phạm khoản 1 Điều 4 Quyết định 11/2017/QĐ-TTg.
Tiếp đó, tổng công suất điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh là 850. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư trong khi không lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến 2020 theo yêu cầu của Quyết định 11/2017/QĐ-TTg.
Vì vậy, việc phê duyệt 54 dự án này được Thanh tra Chính phủ kết luận là không có căn cứ về quy hoạch, vi phạm khoảng 1 Điều 4 Quyết định 11/2017/QĐ-TTg.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không quá 50 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh hay trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời trên 50 MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh mà không lập quy hoạch điều chỉnh, không lập quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 11/2017/QĐ-TTg là không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không bảo đảm minh bạch, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.
Với thực tế này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật với việc Bộ Công thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch (không bao gồm 14 dự án với công suất 870 MW được phê duyệt trước năm 2016 và có cập nhật sang giai đoạn 2016-2020).
Đáng chú ý là phê duyệt 123 dự án với tổng công suất 8.496 MW là nguyên nhân chính dẫn tới mất cân đối giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguông điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực… thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trong trong quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/154-du-an-dien-mat-troi-van-phai-cho-ra-soat-d225640.html