19 sản phẩm CNTT vào chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019

Phần lớn các sản phẩm CNTT dự thi Nhân tài Đất Việt 2019 đều tập trung ứng dụng các công nghệ mới theo đúng xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Blockchain, AI, IoT, Big Data,…

Chiều 4-11, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo công bố kết quả vòng Sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) 2019. Theo đó, từ 418 sản phẩm dự thi, Hội đồng giám khảo sơ khảo của Giải thưởng NTĐV 2019 bao gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) đã lựa chọn được 19 sản phẩm xuất sắc nhất vào vòng thi Chung khảo.

Năm 2019 đánh dấu chặng đường 15 năm phát triển của Giải thưởng NTĐV với chủ đề mới “Sức mạnh chuyển đổi số”. Giải thưởng lần đầu tiên mở thêm hạng mục sản phẩm CNTT Khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đông đảo các bạn startup và sinh viên tham gia dự thi.

Với những đổi mới, NTĐV 2019 đã nhận được số lượng sản phẩm dự thi ấn tượng nhất trong các năm qua, với số lượng tăng gần 30% so năm trước. Đặc biệt giải thưởng cũng thu hút được nhiều sản phẩm dự thi từ Việt kiều tại các nước: Mỹ, Canada, Đức, Thụy Sỹ.

TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo NTĐV 2019 cho biết: số lượng và chất lượng các sản phẩm dự thi ở các hệ thống giải thưởng CNTT năm nay khá đồng đều. Phần lớn các sản phẩm CNTT dự thi năm nay đều tập trung ứng dụng các công nghệ mới theo đúng xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Blockchain, AI, IoT, Big Data,…

Quang cảnh cuộc họp báo công bố kết quả Sơ khảo Giải thưởng NTĐV 2019

Quang cảnh cuộc họp báo công bố kết quả Sơ khảo Giải thưởng NTĐV 2019

Với khởi đầu từ một cuộc thi trong lĩnh vực CNTT từ năm 2005, đến nay NTĐV đã trở thành một giải thưởng uy tín trong các lĩnh vực CNTT, Khoa học tự nhiên, Y dược, Môi trường và Tự học thành tài. Giải thưởng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “Tôn vinh tài năng, khuyến khích sáng tạo” đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu tổ chức, mang lại những giá trị của xã hội, do xã hội và vì xã hội, và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ để đưa những nhân tài của Việt Nam vươn tầm thế giới, bắt kịp xu thế phát triển công nghệ của thời đại, cũng như bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ.

Năm 2019, ở mỗi hệ thống sản phẩm CNTT, các thí sinh sẽ có cơ hội nhận được 1 giải Nhất trị giá 200 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 100 triệu đồng và 1 giải Ba trị giá 50 triệu đồng cùng các giải thưởng có giá trị khác từ các đơn vị tài trợ.

DANH SÁCH 19 SẢN PHẨM CNTT VÀO CHUNG KHẢO GIẢI THƯỞNG NTĐV 2019

I. Sản phẩm CNTT Số Triển vọng (7 sản phẩm):

1. Sản phẩm Dịch vụ cho thuê giải pháp chứng thực tập trung VNPT Ký số của nhóm tác giả đến từ Phòng Giải pháp phần mềm số 1 - Trung tâm giải pháp Chính phủ Điện tử - Công ty Công nghệ Thông tin. VNPT-Kyso cung cấp dịch vụ cho thuê giải pháp lưu trữ và ký số tập trung. Với dịch vụ này, cặp khóa của người dùng được lưu trữ, bảo vệ trong thiết bị HSM chuyên dụng đặt tại VNPT. Người dùng có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi miễn là có kết nối Internet, đồng thời có thể tránh được các rủi ro khi giao dịch.

2. Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh của nhóm tác giả đến từ Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội. Bộ sản phẩm là giải pháp toàn diện về việc quản lý, vận hành, lưu trữ, mã hóa thông tin cho hệ thống camera an minh. Bao gồm: Phần mềm quản lý video đa năng, hệ thống quản trị trung tâm, Bộ Phần mềm lưu trữ và Thiết bị Phần cứng.

