175 quốc gia đối thoại về ô nhiễm nhựa: Hướng tới một thỏa thuận lịch sử
Theo AFP, các quốc gia vật lộn với nhiệm vụ chấm dứt ô nhiễm nhựa đã bắt đầu một vòng đàm phán mới tại Paris từ ngày 29/5.
Đại diện của 175 quốc gia với những tham vọng khác nhau đã nhóm họp tại trụ sở của UNESCO tại Paris với mục tiêu đạt được nhận thức chung để hướng đến một thỏa thuận lịch sử về toàn bộ vòng đời của nhựa vào năm tới.
Khi tiến trình đàm phán bắt đầu, người lãnh đạo tiến trình đàm phán, ông Gustavo Meza-Cuadra Velazquez đại diện cho Peru, cho biết thách thức là "rất lớn, như tất cả chúng ta đều biết ở đây, nhưng không phải là không thể vượt qua".
Ông nói: "Cả thế giới đang hướng về chúng ta".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi các quốc gia đối thoại chấm dứt mô hình sản xuất nhựa "toàn cầu hóa và không bền vững", theo đó các nước giàu đang xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo hơn.
Ông Macron cho biết trong một thông điệp video: "Ô nhiễm nhựa là một quả bom hẹn giờ và đồng thời cũng là một tai họa ngày nay", đồng thời nói thêm rằng các vật liệu sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu cũng như có hại cho đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Nguy cơ cấp thiết loại bỏ nhựa
Tổng thống Pháp cũng nhận định ưu tiên của các cuộc đàm phán trước tiên nên là giảm sản xuất nhựa và cấm "càng sớm càng tốt" các sản phẩm gây ô nhiễm nhất như nhựa sử dụng một lần.
Rủi ro về ô nhiễm nhựa đang rất cao, do sản lượng nhựa hàng năm đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Sản lượng nhựa đã vượt mức 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp ba lần trong vòng bốn thập kỷ tới.
Hai phần ba sản lượng nhựa này bị loại bỏ sau khi một hoặc một vài lần sử dụng và trở thành rác thải khó phân hủy. Chưa tới 10% số rác này được tái chế, trong khi hơn 1/5 bị đổ hoặc đốt trái phép.
Các nhóm môi trường cũng kêu gọi nhanh chóng đạt được thỏa thuận về ô nhiễm nhựa. Vào ngày thứ 2, họ đã tập trung bên ngoài trung tâm tổ chức cuộc họp và hô vang: "Chúng ta muốn gì? Hiệp ước nhựa toàn cầu! Khi nào chúng ta muốn? Ngay bây giờ".
Trong tự nhiên, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong băng gần Bắc Cực và trong cá sống ở những nơi sâu nhất của đại dương.
Trong cơ thể con người, các mảnh nhựa siêu nhỏ cũng đã được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai.
Theo tổ chức OECD, nhựa cũng góp phần làm Trái Đất nóng lên, hiện chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019.
Tiến trình đối thoại tháo gỡ bất đồng
Vào tháng 2 năm 2022, các quốc gia đã đồng ý về mặt nguyên tắc rằng cần phải có một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý của Liên Hợp Quốc để chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới. Các nước tham gia cũng đặt ra thời hạn đầy tham vọng là năm 2024 phải đạt được thỏa thuận.
Các chính sách được đưa ra thảo luận trong tiến trình đối thoại hiện nay là lệnh cấm toàn cầu đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần và hạn chế sản xuất nhựa mới.
Các đại biểu ở Paris phải thu hẹp những nội dung nào sẽ được đưa vào văn bản dự thảo hiệp ước cuối cùng. Và hiện nhiều nhóm môi trường lo ngại hiệp ước này có thể không đề cập đến mục tiêu giảm sản xuất nhựa nói chung.
Giảm sản xuất và sử dụng nhựa là một phần trong kế hoạch của Liên minh tham vọng lớn với khoảng 50 quốc gia do Rwanda và Na Uy đứng đầu. Liên minh này cũng có sự tham gia của Liên minh châu Âu EU, Canada, Chile và Nhật Bản.
Tuy nhiên, một số quốc gia không muốn cắt giảm sản xuất nhựa hoàn toàn. Họ cho rằng tái chế và cải thiện quản lý chất thải là phù hợp với tình hình hiện tại. Các nước này là Mỹ, Saudi Arabia, Trung Quốc và nhiều nước khác thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, tất cả đều có ngành công nghiệp hóa dầu lớn.
Người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, bà Inger Andersen, phát biểu với các đại biểu rằng văn hóa vứt bỏ đồ nhựa đang "gây ra vô số ô nhiễm, bóp nghẹt hệ sinh thái của chúng ta, làm khí hậu nóng lên, gây hại cho sức khỏe của chúng ta và những người dễ bị tổn thương nhất chính là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất".
Cuộc họp ở Paris hiện tại dự kiến kéo dài đến ngày 2/6 và là phiên họp thứ hai trong số năm phiên họp của tiến trình đối thoại.
Một cuộc họp nữa sẽ được tổ chức trong năm nay và hai cuộc họp vào năm 2024 trước khi hiệp ước được thông qua vào giữa năm 2025, ông Jyoti Mathur-Filipp, Thư ký điều hành của ủy ban đàm phán cho biết. Ông cũng nói thêm rằng đây sẽ là một "cuộc chạy nước rút".