19 ứng viên tiêu biểu Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023
Hội đồng Giải thưởng đã họp phiên thứ nhất chọn ra 19 ứng viên tiêu biểu để xét chọn 10 gương mặt xuất sắc trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023.
Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng do T.Ư Đoàn chủ trì phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức hàng năm, nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc không quá 35 tuổi đang học tập, nghiên cứu khoa học, làm việc ở trong và ngoài nước thuộc 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y – dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.
Năm 2023, Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ (đơn vị thường trực Giải thưởng) đã phát động giải thưởng tới 203 đầu mối đơn vị. Sau hơn 5 tháng phát động từ ngày 28/2 - 30/7/2023, đơn vị thường trực giải thưởng đã nhận được 69 hồ sơ đề cử của 38 cơ quan, đơn vị, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong cả nước và Đại sứ quán Việt Nam, Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Trong 69 hồ sơ, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa (21 hồ sơ), công nghệ y - dược (12 hồ sơ), công nghệ sinh học (7 hồ sơ), công nghệ môi trường (12 hồ sơ) và công nghệ vật liệu mới (17 hồ sơ). Về học vấn, có 2 Phó Giáo sư; 53 tiến sĩ và 16 thạc sĩ.
Ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 1996 (27 tuổi), có 1 ứng viên quá tuổi sinh năm 1981 (42 tuổi); có 15 ứng viên đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài (Hungary, Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ, Đài Bắc-Trung Quốc, Hàn Quốc). Phần lớn các ứng viên tham gia là các nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học, học viện, viện nghiên cứu trong nước và ở nước ngoài.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, chất lượng hồ sơ đăng ký tham gia tốt và có nhiều thành tích xuất sắc. Trong đó, nhiều cá nhân có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, có nhiều công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.
Trước đó, ngày 30/8, tại trụ sở T.Ư Đoàn, Hội đồng Giải thưởng đã họp phiên thứ nhất và thống nhất chọn ra 19 hồ sơ đề cử cho Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023. Trong đó, lĩnh vực Công nghệ sinh học, Hội đồng không đề cử giới thiệu do hồ sơ các ứng viên chưa tiêu biểu.
Hội đồng sẽ họp phiên thứ hai vào trung tuần tháng 9/2023 để chọn ra 10 gương mặt xuất sắc nhất trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023.
Danh sách 19 Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023
I. Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số và Tự động hóa
1. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, SN 1990, Tiến sĩ Đại học Adelaide, Nam Australia
2. Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến, SN 1989, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội
3. Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu, SN 1992, Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Trường Đại học VinUniversity
4. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chi, SN 1988, Trường Đại học FPT
5. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, SN 1993, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội
6. Tiến sĩ Nguyễn Gia Trí, SN 1988, Trường Đại học FPT
II. Lĩnh vực Công nghệ Y Dược
1. Tiến sĩ Ngô Quốc Duy, SN 1989, Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K
2. Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, SN 1989, Khoa Kỹ thuật Y Sinh, trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM
3. Tiến sĩ Trịnh Hoàng Kim Tú, SN 1988, Trung tâm Y Sinh học phân tử, trường Đại học Y Dược TPHCM
4. Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, SN 1993, Viện nghiên cứu Robot Y tế Hàn Quốc
III. Lĩnh vực Công nghệ môi trường
1. Tiến sĩ Lê Đình Anh, SN 1989, Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội
2. Tiến sĩ Trương Hải Bằng, SN 1990, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, trường Đại học Văn Lang
3. Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải, SN 1991 , Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
4. Thạc sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trang, SN 1994, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM
5. Tiến sĩ Trần Văn Vinh, SN 1988, Đại học Gachon, Hàn Quốc
IV. Lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới
1. PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, SN 1988, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Bách Khoa, Đại học Cần Thơ
2. Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh, SN 1990, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, ĐHQG TPHCM
3. Tiến sĩ Ngô Chí Vinh, SN 1989, Công ty AlchLight LLC, Rochester, New York, Hoa Kỳ.
4. Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phòng Thí nghiệm Vật liệu kỹ thuật cao, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM