19 dự án ở Lâm Đồng 'nuốt' trên 777ha rừng
Thông tin trên được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết tại báo cáo kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo sở này qua các thời kỳ liên quan đến Kết luận thanh tra ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, tại huyện Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp được thuê đất thuê rừng đến ngày 30/6/2019, có 17 dự án để xảy ra phá 677,56ha rừng, trong đó có 457,11ha/16 dự án chưa xử lý. Tại huyện Lâm Hà, hai dự án của Công ty TNHH thương mại dịch vụ kinh doanh địa ốc Việt R.E.M.A.X (Công ty Việt Remax) và Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai để xảy ra phá 99,96ha rừng.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng xác định, trách nhiệm chính thuộc các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quy định rõ trong quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng. Trong những dự án để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp quy mô lớn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi đất một số dự án, trong đó có dự án của Công ty Việt Remax, dự án của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt, giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý.
Rừng thông tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng bị cưa phá, lấn chiếm đất.
Nguyên nhân dẫn đến rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được xác định là do các doanh nghiệp đã buông lỏng quản lý, không đủ nguồn lực để thực hiện dự án và bố trí lực lượng bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ tài nguyên rừng trên địa bàn. Nhiều hộ dân đã lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng để phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp và chờ bồi thường.
Trong khi đó, nhiều dự án thuê rừng thực hiện du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giai đoạn 2013-2018, nằm trên một số địa bàn chậm tiến độ, không thể triển khai do gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ và các dự án có tận dụng lâm sản trên diện tích xây dựng công trình hoặc cải tạo rừng nghèo kiệt, đang triển khai tận dụng lâm sản. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đa phần các doanh nghiệp để mất rừng rơi vào tình trạng không thể triển khai bất kỳ hoạt động nào, dẫn đến tâm lý bỏ mặc dự án, thậm chí có doanh nghiệp đã phá sản.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đức Trọng rà soát diện tích rừng, đồng thời cung cấp số liệu cho Sở Tài chính tỉnh tính toán bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng của 16 doanh nghiệp để xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng và yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường theo quy định. Hiện đã xác định được giá trị khối lượng lâm sản bị thiệt hại của 15/16 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới có 5/15 doanh nghiệp chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng trên 15 tỉ đồng.