17 dấu hiệu sớm giúp nhận biết trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý
Cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể phát hiện sớm việc trẻ có mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thông qua một số dấu hiệu.
Theo Medical Daily, một nghiên cứu mới đã tiết lộ những dấu hiệu sớm khi mang thai và khi sinh có thể dự đoán sự phát triển của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
Các chuyên gia từ Đại học Khoa học Y tế và Sức khỏe RCSI của Ireland đã xác định 17 yếu tố quan trọng trong việc xem xét trẻ có khả năng mắc ADHD cao hơn so với những trẻ khác.
ADHD là gì?
ADHD là rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở thời thơ ấu, đặc trưng bởi hành vi bốc đồng, khó chú ý và hiếu động thái quá. Tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Ở Mỹ, 11% trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 17 được chẩn đoán mắc ADHD. Trong khi đó, 7,2% trẻ em trên toàn thế giới sống chung với căn bệnh này.
Ba dạng ADHD ở trẻ
Dựa trên các triệu chứng, giới chuyên môn chia chứng rối loạn tăng động giảm chú thành thành 3 dạng. Căn cứ vào các dấu hiệu, cha mẹ cũng có thể nhận biết con mình mắc ADHD không và mắc dạng nào.
ADHD dạng không chú ý
Theo công cụ chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, một đứa trẻ có ít nhất 6 trong số 9 hành vi sau đây chứng tỏ trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý:
Khó chú ý đến chi tiết hoặc mắc lỗi bất cẩn
Khó tập trung vào các nhiệm vụ và hoạt động
Chỉ có thể chú ý trong thời gian ngắn và dễ bị phân tâm
Gặp khó khăn khi làm theo hướng dẫn
Gặp khó khăn với việc tổ chức các nhiệm vụ và hoạt động
Trốn tránh các nhiệm vụ tẻ nhạt hoặc tốn thời gian
Mất đồ thường xuyên
Dễ bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài
Hay quên trong các hoạt động hàng ngày
ADHD dạng hiếu động/bốc đồng
Khi một đứa trẻ có 6 trong số 9 triệu chứng dưới đây và những triệu chứng đó gây ra các vấn đề trong hoạt động hàng ngày, chúng được chẩn đoán mắc chứng tăng động giảm chú ý.
Thường xuyên bồn chồn, gõ nhịp tay hoặc chân hoặc vặn vẹo
Khó ngồi yên khi phải ngồi yên
Chạy hoặc leo trèo ở thời điểm không thích hợp
Gặp khó khăn khi chơi trong môi trường yên tĩnh
Vận động cơ thể quá mức
Nói quá nhiều
Nói ra câu trả lời trước khi hoàn thành câu hỏi
Gặp khó khăn khi phải chờ đến lượt
Làm gián đoạn cuộc trò chuyện hoặc trò chơi
Dạng ADHD kết hợp
Trẻ em thể hiện các hành vi từ cả hai loại thiếu tập trung và hiếu động/bốc đồng được chẩn đoán mắc chứng ADHD kết hợp.
Ảnh hưởng từ di truyền lên nguy cơ mắc ADHD
Giới khoa học chưa thể xác định chính xác nguyên nhân và các yếu tố rủi ro của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển tình trạng này.
Các yếu tố khác có thể gây ra ADHD:
Chấn thương não
Sinh non
Cân nặng khi sinh thấp
Phơi nhiễm trước khi sinh với rượu hoặc nicotin
Tiếp xúc với chất độc môi trường như chì khi ở trong bụng mẹ và thời thơ ấu
Trong một thông cáo báo chí, tiến sĩ Niamh Dooley, từ Khoa Tâm thần RCSI, đồng tác giả nghiên cứu, cho hay giới khoa học biết rằng một số sự kiện nhất định trong thời gian trẻ còn trong bụng mẹ có thể để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe sau này.
"Tuy nhiên, không nhiều nghiên cứu cố gắng định lượng mức độ hữu ích của thông tin trước khi sinh trong việc dự đoán các triệu chứng ADHD ở trẻ em. Chúng tôi tập trung vào thông tin sẵn có về mang thai và sinh nở, loại sẽ có trong hồ sơ tiền sản", tiến sĩ Dooley nói.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu từ khoảng 10.000 trẻ em ở Mỹ dựa trên 40 yếu tố được biết vào thời điểm sinh ra như giới tính của đứa trẻ, tuổi của cha mẹ, các biến chứng khi mang thai hoặc khi sinh, sự tiếp xúc của em bé với các yếu tố như khói thuốc lá.
Trong số tất cả yếu tố có sẵn vào thời điểm sinh ra, 17 yếu tố được cho là có ý nghĩa rất lớn trong việc dự đoán số lượng các triệu chứng ADHD ở thời thơ ấu. Những phát hiện của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Development and Psychopathology.
"Các yếu tố nổi bật trong nghiên cứu rất hữu ích trong việc dự đoán các triệu chứng ADHD ở thời thơ ấu bao gồm trẻ là bé trai, việc tiếp xúc với các yếu tố khi còn trong bụng mẹ như khói thuốc lá, chất kích thích, người mẹ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc thiếu sắt”, các nhà nghiên cứu lưu ý.
Mặc dù nghiên cứu không thể dự đoán ADHD khi chỉ dựa trên thông tin về thời kỳ mang thai của mẹ, phát hiện này rất hữu ích trong việc xác định những đứa trẻ nào cần hỗ trợ nhất, đặc biệt khi kết hợp với các yếu tố khác như di truyền hoặc tiền sử gia đình và môi trường sống đầu đời.