3. Hệ thống số hóa thông minh D-IONE của nhóm tác giả công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI. D-IONE là một giải pháp phần mềm đơn giản cho người dùng cá nhân thông qua máy quét và máy tính có thể tạo các tệp điện tử truyền thống như các tệp pdf, jpg để lưu trữ trên các máy tính cá nhân đơn lẻ, có kết nối về dữ liệu với nhau trong một nhóm các cá nhân sử dụng chung dữ liệu.

4. Phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản, gọi tắt là "Origin-STT" của nhóm tác giả Công ty TNHH Hệ thống Trí thông minh Nhân tạo Việt Nam. Origin-STT là phần mềm hỗ trợ chuyển từ giọng nói thành văn bản, và gỡ băng với độ chính xác trung bình lên tới 93,6%.

5. Dịch vụ định danh xác thực điện tử eKYC (Electronic Know Your Customer) của nhóm tác giả Phòng Trí tuệ Nhân tạo - Trung tâm Sáng tạo - Công ty Công nghệ Thông tin VNPT. Giải pháp định danh xác thực điện tử eKYC nhằm giải quyết vấn đề xác thực danh tính giữa hồ sơ giấy và chủ thông tin, dựa trên công nghệ AI để bóc tách thông tin, phân loại giấy tờ, so khớp khuôn mặt xác thực người dùng, chống giả mạo, kết hợp công nghệ Blockchain lưu trữ và bảo mật giao dịch.

6. ICORRECT - Ứng dụng luyện thi và nói tiếng Anh của nhóm tác giả đến từ Công ty Cổ phần CSUPPORTER. ICORRECT là ứng dụng giúp người học tiếng Anh có được môi trường để luyện tập kỹ năng nói được thiết kế mô phỏng theo phòng thi kỹ năng nói của kỳ thi quốc tế IELTS. Từ đó người học để có thể tự luyện tập và cải thiện kỹ năng nói tiếng anh mọi lúc mọi nơi.

7. V-Chain: nền tảng phát triển và triển khai ứng dụng phi tập trung trên công nghệ Blockchain của nhóm tác giả Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội. V-Chain hướng tới các nhà lập trình tại các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ có nhu cầu sử dụng công nghệ blockchain, cung cấp giao diện dễ dàng sử dụng cho phép các nhà lập trình định nghĩa tác nhân, các đối tượng dữ liệu và thuộc tính của nó tương thích với ứng dụng của doanh nghiệp.

II. Sản phẩm CNTT Kết nối, Di động (3 sản phẩm)

1. Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức (Cổng 1022) đến từ nhóm tác giả Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM. Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức (cổng 1022) là hệ thống tiếp nhận và giải đáp phản ánh của người dân tại thành phố Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực như: Hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự đô thị, môi trường; đường dây nóng, … Hệ thống phục vụ hàng triệu người dân tại thành phố và người dân các tỉnh thành khác có việc cần liên hệ đến thành phố.

2. Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Mai Hương, Vũ Văn Luật, Trần Duy Hoàng, Đồng Thị Hồng, Đào Trung Hiếu, Nguyễn Duy Công, Vũ Minh Dũng. Cổng thông tin cung cấp dịch vụ về tín dụng cho người vay và tổ chức cho vay tín dụng. Giúp khách hàng tìm kiếm gói vay phù hợp, nghiên cứu về các tổ chức tín dụng; đồng thời là kênh để các tổ chức tín dụng quảng bá, giới thiệu các gói sản phẩm.

