18 tháng đủ để trường đại học cải tiến chất lượng cần thiết

Dự thảo Thông tư mới đề xuất thêm mức 'Đạt có điều kiện' (cần cải tiến chất lượng tối đa trong vòng 18 tháng) là một tiếp cận theo hướng mở cho các CTĐT.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT về kiểm định chương trình đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm - gọi tắt là Thông tư 04) để lấy ý kiến.

Dự thảo Thông tư mới đã đề xuất một số thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá và quản lý chất lượng giáo dục đại học; bao gồm bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Dự thảo hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục đại học.

"Mức đạt có điều kiện" là điểm mới hợp lý trong dự thảo

Một trong những điểm mới của dự thảo là việc điều chỉnh số lượng tiêu chí và tiêu chuẩn kiểm định. Theo đó, so với Thông tư 04, dự thảo giảm từ 11 tiêu chuẩn xuống còn 8 tiêu chuẩn, đồng thời tăng số lượng tiêu chí từ 50 lên 52 tiêu chí.

Bên cạnh đó, dự thảo còn đề cập tới một điểm mới là thêm mức “Đạt có điều kiện”. Theo quy định này, cơ sở giáo dục đại học sẽ có 18 tháng để thực hiện các cải tiến cần thiết nếu chương trình đào tạo chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để được công nhận “Đạt”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Sơn Toại - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết:

Công tác kiểm định chất lượng có mục đích đánh giá mức độ đạt được của việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng có thể hiểu là thang đo cho việc đánh giá chương trình đào tạo. Theo đó, bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên cơ sở các mô hình, phương pháp luận và thực tiễn của việc đánh giá chất lượng chương trình đào tạo. Những thay đổi về số lượng các tiêu chuẩn và tiêu chí phải phù hợp, phản ánh đúng với cách tiếp cận trong công tác đánh giá thực tế.

 Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: website nhà trường.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: website nhà trường.

Đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường quan tâm đến mục tiêu của việc kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà cơ sở đào tạo hướng đến. Do đó, việc thay đổi số lượng các tiêu chuẩn và tiêu chí (từ 11 tiêu chuẩn xuống còn 8 tiêu chuẩn, cũng như tăng số lượng tiêu chí từ 50 lên 52 tiêu chí) không làm ảnh hưởng đến những thuận lợi hay khó khăn trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường.

Đáng chú ý, việc đề xuất thêm mức “đạt có điều kiện” và cải tiến chất lượng tối đa trong vòng 18 tháng là một điểm mới trong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ban hành, Tiến sĩ Đàm Sơn Toại cho rằng đây là cách làm phù hợp và cần thiết hiện nay.

Trên thực tế, chúng ta đang tiệm cận với cách làm của các tổ chức kiểm định quốc tế, ví dụ như bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức FIBAA. Việc đánh giá “đạt có điều kiện” cần phải chỉ ra điều kiện đó là gì, cần phải làm như thế nào để được công nhận là “đạt”, nhằm giúp các cơ sở giáo dục tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng hoặc khắc phục những điểm còn tồn tại trong quá trình vận hành chương trình đào tạo.

Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đồng ý với những tiêu chí điều kiện bắt buộc trong dự thảo Thông tư mới, khi chỉ cần chương trình đào tạo không đáp ứng được 5/10 các tiêu chí điều kiện bắt buộc thì sẽ không được đánh giá đạt tiêu chuẩn.

“Trong các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, chúng ta đều biết rằng có những tiêu chuẩn, tiêu chí có tính quyết định trong việc phản ánh chất lượng của chương trình đào tạo. Vì vậy, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí này thì chương trình đó không đạt chuẩn chất lượng.

Nhà trường đã từng kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn quốc tế có cách tiếp cận như vậy. Vì vậy, khi dự thảo Thông tư lần này chính thức hóa điều đó, tôi cho rằng đó là một bước cải tiến chất lượng của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục”, Tiến sĩ Đàm Sơn Toại chia sẻ.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp cơ sở giáo dục, cấp chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo tiêu chuẩn quốc tế như tổ chức FIBAA (Thụy Sỹ), ACBSP (Hoa Kỳ), CPA (Úc).

Việc đa dạng hóa bộ tiêu chuẩn kiểm định và các tổ chức kiểm định trong, ngoài nước giúp nhà trường tiếp nhận được những khuyến nghị đa dạng hơn, có khả năng tiệm cận được với nền giáo dục phát triển trên thế giới. Từ đó, kết quả nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Với những thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở trường đại học kỳ vọng vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục được cải tiến, tích lũy thêm lợi ích cho các cơ sở giáo dục, cho người học và cho xã hội.

18 tháng có đủ để thực hiện những cải tiến cần thiết?

Theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, việc dự thảo đề xuất thêm mức “Đạt có điều kiện” (cần cải tiến chất lượng tối đa trong vòng 18 tháng) thì việc các sở giáo dục đại học cải tiến chất lượng theo những tiêu chí chưa đạt trong khoảng thời gian này để được đánh giá lại mức đạt là phù hợp.

Như vậy, có thể nói, đây là một tiếp cận theo hướng mở cho các chương trình đào tạo hơn so với trước đây, để các chương trình có thời gian triển khai hành động cải tiến.

