180 hộ dân khu phố Tiền Phong 'mắc kẹt' ở triền đê sông Mã
Hàng chục năm qua, hơn 180 hộ dân vùng ngoại đê sông Mã, thuộc khu phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) phải sống trong những căn nhà chật hẹp, ẩm thấp, hàng năm luôn phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, nhưng đến nay vẫn chưa được di dời.
Nhiều ngôi nhà tại phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn xuống cấp, hư hỏng nhưng không được xây mới do nằm trong dự án di dời.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà ở của người dân nơi đây chủ yếu là nhà cấp 4, đường giao thông, cơ sở hạ tầng kém, mỗi khi mưa gió, lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ngôi nhà được xây dựng hàng chục năm nay đã hư hỏng, xuống cấp, tường nhà bị nứt toác, ẩm thấp nằm xiêu vẹo sát bờ sông Mã. Sau nhiều lần nâng cấp, mái đê sông Mã đã cao ngang với nóc nhà của nhiều hộ dân. Những ngôi nhà này do nằm trong khu vực triền đê, trong diện buộc phải di dời nên nhiều năm nay không được phép nâng cấp, cơi nới và xây mới.
Theo Luật Đê điều, hơn 180 hộ dân ở đây phải di dời bởi không được sinh sống, xây dựng công trình phía ngoại đê. Tuy nhiên, đa phần các hộ này lại sinh sống ở đây trước cả khi có Luật Đê điều. Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP Thanh Hóa cũng có kế hoạch di dời các hộ dân đến nơi tái định cư. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí lẫn chưa bố trí được khu đất mới tái định cư nên việc di dân vẫn cứ dang dở nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Thanh sống ở đây đã gần 40 năm, than thở “Gia đình tôi có 6 người chung sống, công việc của con cái thì không ổn định, cũng muốn đi mua mảnh đất chỗ khác để xây dựng nhà mới nhưng không có đủ tiền. Nếu như Nhà nước quan tâm hỗ trợ thì chúng tôi sẵn sàng di dời đi nơi khác”. Theo quan sát, ngôi nhà của bà thấp hơn mặt đê hiện tại tới 3 – 4m, tường nhà có nhiều vết rạn nứt kéo dài, rêu mốc bám đầy bởi những đợt mưa lũ nước dâng ngập tường gây ẩm mốc.
Phía sâu những con hẻm nhỏ dẫn ra phía sát chân đê, những ngôi nhà nằm chênh vênh, có thể bị dòng nước lũ cuốn trôi bất cứ khi nào. Tại đây, những ngôi nhà trông chẳng khác nào những phòng trọ tạm bợ, rêu xanh bám đầy tường. Ngôi nhà của anh Đoàn Văn Hải chỉ cách mép nước chừng 1-2m, mỗi mùa mưa lũ về thì mọi thứ quanh đây đều biến thành sông. Anh Hải cho biết: “Có những năm nước sông lên nhanh dâng cao tới tận nóc nhà, vợ chồng, con cái chúng tôi phải dắt díu chạy vội lên bờ đê để tránh trú. Sau đó, tôi mới dám bơi vào nhà vơ vội vài ba bộ quần áo bỏ vào chậu rồi lại bơi lên bờ, mọi thứ tài sản trong nhà đành ngâm trong nước hết đợt lũ”.
Ông Nguyễn Duy Tuyên, sống tại số nhà 45 ở khu phố Tiền Phong, cho biết: Bao nhiêu năm nay chính quyền đã xây dựng, phê duyệt các dự án để di dời khu phố này, nhưng rồi đợi mãi chẳng thấy đâu. Nhà cửa của chúng tôi ở đây không được xây dựng mới. Hàng chục năm nay, đường vào khu phố hư hỏng nhưng cũng không được sửa chữa nâng cấp. Mặt đường thì đầy những “ổ voi”, “ổ ga” chằng chịt, nắng lên thì bụi, mưa xuống thì lầy lội, nhem nhuốc.
Được biết, từ năm 2008 đến nay, cấp có thẩm quyền của tỉnh đã phê duyệt một số dự án có liên quan đến khu phố Tiền Phong, như: Dự án di dân để phòng tránh thiên tai; dự án tiêu úng Đông Sơn và dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Mã đoạn qua TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân thuộc diện di dời vẫn chưa được bố trí tái định cư để ổn định đời sống.
Sau nhiều ý kiến, kiến nghị và qua các cuộc tiếp xúc cử tri trong những năm gần đây, UBND TP Thanh Hóa đã từng tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân phố Tiền Phong. Tại đây, lãnh đạo thành phố đã ghi nhận ý kiến của người dân và cam kết sẽ sớm hoàn chỉnh phương án di dời người dân đến mặt bằng tái định cư mới. Hy vọng lại nhen nhóm lên với những cư dân nơi đây, tuy nhiên đến nay, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.