3. VietSearch - Kết nối và Phát triển cộng đồng Việt của nhóm tác giả: Nguyễn Đình Phú, Nguyễn Đình Quý, Lưu Vĩnh Toàn, Trần Quốc Nhật Minh, Hà Duyên Hóa, Phạm Xuân Lâm, Phan Thị Tường Vi, Nguyễn Mười. VietSearch là mạng kết nối cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, giúp tìm kiếm, gợi ý thông tin về chuyên gia, dịch vụ và sự kiện Việt dựa trên các thông tin đầu vào như tên, lĩnh vực, địa điểm, mô tả dịch vụ, mô tả chuyên môn... Tập trung vào việc xử lý dữ liệu của cộng đồng người Việt với các công nghệ tiên tiến như tự động thu thập, bóc tách dữ liệu, thống kê xử lý dữ liệu lớn và dữ liệu phi cấu trúc, công nghệ học máy, tìm kiếm, gợi ý thông minh…

III. Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp (9 sản phẩm)

1. Phần mềm quản lý nhân sự trực tuyến Tanca.io thuộc hạng mục "Thành công" đến từ nhóm tác giả Công ty CP Ứng dụng di động Xanh. Tanca giải quyết các bài toán trong hoạt động nhân sự của doanh nghiệp như: Quản lý nhân viên từ xa, Xử lý chấm công và tính, Số hóa quy trình giấy tờ trong doanh nghiệp và giảm thiểu đến 60% giấy tờ.

2. Đài Truyền hình 4.0 - Gostudio thuộc hạng mục "Thành công" của nhóm tác giả Công ty Cổ phần Công nghệ GoStream là phần mềm kết hợp với các trang mạng xã hội cung cấp các tính năng cho việc livestream giới thiệu sản phẩm, gameshow, tương tác.

3. Sản phẩm Testuru thuộc hạng mục "Thành công" của nhóm tác giả Công ty Cổ phần Testuru. Testuru là một nền tảng trực tuyến duy nhất ở Việt Nam cho phép người dùng thi thử IELTS như thi thật cả về hình thức lẫn nội dung với chi phí thấp, cho phép người dùng, trường học và trung tâm tiếp cận lượng lớn giáo viên trên toàn thế giới với chi phí thấp.

4. Ứng dụng làm đẹp và chăm sóc sức khỏe WeJoy thuộc hạng mục "Thành công" của nhóm tác giả đến từ Công ty Cổ phần Công nghệ Onaclover. WeFit - là phần mềm ứng dụng cho phép người dùng có thể đặt chỗ ở tất cả 800 phòng tập thể thao trong hệ thống không giới hạn, làm cho việc tập luyện chưa bao giờ dễ dàng hơn thế, kể cả đi công tác, ở nhà hay đi du lịch.

5. CSAM - Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến thuộc hạng mục "Sáng tạo" của nhóm tác giả: Nguyễn Thành Trung, Hồ Xuân Hùng, Lê Vĩnh Nhơn, Nguyễn Hồng Nhung. Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến là phần mềm quản lý đăng ký, lưu trú, đặt chỗ với nhiều tính năng đặc biệt: tạo nhóm chat, trao đổi công việc và hỗ trợ thanh toán.

6. Học viện không gian ảo (Edulad VR) thuộc hạng mục "Sáng tạo" của nhóm tác giả Công ty TNHH Công nghệ Holoma. Edulad là mô hình giáo dục xây dựng để học viên được hướng dẫn và thực tập không gian ảo.

7. Hệ thống ứng cứu và xử lý sự cố Smart IR thuộc hạng mục "Sáng tạo" của nhóm tác giả đến từ Trung tâm An toàn Thông tin - Công ty VNPT IT. Sản phẩm sử dụng các thuật toán học máy (Machine Learning) trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý mã độc.

8. AIZO thuộc hạng mục "Sáng tạo" của tác giả Nguyễn Cẩm Vân. App là giải pháp giúp khách hàng mua bán đồ nội thất và kết nối với chuyên gia thiết kế, thi công thông qua công nghệ thực tế ảo AR.

9. Bot bán hàng thuộc hạng mục "Sáng tạo" của nhóm tác giả Công ty Cổ phần Chatbot Việt Nam. Phần mềm tích hợp vào chatbot của các mạng xã hội hỗ trợ đặc biệt hỗ trợ việc sale và makerting.

TRẦN BÌNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/19-san-pham-cntt-vao-chung-khao-nhan-tai-dat-viet-2019-626648.html