Việc xuất hiện các tiêu chí liên quan đến đánh giá và đo lường mức độ đạt được chuẩn đầu ra ở cấp độ học phần và cấp độ chương trình đào tạo trong dự thảo Thông tư mới là một tiếp cận phù hợp với xu hướng kiểm định quốc tế. Đây là một trong những vấn đề mà các bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế quan tâm hàng đầu. Do vậy, đây cũng là một điểm mới và thách thức cho các chương trình đào tạo.

 Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: website nhà trường.

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: website nhà trường.

Thời gian 18 tháng tạo điều kiện đủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhận thức rõ những thiếu sót và thực hiện các biện pháp cải tiến cần thiết. Khoảng thời gian này tạo ra áp lực vừa đủ để các trường không bị trì hoãn quá lâu nhưng vẫn có đủ thời gian để triển khai những cải tiến cần thiết.

Vì vậy, thời gian 18 tháng có thể được xem là hợp lý và có thể đủ cho một số trường đại học nếu họ đã có kế hoạch cải thiện rõ ràng và quyết tâm thực hiện. Khi có khung thời gian cụ thể, nhà trường có thể thúc đẩy nhanh chóng triển khai các cải tiến và đổi mới trong chương trình đào tạo, nhằm đạt được mức độ chất lượng mong muốn.

Bàn luận sâu về vấn đề quỹ thời gian 18 tháng có hợp lý và đủ để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cải thiện chương trình đào tạo lên mức đạt hay không, Tiến sĩ Đàm Sơn Toại cho hay, đây là một bài toán lớn của các cơ sở giáo dục đại học để xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.

Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cần được thiết kế, xây dựng và vận hành để đảm bảo các hoạt động trong nhà trường, nhằm đáp ứng được chất lượng theo tuyên bố đối với xã hội. Hệ thống này cũng đảm bảo tính cải tiến và nâng cao chất lượng một cách liên tục. Tiến sĩ Đàm Sơn Toại cũng lưu ý rằng việc cải tiến chất lượng liên tục là đặc điểm của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.

Vì vậy, với một hoặc một số điều kiện do đoàn đánh giá ngoài khuyến nghị thì hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong sẽ đảm trách việc điều chỉnh, cải tiến để đảm bảo chất lượng được đạt chuẩn. Chúng ta cần nhìn nhận đây là một điều tích cực vì đoàn đánh giá ngoài đã giúp nhà trường phát hiện những điểm cần hoàn thiện; những điều mà hệ thống chưa tự phát hiện ra.

Mặt khác, khi ở trạng thái gần đạt thì các đơn vị đào tạo sẽ phải liên tục xoay vòng để làm sao đạt yêu cầu kiểm định chất lượng. Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, đó là tính liên tục của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, cho thấy việc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cải tiến chất lượng một cách thường xuyên là điều cần làm.

Chúng ta không coi đó là điều gây tốn kém, lãng phí ngân sách, mà phải nhìn nhận đó là chi phí cho hoạt động đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục – một chức năng vận hành của cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường cũng bổ sung quan điểm với khoảng thời gian 18 tháng để các cơ sở giáo dục cải tiến chất lượng và gỡ bỏ điều kiện, đó là điều thiết thực và phù hợp.

Thực tế có những điều kiện chỉ cần một vài tháng là có thể thực hiện cải tiến, nhưng có những điều kiện cần có cả một lộ trình, có chu kỳ để xử lý và hoàn thiện.

Vì vậy, để thời gian tối đa là 18 tháng sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục chủ động trong việc thực hiện các cải tiến chất lượng giáo dục, qua đó gỡ bỏ điều kiện và đạt chuẩn chất lượng.

Còn theo quan điểm của chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, từ trước đến này, các trường đại học vẫn luôn có sự tự phát triển, dần dần cải thiện để đảm bảo chất lượng. Khẳng định được chất lượng giáo dục, cơ sở đào tạo đó mới có thể thu hút được nguồn người học chất lượng, giảng viên trình độ cao.

 Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC.

Những cơ sở giáo dục có định hướng đúng đắn đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục thì sẽ có các kế hoạch thực hiện ngắn hạn, dài hạn hợp lý và tránh được việc chạy đua cải tiến trong thời gian quá ngắn, có thể gây tốn kém, mệt mỏi lại khó có hiệu quả thực chất.

Với những quốc gia đã có nền giáo dục phát triển trên thế giới, cơ sở giáo dục đại học thậm chí được tổ chức hệ thống theo mô hình đa lĩnh vực; song, cơ quan nhà nước chỉ có nhiệm vụ thực hiện xây dựng và quản lý chính sách chung, thay vì phải bao quát cả vấn đề hành chính của mỗi cơ sở; còn trường đại học phải có trách nhiệm giải trình với xã hội.

Điều quan trọng là từ đầu, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học cần trọng tâm, trọng điểm, đi vào thực chất, thay vì mở ra tràn lan nhưng không đáp ứng được đúng yêu cầu chất lượng chương trình đào tạo được đặt ra của một cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta cần có sự phân tầng rõ ràng giữa chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo ở bậc đại học hay trung cấp, cao đẳng.

Đồng thời, cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các tiêu chí đối với từng loại hình cơ sở giáo dục khác nhau, nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả thi trong thực hiện. Tổ chức báo cáo kết quả cải tiến chất lượng để thẩm định lại những tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt, không nên tổ chức lại quy trình đánh giá ngoài như lần đầu.

Lưu Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/18-thang-du-de-truong-dai-hoc-cai-tien-chat-luong-can-thiet-post245614.gd