180 doanh nghiệp khó khăn tại Hà Nội được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất
Hà Nội đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 180 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với tổng số là 15.188 người, tương ứng kinh phí trên 50 tỷ đồng…
Ảnh minh họa.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 42 và Nghị quyết 154 của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tính đến hết tháng 4/2021, toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ cho 515.515 người với tổng số tiền là hơn 608 tỷ đồng.
Các đối tượng này gồm: người có công; bảo trợ xã hội, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm và hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, riêng số người lao động và hộ kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ là 130.911 người với kinh phí hỗ trợ là 132,388 tỷ đồng. Đến nay, đã thực hiện chi trả cho 130.107 người với số tiền 131,582 tỷ đồng; số thu hồi không phải chi trả là 804 người với số tiền 805,6 triệu đồng.
Chia theo từng nhóm đối tượng thụ hưởng, đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên: đã hỗ trợ cho 1.303 lao động tại 44 doanh nghiệp; mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng với tổng kinh phí là 2,655 tỷ đồng.
Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng: đã chi trả cho 253 người với số tiền 378 triệu đồng.
Với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm, đã hỗ trợ cho 125.313 người, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng với kinh phí 125,313 tỷ đồng.
Trong tháng 5/2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 383.931 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 472,744 tỷ đồng.
Trường hợp hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020, đã hỗ trợ cho 4.042 hộ với mức 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng với tổng kinh phí là 4,042 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đã có 14 đơn vị, doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 1.477 người lao động với số tiền 4,216 tỷ đồng.
Toàn thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 180 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với tổng số lao động là 15.188 người, tương ứng kinh phí trên 50 tỷ đồng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, nhìn chung các địa phương đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng đúng quy định, không có tình trạng khiếu nại phức tạp xảy ra.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ, thời gian gấp nên bước đầu một số địa phương vẫn còn lúng túng.
Bên cạnh đó, việc thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là không có cơ sở để kiểm tra, xác minh mà chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp, từ đó dễ phát sinh việc trục lợi chính sách.
Ngoài chính sách của Trung ương và thành phố, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho các giáo viên ngoài công lập, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để ổn định cuộc sống.
Toàn thành phố Hà Nội có 192 người thuộc diện thụ hưởng đã nhận đủ chế độ hỗ trợ nhưng sau đó đã tự nguyện trả lại kinh phí hỗ trợ để nhường lại cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn.