19 bị cáo trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xin giảm nhẹ hình phạt
Nói lời sau cùng trước khi HĐXX phúc thẩm nghị án, các bị cáo thừa nhận sai phạm, đồng thời mong HĐXX phúc thẩm xem xét và ghi nhận các tình tiết mới liên quan đến họ để giảm án hoặc cho hưởng án treo.
Ngày 29/6, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phần tranh luận tại phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 19 bị cáo và các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đối đáp lại quan điểm của các bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, hoặc có đơn xin hưởng án treo cùng luật sư bào chữa cho bị cáo và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo đã gây ra thiệt hại rất lớn nên phải trực tiếp chịu trách nhiệm cá nhân là đúng pháp luật. Hành vi của các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hình sự và liên đới chịu trách nhiệm dân sự.
“Do thời hạn về tố tụng có hạn, không thể giải quyết vụ án dân sự trong vụ án hình sự nên để đảm bảo tố tụng theo quy định, Tòa án cấp sơ thẩm án đã tách phần dân sự trong vụ án hình sự này để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.
Theo đại diện Viện kiểm sát, tài liệu hồ sơ trong vụ án này bao gồm kết luận giám định, xác định thiệt hại, cũng như tài liệu thể hiện vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể gây ra thiệt hại…, là căn cứ để khởi tố vụ án nên các bị đơn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp nội dung này để khởi kiện trong vụ án dân sự khác.
Đại diện Viện kiểm sát cũng xác định rõ vai trò của chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), sau đó mới đến vai trò của các nhà thầu thi công, các tổ chức tư vấn giám sát.
“Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như diễn biến trong quá trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận trách nhiệm như bản án sơ thẩm đã xác định. Vì vậy, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ.
Cũng theo phân tích của đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo đều có chức năng, khả năng điều hành thực hiện gói thầu. Nếu so với VEC thì không lớn, nhưng so với các gói thầu mà bị cáo điều hành thì các bị cáo là người đứng đầu và có vai trò, trách nhiệm lớn trong việc thi công gói thầu mà các bị cáo đảm nhận. Vị trí, vai trò của các bị cáo gắn liền với thiệt hại về kinh tế của Nhà nước nên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo cùng các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về thiệt hại của vụ án hơn 811 tỷ đồng, theo quan đại diện Viện kiểm sát, thực tế chỉ có duy nhất chứng từ của Trico nộp 500 tỷ đồng để khắc phục. Ngoài ra, có bị cáo nộp 50 triệu đồng, có bị cáo nộp 100 triệu đồng... Số tiền này được hiểu là các bị khắc phục hậu quả của vụ án, nhưng như vậy là quá ít, không đáng kể so với thiệt hại rất lớn của vụ án.
Và đến thời điểm này, cũng chưa có bị đơn nào nộp tiền nên thiệt hại của vụ án còn nguyên, mức khắc phục của các bị cáo là quá nhỏ nên chưa thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là tự nguyện khắc phục hậu vụ án.
“Vụ án này có hậu quả kinh tế lớn, muốn giảm nhẹ tính nguy hiểm của hành vi thì thiệt hại phải được khắc phục. Tuy nhiên đến nay, trên giấy tờ chưa thể thể hiện việc khắc phục thiệt hại nên không có căn cứ để xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”, đại diện Viện kiểm sát kết luận.
Sau phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Cường (cựu Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 1) nộp tài liệu thể hiện bị cáo Nguyễn Mạnh Cường đã nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả. Đại diện Viện kiểm sát ghi nhận nội dung này và đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Mạnh Cường.
Đối với bị cáo Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), đại diện Viện kiểm sát đánh giá, việc bị cáo Hoàng Việt Hưng giữ lại số tiền 106 tỷ đồng là nghĩa vụ của bị cáo, chứ không phải là công lao như bị cáo trình bày.
Đối đáp với đại diện Viện kiểm sát, một số luật sư bào chữa cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo có đơn kháng cáo đều không có động cơ vụ lợi, họ chỉ là người làm công ăn lương. Mặc dù số tiền họ khắc phục hậu quả so với thiệt hại của vụ án là không đáng kể, nhưng so với tiền lương của họ thì đã là một sự cố gắng hết sức.
Từ phân tích của mình, luật sư bào chữa mong HĐXX phúc thẩm xem việc khắc phục hậu quả này là tình tiết giảm nhẹ, không nên bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo. Qua đó, HĐXX phúc thẩm sẽ đưa ra phán quyết công tâm khi tuyên án.
Được quyền nói lời sau cùng trước khi HĐXX phúc thẩm nghị án, các bị cáo thừa nhận sai phạm và mong HĐXX phúc thẩm xem xét hết các tình tiết mới liên quan đến hoàn cảnh gia đình, nộp tiền khắc phục hậu quả, những thành tích đã được ghi nhận trong quá trình công tác để giảm án cho các bị cáo. Ngoài ra, các bị cáo cũng mong muốn được HĐXX phúc thẩm xem xét cho họ hưởng án treo để tiếp tục được làm việc, cống hiến.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, thay mặt HĐXX phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Mai Anh Tài thông báo, HĐXX sẽ nghị án và tuyên án vào sáng 1/7.