16 năm không thể triển khai, có nên giữ quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ vì sao có quy định rồi mà 16 năm qua vẫn không lập được Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ vì sao có quy định rồi mà 16 năm qua vẫn không lập được Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 2, (tháng 10/2021), các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Báo cáo một số vấn đề dự kiến tiếp thu, chỉnh lý, liên quan đến quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ này.

Vì, Quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước hoặc không còn phù hợp. Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ…

Dự thảo Luật và các nội dung giải trình về thành lập Quỹ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập nêu trên, do vậy, đề nghị bỏ quy định bổ sung chính sách khuyến khích hoạt động thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định tại dự thảo Luật, ông Vinh nói.

Nhưng do cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, nên Thường trực Ủy ban thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 phương án bỏ hoặc giữ quỹ này.

Báo cáo thêm, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nên giữ Quỹ, vì điện ảnh là một ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư.

Bộ trưởng cũng cho rằng, không nên quá băn khoăn là nhiệm vụ chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, vì nhiệm vụ này chỉ quy định chính sách của Nhà nước đối với việc hỗ trợ làm phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, bao gồm một một số đề tài như phim thiếu nhi, phim về lịch sử, phim về đồng bào miền núi.

Trong khi đó, mục đích Quỹ là bổ sung sự hỗ trợ đến đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước.

Vẫn theo Bộ trưởng, cũng không nên dựa vào là 16 năm qua chưa làm được thì nay cắt đi, vì quy định trước đây chưa đầy đủ, nay sẽ thiết kế để thực hiện được. Quy định này cũng không tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, ông Hùng khẳng định.

Trong khi đó, nhiều nhà phát hành, phổ biến phim nước ngoài thu lợi lớn từ thị trường Việt Nam, tuy nhiên, không đóng góp trực tiếp cho nền điện ảnh nước nhà. Nhiều nguồn lợi gia tăng trong công nghiệp điện ảnh như quảng cáo, sản xuất sản phẩm mang chủ đề của phim, nhượng quyền thương hiệu của phim… cũng thu lợi lớn từ công chúng yêu điện ảnh, song không có một hình thức nào đầu tư lại trực tiếp cho ngành điện ảnh, Bộ trưởng nêu tiếp lý do.

Nhưng, lập luận trên chưa đủ thuyết phục. Từ năm 2006 đến nay mà chưa lập được Quỹ thì ra Quốc hội chắc khó được ủng hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, 16 năm không triển khai được thì không nên quy định tiếp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh là ngân sách không cấp kinh phí cho các quỹ ngoài ngân sách, nên cần bỏ quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Cho biết là khi xem phim nước ngoài thì một số bộ phim ngay từ đầu tiên đã nói rõ là bộ phim này được tài trợ bằng Quỹ Phát triển điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nên rà soát lại xem kinh nghiệm thế giới làm thế nào, và ở Việt Nam vì sao có quy định rồi mà không làm được thì Quốc hội mới có cơ sở để quyết định.

Đừng có lập Quỹ cho bằng được, rót một ít tiền từ ngân sách vào rồi cứ để đấy, chỉ gửi ngân hàng để lấy tiền nuôi bộ máy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án luật sẽ được tiếp tục cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng này, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/16-nam-khong-the-trien-khai-co-nen-giu-quy-dinh-quy-ho-tro-phat-trien-dien-anh-d162578.html