16 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tại tỉnh Quảng Trị
Chiều nay 6/11, Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 (gọi tắt là ngày hội) tổ chức cuộc họp nhằm rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị và thông qua các nội dung liên quan đến việc tổ chức ngày hội. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Trưởng Ban chỉ đạo ngày hội Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức ngày hội Hoàng Nam chủ trì cuộc họp.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng, tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76- KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị. Chủ đề ngày hội với thông điệp: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới vì hòa bình”.
Dự kiến ngày hội được tổ chức từ ngày 14 - 17/12/2024 tại tỉnh Quảng Trị. Có 16 tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động quan trọng trong ngày hội như: liên hoan văn nghệ quần chúng trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng, kỹ năng chào đón khách, kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến du lịch cộng đồng; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc. Lễ khai mạc ngày hội sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 14/12; bố cục chương trình gồm: phần lễ với thời lượng khoảng 40 phút; chương trình nghệ thuật với thời lượng khoảng 45 phút, gồm 3 phần: Quảng Trị anh hùng nối vòng tay bè bạn; Sắc màu hòa bình; Rạng rỡ Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Trị vinh dự được đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 với rất nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa đặc sắc.
Để chuẩn bị triển khai công tác tổ chức ngày hội, trên cơ sở Kế hoạch số 2355/KH - BVHTTDL ngày 4/6/2024 và các văn bản hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm, công việc cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan; cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các tỉnh, thành phố tham dự ngày hội.
Chỉ đạo Sở VH,TT&DL và các cơ quan liên quan ở địa phương chuẩn bị các điều kiện tổ chức ngày hội; xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động; thiết kế các không gian tổ chức ngày hội; chỉnh trang, bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để các sự kiện, hoạt động của ngày hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của tỉnh Quảng Trị.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức ngày hội của Vụ Văn hóa Dân tộc và Sở VH,TT&DL Quảng Trị; tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận tại cuộc họp để có sự điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các nội dung, kịch bản chương trình tổ chức ngày hội.
Về cơ bản, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL thống nhất các nội dung chuẩn bị mà Vụ Văn hóa Dân tộc và Sở VH,TT&DL Quảng Trị báo cáo, tuy nhiên, cần có một số sự thay đổi, điều chỉnh như: yêu cầu các tỉnh, thành tham gia ngày hội có mặt tại tỉnh Quảng Trị nhằm hoàn thành mọi công việc cần thiết để tham gia tổng duyệt vào tối 13/12, đồng thời thực hiện tốt các yêu cầu của ban chỉ đạo, ban tổ chức đưa ra. Đề nghị bổ sung thêm vào ngày hội hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 vào sáng 14/12; quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền...
Về các sự kiện, hoạt động của ngày hội cần điều chỉnh về mặt thời gian, bố trí lịch hợp lý, thống nhất cao để có thể tổ chức bế mạc ngày hội vào chiều 16/12.
Điểm nhấn quan trọng của chương trình là tổ chức lễ khai mạc ngày hội, vì thế, đề nghị các thành viên ban chỉ đạo, ban tổ chức và tỉnh Quảng Trị nghiên cứu lại tên gọi, một số nội dung trong chương trình nghệ thuật để chương trình diễn ra ấn tượng, lan tỏa được thông điệp của ngày hội.