16 năm lăn lộn ở thị trường quốc tế, người làm sách rút ra bài học gì?
Trên hành trình xuất khẩu sách Việt tới các thị trường khác nhau, dịch giả Nguyễn Lệ Chi nhận ra rằng các đơn vị làm sách gặp phải rào cản ngôn ngữ.
Theo bà Nguyễn Lệ Chi (dịch giả và người sáng lập Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks), hành trình 16 năm đưa sách Việt Nam ra trường quốc tế đã để lại cho bà nhiều kinh nghiệm quý báu. Những bài học này không chỉ phản ánh những cơ hội người làm sách Việt có thể khai thác, mà còn là những thách thức phải đối mặt.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ
Trong quá trình giới thiệu sách Việt tại các hội sách quốc tế, dịch giả Nguyễn Lệ Chi nhận thấy rằng văn học Việt Nam rất được quan tâm nhưng lại thiếu hụt thông tin. Các đơn vị xuất bản nước ngoài gặp khó khăn trong việc tiếp cận do thiếu bản dịch sang các ngôn ngữ thông dụng như Anh, Pháp, Trung…
Việc giới thiệu catalogue sách, tóm tắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm bằng các ngôn ngữ này là rất cần thiết. Tuy nhiên, các đơn vị cũng cần phải có bản thảo đã dịch để những đối tác xuất bản nước ngoài có thể đọc và đánh giá trước khi quyết định mua bản quyền.
Một trong những thách thức lớn khác là chi phí dịch thuật và chất lượng dịch thuật. Để dịch một tác phẩm văn học sang ngôn ngữ khác không chỉ đòi hỏi một khoản chi phí lớn, mà quan trọng hơn là phải tìm được dịch giả bản xứ giỏi tiếng Việt và hiểu biết sâu sắc về văn hóa, tâm lý và lối sống của người Việt.
Bà Nguyễn Lệ Chi nhấn mạnh rằng dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt sẽ “dịch xuôi” sang tiếng mẹ đẻ của họ một cách nhuần nhuyễn và dễ thấm hơn so với dịch giả Việt “dịch ngược”.
Việc dịch không chính xác hoặc không phù hợp có thể làm mất đi vẻ đẹp và sức sống của câu văn, thậm chí dẫn đến hiểu lầm.
“Nhiều khi cách diễn giải mà dịch giả Việt khi 'dịch ngược' cứ nghĩ rằng đúng nhưng người nước họ lại không thường sử dụng như vậy. Có thể dịch không hề sai, nhưng đã làm câu văn bị lụi tàn đi sức sống, vẻ đẹp của câu từ cũng bị mất đi ánh sáng. Thậm chí có thể dẫn tới khiến độc giả nước họ hiểu lầm. Như vậy việc lựa chọn dịch giả rất quan trọng và cũng là một thách thức lớn”, bà Nguyễn Lệ Chi cho biết.
Nhận thức rõ những thách thức này, bà Nguyễn Lệ Chi đã tập trung vào việc đầu tư dịch thuật từng tủ sách và sử dụng dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt và chuyên gia trong lĩnh vực đó. Một ví dụ điển hình là hai tác phẩm văn hóa Việt đã thành công bán sang thị trường Trung Quốc: Vắt qua những ngàn mây của Đỗ Quang Tuấn Hoàng và Người Hà Nội chuyện ăn chuyện uống một thời của Vũ Thế Long.
Đại diện Chibooks đã mời chuyên gia Trung Quốc dịch toàn bộ sách sang tiếng Trung trước khi chào hàng, đảm bảo chất lượng dịch thuật và tăng cơ hội bán bản quyền.
Sách Việt vẫn còn vắng bóng trên sân chơi quốc tế
“Chỉ cần có bản dịch ra các ngôn ngữ, tất cả đều có thể chào hàng vào bất kỳ nước nào trong khu vực. Sách Việt vẫn còn trống trên sân chơi quốc tế nên bạn chào vào thị trường nào cũng có tiềm năng cả”, bà Nguyễn Lệ Chi nhận định về tiềm năng của sách Việt.
Trước đó, trao đổi với ZNews, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng văn học Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đi ra trường quốc tế. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm về hậu chiến đã được dịch của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh. Nhà phê bình đặc biệt đánh giá cao tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh và dấu ấn của nó để lại cho những người yêu văn chương từ nhiều nơi trên thế giới.
Dẫu các đánh giá từ phía chuyên môn đều theo hướng tích cực, tuy nhiên bà Nguyễn Lệ Chi cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng sách Việt vẫn còn một chặng đường dài để vươn ra biển lớn. Những ấn phẩm Việt Nam ở thị trường quốc tế vẫn rất ít ỏi, điều này tạo nên khoảng trống lớn trên sân chơi quốc tế. Số đầu sách Việt bán được bản quyền ra các nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay, được dịch ra đủ các thứ tiếng như Anh, Pháp, Hàn, Thái… Mỗi ngôn ngữ có khoảng được 1-2 đầu sách.
Từ thực trạng trên, có thể thấy việc tham gia vào các liên minh hợp tác, hội chợ sách, những sự kiện trao đổi bản quyền là điều quan trọng. Việc trở thành một phần của liên minh hợp tác giúp các nhà xuất bản xây dựng mạng lưới kết nối mạnh mẽ với các đối tác trong và ngoài nước.
Thông qua các liên minh, tổ chức các nhà xuất bản có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Liên minh cũng tạo ra cơ hội hợp tác để phát triển các dự án xuất bản chung, giúp các nhà xuất bản tối ưu hóa nguồn lực và đạt được hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, trong khu vực Đông Nam Á đã có Liên minh sách thiếu nhi Asean.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc tham gia vào các liên minh hợp tác, hội chợ sách và sự kiện trao đổi bản quyền trở nên càng quan trọng hơn. Nó giúp các nhà xuất bản nắm bắt kịp thời các xu hướng mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và học hỏi từ những mô hình kinh doanh thành công trên thế giới. Điều này không chỉ giúp ngành xuất bản phát triển bền vững mà còn góp phần nâng cao vị thế của văn hóa đọc trong xã hội.