Thiết thực 'thắng' được định kiến giới thì mới có bình đẳng giới

Thực tế đã và đang cho thấy, dù sau 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhưng còn đó những rào cản về định kiến giới chưa thể 'thắng' khi những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật và việc thi hành chính sách về công tác bình đẳng giới vẫn còn…

Chị Vàng Thị Cầu và Vừ Thị Hà với Dự án Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đạt Giải Khuyến khích Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. (Nguồn: PNVN)

Chị Vàng Thị Cầu và Vừ Thị Hà với Dự án Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đạt Giải Khuyến khích Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. (Nguồn: PNVN)

Việt Nam có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện để thúc đẩy bình đẳng giới

Ngày 5/11 vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện để thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, Nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Sau 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

“Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, tăng 11 bậc so với năm 2022 và đứng vị trí thứ 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 30,26%, tăng 3,58% so với nhiệm kỳ 2016 - 2021. Những con số được ghi nhận là động lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết thêm, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội; bộ máy làm công tác bình đẳng giới còn thiếu; vẫn còn những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật và việc thi hành chính sách về công tác bình đẳng giới… Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại các khoảng cách giới, đòi hỏi các giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm cơ hội tham gia, đóng góp và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hành động thiết thực để “thắng” định kiến giới

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Muốn đạt được mục tiêu này thì ngoài việc nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thì việc bắt tay vào bằng hành động cụ thể ở các Bộ, ngành, địa phương để giúp bình đẳng giới “thắng” được định kiến giới rất quan trọng.

Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Chứng kiến khóa tập huấn về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ do Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, tỉnh có dân số hơn 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Thời gian qua, tỉnh chú trọng thực hiện công tác bình đẳng giới; Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 29%. Tỷ lệ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 27%. Trên 90% phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ y tế. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng công chức, viên chức nữ được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, theo ông H’Yim Kđoh, công tác bình đẳng giới của tỉnh còn những tồn tại, hạn chế như: trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của phụ nữ còn hạn chế so với nam giới; nhiều phụ nữ thiếu việc làm, thu nhập thấp; một số phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa phấn đấu tự vươn lên… “Do đó, Đắk Lắk kỳ vọng, Hội nghị tập huấn sẽ giúp các cán bộ có thêm cơ hội học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ”, theo ông H’Yim Kđoh.

Như đã nói, để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, thì việc bắt tay vào bằng hành động cụ thể rất quan trọng. Ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Hợp tác xã Lanh Trắng đã và đang làm được điều như thế. Định kiến xưa quan niệm, phụ nữ Mông có công việc chính là việc nhà. Hiếm có người nào có công việc có thể kiếm ra tiền để có thể tự mua cho mình, cho con cái quần cái áo hay thỏi son làm đẹp. Không ít người đã bị chồng đánh khi cần tiền để chi phí cho vệ sinh phụ nữ cá nhân. Cuộc sống bế tắc, bị bạo lực đã khiến phụ nữ Mông bỏ nhà đi sang biên giới tìm việc và rơi vào các đường dây mua bán người.

Thực tế này khiến cho chị Vàng Thị Cầu - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn, cũng là một người phụ nữ Mông trăn trở. “Phụ nữ có việc làm, có thu nhập là có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương”, chị nung nấu suy nghĩ tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ Mông ở Sà Phìn. Từ khi còn nhỏ, chị Cầu đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy trắng, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Nhưng nghề dệt lanh truyền thống ở đây đã bị mai một, rất ít người còn biết nghề. Có sẵn kiến thức nghề dệt lanh truyền thống, chị Vàng Thị Cầu quyết định dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện. Và tiếp theo đó là ngày 23/11/2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A (tên tiền thân của HTX Lanh Trắng) được khai trương và tháng 3/2018 mẻ hàng đầu tiên đã được bán ra thị trường. Hiện nay, HTX Lanh Trắng đã làm ra được 47 loại sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Sản phẩm làm ra được bày bán ngay tại chỗ phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Không dừng lại ở đó, hiện nay sản phẩm của HTX đã bắt đầu xuất đi nhiều quốc gia khác.

Tháng 10/2024, tại Lễ trao giải chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” ngày 12/10/2024 vừa qua, trong số 24 ứng viên được trao giải Khuyến khích có chị Vừ Thị Hà với Dự án Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trước đó, năm 2018, khi lần đầu tiên Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức ở cấp quốc gia, trong số 137 đề án khởi nghiệp gửi về từ các tỉnh, thành trên cả nước, TƯ Hội LHPNVN đã lựa chọn 20 đề án xuất sắc vào vòng chung kết, trong đó có Đề án “Phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên” của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Chị Vàng Thị Cầu vui vẻ cho phóng viên biết, HTX đang phát triển ổn định, thu nhập trung bình của các thành viên là từ 9 - 10 triệu/tháng. Và từ đó định kiến giới, bất bình đẳng giới đã bị đẩy lùi khi chính các thành viên chủ chốt của HTX như giám đốc, các tổ trưởng đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, thế nên hơn ai hết họ đều hiểu giá trị của việc phụ nữ có công ăn việc làm, có thu nhập. Và họ đang ngày đêm nỗ lực không quản công sức vì điều đó…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thiet-thuc-thang-duoc-dinh-kien-gioi-thi-moi-co-binh-dang-gioi-post531478.html