180 ngày hành động gỡ 'thẻ vàng' trước khi Ủy ban châu Âu vào thanh tra IUU lần thứ 4

Theo kế hoạch, tháng 6 tới, Ủy ban châu Âu vào thanh tra lần thứ 4 về việc Việt Nam tháo gỡ 'thẻ vàng' cho hải sản. Việt Nam có 180 ngày để dồn lực cho việc này

Công bố kế hoạch chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Chiều 20/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến công bố và triển khai Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Công bố Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4, ông Nguyễn Quang Hùng – Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.

Bên cạnh đó, thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai đến tháng 5/2023. Trong đó, về thông tin truyền thông, thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Đa dạng các hình thức tuyên truyền; tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU.

Thứ nữa, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, Thủ tướng Chính phủ đề nghị rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý,...

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương có biển cũng đã đưa ra những kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU trước khi EC vào kiểm tra lần này. “Địa phương hiện đã triển khai nhiều công việc cần thiết, trong đó, chỉ đạo rà soát tàu cá của tỉnh để đăng ký cấp phép khai thác, đảm bảo đến tháng 4/2023 phải xong nhiệm vụ này. Đồng thời, còn hơn 10 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, sẽ quyết liệt triển khai để sớm hoàn thành công việc này”, đại diện của tỉnh Bình Thuận cho biết và kiến nghị giữa các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển.

Vẫn còn khó khăn

Vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực hiện Quyết định 81. Đại diện tỉnh Kiên Giang cho rằng, tại Quyết định 81, có 12 mục yêu cầu đạt 100%, ví dụ, kiểm soát tàu ra – vào đạt 100%; kiểm soát thiết bị hành trình thường xuyên 100%, các tàu cập vào cảng chỉ định đạt 100%; tàu vi phạm phải có quyết định xử lý hành chính và các biện pháp xử lý tăng thêm đạt 100%;...

Vị này cũng chia sẻ, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, thậm chí có vướng mắc khó khăn mà là chúng ta chưa chắc đã làm được. Ví dụ, như tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài báo về, chúng tôi sẽ lập tức giao lực lượng biên phòng xử lý và họ phải thu thập đầy đủ các bằng chứng, giấy tờ phía bạn (nước ngoài). Tuy nhiên, thông thường phía bên bạn không cung cấp. Lực lượng biên phòng phải thông qua kênh Bộ Ngoại giao nhưng cũng rất khó lấy giấy tờ bên bạn, nếu có thì chỉ là bản phô tô.

Trong quyết định xử lý phải có tọa độ nơi vi phạm, thời gian và hành vi vi phạm. Trong khi đó, khi ra tòa, với các giấy tờ và điều kiện không đủ, tòa sẽ hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền cũng như không tịch thu tàu được vi phạm.

Hay việc các tỉnh xem cảng cá chỉ định đủ chưa? Riêng đối với Kiên Giang với 200km đường biển, 100 cửa sông, các chủ tàu thường ở bên cửa sông, tàu họ đậu luôn ở cửa sông mà không vào các cảng cá chỉ định. Do đó, với quy định 100% tàu ra vào đều phải được giám sát là hết sức khó khăn.

"Về phía địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức. Tuy nhiên, cần có những giải pháp kiên quyết, đánh mạnh vào những đối tượng vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm", đại diện tỉnh Kiên Giang cho hay.

Ở góc độ cơ quan quản lý, đại diện Bộ Quốc Phòng cho biết, quản lý nhân lực trong giấy tờ xuất nhập bến, khi bộ đội biên phòng kiểm tra thì thuyền trưởng và thuyền viên là một người, đến khi cảnh sát biển kiểm tra thì lại là một người khác. Gần đây rộ lên hiện tượng tháo dỡ thiết bị giám sát hành trình chuyển sang tàu khác. Để xử lý dứt điểm thì các địa phương và các ngành đều phải tham gia.

“Kẹp chì niêm phong thiết bị giám sát hành trình chỉ giữa vỏ và giá đế hộp. Tuy nhiên, đế hộp gắn vào 1 vị trí trên tàu và có thể tháo ra mà không ảnh hưởng gì đến niêm phong kẹp chì. Đây cũng là điểm đang còn sơ hở. Cần thống nhất việc lắp đặt như thế nào để không thể tháo gỡ được”, đại diện này cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU - nhấn mạnh, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, đồng thời là điểm cung cấp trong chuỗi phân phối toàn cầu về thủy sản, do đó, không còn cách nào khác phải thực thi nghiêm các quy định của các tổ chức quốc tế và việc phát triển khai thác thủy sản cần bền vững.

Khẳng định việc tháo gỡ thẻ vàng là một nhiệm vụ rất quan trọng trước mắt. Việc gỡ thẻ vàng sẽ khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Phùng Đức Tiến cho biết, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ luôn sát cánh cùng với các địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để cùng tháo gỡ. Về phía các địa phương cần tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đạt được kết quả cao nhất, đặc biệt khi đoàn thanh tra EC sang làm việc với Việt Nam sắp tới.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhấn mạnh:

Qua thanh tra, EC đưa ra 4 nội dung quan trọng mà Việt Nam cần phải đáp ứng gồm: Khung pháp lý; quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc, quản lý cả sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt trên biển; việc thực thi pháp luật chưa đồng đều, chưa hiệu lực hiệu quả.

“Thẻ vàng” ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản nói chung và hải sản nói riêng. Trước đây, chúng ta xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU, thủ tục chỉ mất 1 - 3 ngày, bây giờ 2 - 3 tuần. Không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không gỡ được thẻ vàng sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, ảnh hưởng ngành thủy sản, vị thế của đất nước.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/180-ngay-hanh-dong-go-the-vang-truoc-khi-uy-ban-chau-au-vao-thanh-tra-iuu-lan-thu-4-243218.html