17 năm lan tỏa các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả
Kể từ khi Luật Thi đua, khen thưởng được ban hành từ ngày 1/7/2004 đến nay, công tác thi đua, khen thưởng trên cả nước ngày càng chuyển biến tích cực, các phong trào ngày càng thiết thực và hiệu quả.
Được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2004, Luật Thi đua, khen thưởng đã thi hành được 17 năm với hai lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và 2013.
Bên cạnh những kết quả như phát triển sâu, rộng các phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động, sản xuất, công tác, Luật đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra, “khen thưởng theo kiểu gối đầu,” “tích lũy thành tích để khen,” hay “nhường nhịn nhau trong các thi đua, khen thưởng...”
Chùm bài “17 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng” do phóng viên TTXVN thực hiện đánh giá phần nào những ưu, nhược điểm trong quá trình thực hiện luật, cùng những đòi hỏi sửa đổi cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Bài 1: Lan tỏa các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả
Kể từ khi Luật Thi đua, khen thưởng được ban hành đến nay, có thể thấy, công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện.
Bộ Chính trị đã thông qua Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng,” là những quan điểm chỉ đạo, định hướng quan trọng để các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2005 và năm 2013), tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện để quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Lan tỏa phong trào thi đua
Nhìn lại 4 phong trào thi đua yêu nước trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều năm qua trong phạm vi cả nước gồm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020,” “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển,” “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau,” “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở,” có thể thấy, không khí thi đua đã được lan tỏa rộng khắp các lĩnh vực, các vùng miền, cơ quan, đơn vị.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” đã trở thành phong trào quần chúng, thu hút và huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp sức người, sức của, hiến đất làm đường..., góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới.
Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương.
Nhiều vùng nông thôn đã khoác lên mình diện mạo mới, xanh, sạch, đẹp và văn minh. Những mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu ở xã Hương Trà (Hương Khê, Hà Tĩnh), nông thôn mới gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), hay mô hình nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu)... đã đưa các địa phương này trở thành vùng quê trù phú, an lành, “miền quê đáng sống.”
Thành quả nổi bật
Đánh giá tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020, diễn ra vào tháng 8/2019, ông Vương Đình Huệ khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho rằng, 14 tỉnh vùng lõi nghèo của cả nước đã vượt khó và rất thành công trong xây dựng nông thôn mới, nhờ có nhiều mô hình mới, cách làm hay, chỉ đạo rất quyết liệt, sáng tạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò chủ thể người dân.
Một trong những điểm nổi bật sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc là nhận thức về xây dựng nông thôn mới của người dân ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của các địa phương.
Từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tác động tích cực, góp phần hoàn thành về đích sớm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.
Đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã (chiếm 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019. Chín tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Đặc biệt, 127/664 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 19,1%); 2 tỉnh đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (Nam Định, Đồng Nai).
Theo số liệu cập nhật của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn quốc là 5.298 xã và số huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 193.
Thời gian qua, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng đã nhận được sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, cá nhân và triển khai hiệu quả.
Những chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo như khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; miễn, giảm học phí, trao học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở, vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, dân sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa... được triển khai rộng khắp các vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động vận động cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội; tổ chức thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt..., góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện, nâng cao vật chất và tinh thần cho người nghèo trong cả nước.
Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 14/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” và ngày 10/9/2021 đã ban hành Kế hoạch số 1497-TTg để triển khai thực hiện.
Đổi mới để phong trào thiết thực, hiệu quả
Các phong trào thi đua đã được Mặt trận tổ quốc, các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức nên đã thiết thực và có hiệu quả hơn.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng.
Các phong trào thi đua được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương và của đất nước.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét./.